Lazada tạo ra hơn 1,1 triệu cơ hội tăng trưởng kinh tế trong khu vực

Ông lớn thương mại điện tử ở Đông Nam Á là Lazada đã có lần đầu tiên công bố báo cáo ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp), khái niệm chưa thực sự phổ biến trong khu vực.

Gã khổng lồ thương mại điện tử ở khu vực Đông Nam Á là Lazada có trụ sở tại Singapore đã phát hành báo cáo đầu tiên về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Là một khái niệm chưa được biết đến phổ biến ở Đông Nam Á, sàn thương mại điện tử này đã nhờ đến sự giúp đỡ của một nhà tư vấn độc lập để vạch ra các ưu tiên ESG của mình, theo Tech in Asia.

Các nguyên lý cốt lõi trong khuôn khổ ESG của Lazada là “trao cơ hội phát triển cho cộng đồng, phát triển lực lượng lao động sẵn sàng cho tương lai, đảm bảo quá trình quản lý có trách nhiệm và quản trị một cách hiệu quả”.

Trao cơ hội phát triển cho cộng đồng

Báo cáo tiết lộ rằng tính đến tháng 3/2022, Lazada đã tạo ra hơn 1,1 triệu cơ hội tăng trưởng kinh tế cho tất cả các bên, bao gồm người bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử Lazada, nhân viên và đối tác của công ty, cũng như những người giao hàng từ các công ty hậu cần bên thứ ba trên 6 thị trường Đông Nam Á mà Lazada hoạt động.

Trong thời gian chính phủ các nước trong khu vực ban hành các lệnh giãn cách xã hội và phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19, công ty đã hợp tác với những người lái xe Jeepney ở Philippines cũng như One Tambon One Product ở Thái Lan để cung cấp nguồn thu nhập thay thế cho những người lao động bị ảnh hưởng. Các gói kích thích và các khoản vay vi mô cũng được Lazada cung cấp cho MSME (những đại diện cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa) trên toàn khu vực.

Trong hai năm qua, lực lượng lao động của toàn công ty đã tăng 18%, trong đó nữ giới chiếm 43% tổng số nhân viên, một tỷ lệ cao hơn so với toàn bộ ngành công nghệ ở Đông Nam Á.

Lazada đang tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng kinh tế hơn cho cộng đồng. (Ảnh: Insider Retail Asia).

Xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho tương lai

Lazada cho biết họ xây dựng đội ngũ nhân tài của mình thông qua kinh nghiệm làm việc tại chỗ, các đồng nghiệp khác và các chương trình đào tạo có cấu trúc. Lazada cũng đã phát triển Grow, một nền tảng nâng cao kỹ năng nội bộ cho nhân viên.

Ngoài ra, công ty đã triển khai một số dự án để thu hút nhân viên và cộng đồng của mình, bao gồm trung tâm tin tức LazBeat, podcast Lazada Insider, chương trình giáo dục lấy người bán làm trung tâm Lazada University, cũng như hội nghị học tập kỹ thuật số Lazada Learning Festival.

Quản lý có trách nhiệm

Trong một cuộc kiểm kê, công ty đã tìm cách đo lường hoạt động nào của mình tạo ra lượng khí thải nhà kính cao nhất. Kết quả cho thấy 59% giá trị là do sự kết hợp của hàng hóa và dịch vụ được mua, vận chuyển và phân phối ngược dòng, cũng như đi các chuyến đi công tác. Trong khi đó, có 38% nhận định rằng hoạt động tiêu thụ nhiên liệu tạo ra lượng khí thải nhà kính cao nhất.

Nhằm giúp giảm thiểu lượng khí thải nhà kính ra môi trường, Lazada đã hợp tác với một số bên liên quan, gồm cả nhà nước và tư nhân. Ví dụ, công ty đã làm việc với chính phủ Indonesia để khởi động chiến dịch #BlueVehicle, khuyến khích các lực lượng giao hàng sử dụng xe đạp và xe máy điện chở hàng.

Cũng tại Indonesia, Lazada đã hợp tác với Westbike Messenger Service, một công ty giao hàng chặng cuối sử dụng xe đạp cho các hoạt động của mình, để thực hiện các đơn đặt hàng ở các khu vực như Jakarta, Bandung và Yogyakarta

Chi nhánh tạp hóa RedMart của Lazada cũng sử dụng một thuật toán để đảm bảo giao hàng hiệu quả, giảm phát thải khí carbon. Ở Singapore, công ty sử dụng thùng cách nhiệt thay vì xe tải lạnh. Lazada cũng đã tích hợp bao bì xanh, hộp có thể tái chế, cũng như hàng tạp hóa có nguồn gốc vào trong các hoạt động giao nhận hàng ngày.

Quản trị có hiệu quả

Lazada cũng nêu rõ các chính sách quản trị của mình trong báo cáo, bao gồm các quy định chống hối lộ và tham nhũng, cơ chế khiếu nại, cũng như các hệ thống bảo mật dữ liệu và an ninh mạng.

Một trong những sáng kiến ​​thú vị nhất của Lazada là nhóm chuyên trách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bộ phận đầu tiên thuộc loại này dành cho một công ty thương mại điện tử Đông Nam Á. Vào năm 2020, nhóm đã khởi động chương trình gỡ xuống và phát hiện chống hàng giả, dẫn đến việc xóa nhiều danh sách sản phẩm có nguy cơ gây rủi ro. 98% lượng sản phẩm này đã được gỡ xuống trước khi được giao dịch.

“Giữa những bất ổn toàn cầu sau sự bùng phát của đại dịch COVID-19, tôi tin rằng thương mại kỹ thuật số sẽ tiếp tục phát triển cùng với nhận thức về môi trường. Đây là cơ hội để Lazada thay đổi theo hướng bình thường mới”, Frank Luo, Giám đốc tài chính tập đoàn của Lazada, viết trong báo cáo.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/lazada-tao-ra-hon-11-trieu-co-hoi-tang-truong-kinh-te-trong-khu-vuc-2022111164634716.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/