Kinh nghiệm quy hoạch đô thị từ Singapore, Nhật Bản có gì khác biệt?

Chuyên gia quy hoạch đến từ Singapore cho biết, ở nước này nếu cá nhân, tổ chức nào xây nhà, dự án sai phép có thể bị phạt tù 5 năm. Còn theo chuyên gia Nhật Bản, việc cấp phép đầu tư dự án cho tư nhân tại Nhật được kiểm duyệt rất nghiêm ngặt...

Tại phiên tham luận “Quy hoạch đô thị - Con đường của tương lai” của Hội nghị bất động sản Quốc tế (IREC) 2018, các chuyên gia về quy hoạch xây dựng đến từ các nước đã chia sẻ kinh nghiệm về quy hoạch, phát triển đô thị ở quốc gia của mình.

Ông Harry Yeo, nguyên Chủ tịch Viện Bất động sản Singapore cho hay, Singapore là một đảo quốc rất nhỏ với khoảng hơn 700km2, chính vì vậy mà quy hoạch đô thị có vai trò rất quan trọng với đất nước này. Do quỹ đất hạn chế, Singapore buộc phải phát triển đô thị theo chiều cao và xây thêm nhiều tòa nhà chọc trời.

Bên cạnh việc xây các tòa cao ốc thương mại, nhà ở, văn phòng, Singapore cũng phát triển nhiều dự án nhà ở xã hội để nhiều tầng lớp người dân có cơ hội tiếp cận với nhà ở.

de don dau tuong lai phai co quy hoach do thi that su ben vung
Quy hoạch tổng thể Singapore có phân ra từng khu nhà cao tầng, cao trung bình và thấp tầng, và có tính đến việc bảo tồn kiến trúc cổ.

Một vấn đề quan trọng đó là Singapore yêu cầu quy hoạch đô thị phải đảm bảo có các không gian xanh và tiện ích tốt nhất. “Và chúng tôi đã làm được tốt việc này. Những hình ảnh thực tế tại Singapore hiện nay đã chứng minh cho điều đó”, ông Harry Yeo nói.

Theo ông Harry Yeo, nhiều quốc gia thường đau đầu vì ùn tắc giao thông nhưng Singapore thì không phải đối mặt với vấn đề này vì quy hoạch giao thông được đầu tư bài bản, hệ thống và tầm nhìn xa, đây là yếu tố quan trọng trong quy hoạch đô thị. Singapore xây dựng hệ thống giao thông công cộng rất tốt và có thể coi là đẳng cấp quốc tế.

Ông Harry Yeo cho biết thêm, quy hoạch tổng thể 1/5.000 của Singapore có từ rất sớm (năm 1971) và được các nhà đầu tư tuân thủ nghiêm ngặt cho đến nay. Quy hoạch tổng thể Singapore có phân ra từng khu nhà cao tầng (trên 10 tầng), cao trung bình (3 - 10 tầng) và thấp tầng (1 - 2 tầng) và có tính đến bảo tồn kiến trúc cổ cũng như bản sắc văn hóa của 4 tộc người (bản địa, Hoa, Malaysia và Ấn Độ).

Bản quy hoạch tổng thể cũng thể hiện việc kết nối hạ tầng (nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, điện, điện thoại…) được Nhà nước đầu tư. Do tập trung phát triển ngành công nghiệp sạch nên Singapore xây dựng các khu đô thị vệ tinh, giảm chi phí đi lại, tiết kiệm sinh hoạt.

Ở Singapore, chúng tôi có kế hoạch quy hoạch tổng thể dài hạn. Chúng tôi phân vùng quy hoạch cho kinh doanh và nhà ở riêng biệt. Nếu đã quy hoạch cho kinh doanh thì sẽ không có nhà ở.

Đáng chú ý, tại Singapore, các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, quy hoạch bị xử rất nghiêm. Cá nhân hay tổ chức nào xây nhà hay dự án sai phép đều bị phạt tù, mức phạt có thể tới 5 năm tù giam.

Nhật Bản cũng là nước có quy hoạch đô thị bảo đảm được yếu tố môi trường và hệ thống giao thông công cộng bài bản, hiện đại bậc nhất khu vực. Ông Soichrio Takamine, Phó vụ trưởng Ban Quy hoạch Đô thị, Cục Đô thị, Bộ Đất đai hạ tầng giao thông Nhật Bản cho biết, dân số Nhật Bản đang ngày càng già hóa, vì vậy chúng tôi ra yêu cầu quy hoạch phải chú trọng yếu tố bảo tồn. Bên cạnh đó, vấn đề môi trường cũng là một yếu tố quan trọng mà quy hoạch đô thị cần phải đảm bảo.

Khi chủ trương đã đề ra như vậy thì chính quyền địa phương phải tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy định về quy hoạch đô thị và thực tế cũng cho thấy các địa phương tuân thủ rất tốt.

Ông Takamine cũng cho biết, để hạn chế tình trạng sử dụng đất thiếu kiểm soát, việc cấp phép đầu tư cho tư nhân được Chỉnh phủ Nhật Bản và chính quyền địa phương kiểm duyệt nghiêm ngặt. Các khu vực đã lập dự án với quy hoạch 1/500 có những quy định sử dụng đất bắt buộc. Các quy định về thiết kế kỹ thuật đô thị cho phép linh hoạt nhưng vẫn phải tuân thủ theo bản quy hoạch chung đô thị.

Ngoài ra, Nhật Bản còn chú trọng ứng dụng công nghệ để quản lý tốt hạ tầng, tăng cường kết nối các mạng lưới, hệ thống, bố trí khu dân cư gần các phương tiện công cộng để phát triển hệ thống giao thông công cộng, giảm tải tắc đường và ô nhiễm môi trường. Trong quá trình quy hoạch, Nhật Bản đề cao thúc đẩy các hình thức mới giúp người dân có cuộc sống thoải mái hơn.

Cả phía đại diện Singapore và Nhật Bản đều cho rằng, trong quy hoạch đô thị, yếu tố con người là quan trọng nhất. Vấn đề quy hoạch, phát triển cuối cùng cũng là để người dân có cuộc sống tốt hơn, thoái mái, tiện lợi, chất lượng hơn. “Để đón đầu tương lai, kinh nghiệm rút ra là phải có quy hoạch đô thị thật sự bền vững”, ông Harry Yeo nói.

Bên cạnh việc chia sẻ kinh nghiệm về quy hoạch đô thị tại quốc gia của mình, một số chuyên gia đến từ các nước cũng chỉ ra những hạn chế trong việc quy hoạch đô thị tại các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP HCM… Theo đó, quy hoạch đô thị tại Việt Nam thiếu sự tích hợp với quy hoạch sử dụng đất; hạ tầng giao thông còn bất cập, chưa phát triển đồng bộ với quy hoạch đô thị và dân cư, dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông triền miên. Bên cạnh đó, một điều dễ nhận thấy nữa là quy hoạch đô thị tại nhiều thành phố lớn của Việt Nam thiếu không gian xanh và nhiều tiện ích công cộng…

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/kinh-nghiem-quy-hoach-do-thi-tu-singapore-nhat-ban-co-gi-khac-biet-82424.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/