Lí giải cuộc phục hồi ngoạn mục của chứng khoán Mỹ

Chỉ số S&P 500 lập đinh lịch sử vào ngày 18/8 dù nền kinh tế Mỹ chưa có nhiều sự cải thiện, tỉ lệ thất nghiệp vẫn cao và gói cứu trợ COVID-19 mới thì vẫn đang mắc kẹt tại Thượng viện.

Lí giải cuộc phục hồi ngoạn mục của chứng khoán Mỹ - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Bloomberg)

Nếu chỉ nhìn vào thị trường chứng khoán Mỹ, không ai có thể biết rằng nền kinh tế số một thế giới đang nằm trong cuộc suy thoái khủng khiếp nhất kể từ Đại Khủng hoảng năm 1930.

Sau khi lao dốc 34% trong gần 5 tuần từ tháng 2 đến tháng 3, chỉ số S&P 500 đã phục hồi đều đặn và đóng cửa ở mức đỉnh lịch sử mới vào ngày 18/8, đánh dấu cuộc phục hồi không tưởng: S&P 500 đã đi lên 52% từ đáy ngày 23/3.

Nguyên nhân cho đà tiến của S&P 500 là rất rõ ràng. Các hành động nhanh chóng từ Cục dự trữ liên bang (Fed) và chính phủ nhằm bơm hàng nghìn tỉ USD vào hệ thống tài chính và đặt tiền trực tiếp vào tay người tiêu dùng đóng vai trò chủ đạo. Ngoài ra còn phải kể đến sự lạc quan rằng một hoặc vài loại vắc xin ngừa COVID-19 sẽ sớm được phân phối rộng rãi.

Cũng phải nói thêm rằng cuộc phục hồi của chứng khoán Mỹ diễn ra tương đối hẹp, được dẫn dắt chủ yếu bởi nhóm cổ phiếu công nghệ và y tế. Hiện nay chỉ có khoảng 1/3 cổ phiếu trong S&P 500 đã vượt qua mức giá hồi giữa tháng 2.

Thị trường chứng khoán Mỹ đang gửi đi thông điệp gì? Dưới đây là một số nhận định của các chuyên gia do Bloomberg khảo sát:

Ông Barry Ritholtz, nhà sáng lập hãng tư vấn đầu tư Ritholtz Wealth Management giải thích vì sao chứng khoán Mỹ tăng điểm dù nền kinh tế vẫn còn yếu ớt: "Các ngành được nhận biết nhiều nhất và dễ bị tổn thương cũng là những ngành chiếm tỉ trọng nhỏ nhất trên các chỉ số chứng khoán lớn như S&P 500, tính theo vốn hóa. Rốt cuộc, thị trường chứng khoán không bị ảnh hưởng nhiều bởi các ngành nổi tiếng nhưng lại tương đối nhỏ".

"Nếu 30 nhóm ngành chịu nhiều thiệt hại kinh tế nhất bị hủy niêm yết trước khi thị trường mở cửa vào ngày mai thì cũng chẳng khiến S&P 500 giảm nhiều hơn vài điểm phần trăm".

Ông Gary Shilling, Chủ tịch công ty tư vấn A. Gary Shilling & Co tin rằng chỉ số S&P 500 sẽ lại lao dốc lần nữa một khi nhà đầu tư cổ phiếu nhận ra cuộc suy thoái vì COVID-19 sẽ sâu sắc và kéo dài đến mức nào. Ông dự đoán cuộc suy thoái sẽ còn kéo dài sang năm 2021, bất chấp các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ lớn từ chính phủ và Fed.

Ông John Authers, tác giả cuốn "Sự trỗi dậy đáng sợ của thị trường" và nhiều cuốn sách khác đưa ra lời khuyên: "Khi nhìn vào bức tranh toàn cảnh, nhà đầu tư nên cẩn thận. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ ngày càng trở thành vấn đề thu hút sự chú ý tại Mỹ và toàn thế giới nhưng sức mạnh của tổng thống có thể bị phóng đại".

"Tiến trình chống đại dịch COVID-19 quan trọng hơn. Chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ không thay đổi bất chấp ai sẽ chiến thắng".

Ông Conor Sen, cây viết của Bloomberg nhận định: "Nhà đầu tư vẫn đang hết sức lạc quan về các công ty được hưởng lợi từ xu hướng người tiêu dùng ở nhà để tránh lây nhiễm và có tiềm năng tăng trưởng lớn". 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/li-giai-cuoc-phuc-hoi-ngoan-muc-cua-chung-khoan-my-20200819111309067.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/