Kim ngạch xuất khẩu sang khối CPTPP tăng gần 22% trong 7 tháng

7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khối CPTPP đạt 31,5 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt gần 31,5 tỷ USD, tăng 21,5% so cùng kỳ năm 2021 và chiếm 14,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam.

Kể từ khi CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ tháng 1/2019, xuất khẩu hàng hóa sang khu vực này nhảy vọt, đặc biệt ở thị trường Canada, Mexico, Peru…

Ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam nhận định: “Doanh nghiệp Việt đã tận dụng lợi thế CPTPP mang lại. Chúng ta đã làm ăn xa hơn, doanh nghiệp sẵn sàng đi đến vùng đất mới, thị trường mới mà trước đây tưởng chừng như rất khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam như Chi Lê, Peru, Mexico…”

Doanh nghiệp cũng đã tận dụng các lợi thế của Hiệp định để xuất khẩu, không chỉ các mặt hàng điện tử, dệt may, da giày… mà còn có các mặt hàng nông sản kim ngạch có thể chưa cao nhưng đã làm thay đổi nhận thức của người nông dân về sản xuất, về lưu thông hàng hoá, đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn của thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, ông Bình cho biết rào cản ở thị trường CPTPP là quy tắc xuất xứ phức tạp hơn so với các FTA mà Việt Nam đã tham gia.

Để tiếp cận thị trường để hưởng ưu đãi thuế quan, các doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện, mà điều kiện quan trọng là đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ.

Trong khi đó, quy định về xuất xứ hàng hoá trong CPTPP có nhiều hình thức khác nhau. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có quá trình sản xuất, mua nguyên liệu, canh tác theo tiêu chuẩn; đồng thời doanh nghiệp sẽ phải tập hợp các hồ sơ chúng từ chứng minh nguồn gốc hàng hoá, chỉ dẫn hàng hoá, C/O...

“Ngoài ra, một số vấn đề khác chính là năng lực cạnh tranh, nguồn lực của doanh nghiệp. Như để xuất khẩu gạo đáp ứng các yêu cầu về ưu đãi thuế quan đòi hòi doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu về vốn, công nghệ…

Còn dệt may phải đạt tiêu chí về nguyên liệu trong khối Yêu cầu về đặc thù hàng hoá, phải sản xuất lại về hàm lượng nội vùng cần thời gian nhất định”, ông Lê Duy Bình thông tin.

Liên quan đến quy tắc xuất xứ hàng hóa, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết CPTPP hướng các doanh nghiệp thay đổi quy chuỗi cung ứng và quy trình.

“Một mục tiêu của các FTA chính là thúc đẩy giao dịch liên kết nội khối và qua đó cùng hỗ trợ và tiêu thụ hàng hóa của nhau. Đây là điều mà các doanh nghiệp chúng ta cần lưu ý.

Trong trường hợp CPTPP, chúng ta có thể tìm kiếm doanh nghiệp của Mexico, Peru… nếu như họ có nguồn nguyên liệu phù hợp để thay thế được nguồn nguyên liệu hiện tại, việc đáp ứng quy tắc xuất xứ khi đó sẽ thuận lợi hơn”, ông Hải khuyến cáo.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/kim-ngach-xuat-khau-sang-khoi-cptpp-tang-gan-22-trong-7-thang-2022825151146854.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/