Khủng hoảng tài chính (Financial crisis) là gì? Các nguyên nhân khủng hoảng tài chính

Khủng hoảng tài chính (tiếng Anh: Financial crisis) có thể hiểu là sự mất khả năng thanh khoản của các tập đoàn tài chính, dẫn tới sự sụp đổ và phá sản dây chuyền trong hệ thống tài chính.

mutualfund-kM8F--621x414@LiveMint_1563694727746

Hình minh họa (Nguồn: flickr)

Khủng hoảng tài chính (Financial crisis)

Khủng hoảng tài chính - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Financial crisis.

Khủng hoảng tài chính xuất hiện khi thị trường tài chính sụp đổ nguyên nhân bởi sự lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức trở nên gay gắt trên các thị trường tài chính, làm cho các thị trường này không còn khả năng luân chuyển vốn hiệu quả từ những người tiết kiệm đến những nhà đầu tư tiềm năng. Kết quả là nền kinh tế suy thoái. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)

Nguyên nhân khủng hoảng tài chính

Lãi suất tăng cao

Các cá nhân và công ty với các dự án mạo hiểm rủi ro cao lại là những người sẵn sàng trả mức lãi suất cao. Nếu lãi suất thị trường nhạy cảm tăng theo nhu cầu tín dụng tăng hoặc do cung tiền giảm, làm cho những người có rủi ro tín dụng tốt sẽ không còn thiết tha vay vốn nữa, trong khi đó, những người có rủi ro tín dụng xấu vẫn mong muốn được vay.

Do lựa chọn đối nghịch tăng lên, khiến cho ngân hàng không còn muốn cho vay nữa. Sự giảm sút mạnh trong tín dụng dẫn đến sự giảm sút mạnh trong đầu tư và hoạt động kinh tế vĩ mô.

Gia tăng sự bất ổn

Sự bất ổn đột ngột trên thị trường tài chính (có thể do sự sụp đổ của một tổ chức tài chính hay phi tài chính trụ cột nào đó), dấu hiệu của suy thoái kinh tế hay sự sụp đổ của thị trường cổ phiếu, càng làm cho ngân hàng khó khăn hơn trong việc sàng lọc khách hàng vay vốn.

Kết quả là ngân hàng không còn khả năng giải quyết được vấn đề lựa chọn đối nghịch nữa, dẫn đến hạn chế cho vay, làm suy giảm tín dụng, đầu tư và hoạt động kinh tế vĩ mô.

Ảnh hưởng của thị trường cổ phiếu lên bảng cân đối kế toán

Trạng thái bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp phản ánh thực trạng về vấn đề thông tin bất cân xứng trong hệ thống tài chính. Một sự giảm sút nghiêm trọng trên thị trường cổ phiếu là nhân tố làm cho bảng cân đối của doanh nghiệp trở nên xấu đi.

Ngược lại, sự xấu đi của bảng cân đối có thể làm gia tăng vấn đề lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức, kích thích khủng hoảng tài chính xảy ra. Sự giảm sút của thị trường cổ phiếu giảm làm giảm vốn chủ sở hữu của các công ty.

Vốn chủ sở hữu của các công ty giảm, khiến cho các ngân hàng không còn sẵn sàng cho vay, bởi vì vốn chủ sở hữu vốn là một chiếc đệm, có vai trò như tài sản bảo đảm tiền vay. Khi giá trị bảo đảm giảm, khiến cho ngân hàng không còn được bảo vệ tốt nữa, dẫn đến khả năng tổn thất tín dụng là hiện hữu.

Các vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng

Các ngân hàng đóng vai trò quan trọng trên các thị trường tài chính, bởi vì chúng hoạt động hiệu quả trong việc sản xuất và xử lí thông tin, làm cơ sở cho việc gia tăng đầu tư hiệu quả trong nền kinh tế.

Trạng thái bảng cân đối tài sản của ngân hàng có tác động quan trọng đến việc cho vay. Nếu bảng cân đối của ngân hàng trở nên xấu đi (vốn chủ sở hữu giảm đáng kể), thì nguồn vốn cho vay trở nên hạn hẹp, dẫn đến giảm sút tín dụng. Hậu quả là đầu tư giảm, nền kinh tế đình trệ.

Thâm hụt ngân sách chính phủ

Ở các nước mới nổi, nếu thâm hụt ngân sách chính phủ trầm trọng, sẽ làm phát sinh tâm lí lo sợ về khả năng vỡ nợ của chính phủ. Kết quả là chính phủ gặp khó khăn trong việc phát hành trái phiếu cho công chúng, chính phủ quay sang ép các ngân hàng mua.

Nếu giá trái phiếu chính phủ giảm, làm cho bảng cân đối tài sản ngân hàng trở nên xấu đi, dẫn đến giảm sút trong cho vay của ngân hàng. Mối lo sợ chính phủ vỡ nợ cũng có thể là tác nhân của khủng hoảng ngoại hối, khi giá trị đồng nội tệ giảm đột ngột do các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ra khỏi quốc gia.

Giá trị nội tệ giảm, làm cho bảng cân đối tài sản của công ty có nợ phải trả bằng ngoại tệ lớn trở nên xấu đi. Bảng cân đối xấu làm gia tăng vấn đề lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đực, hậu quả là giảm tín dụng, giảm đầu tư và khiến cho nền kinh tế đình trệ. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khung-hoang-tai-chinh-financial-crisis-la-gi-cac-nguyen-nhan-khung-hoang-tai-chinh-20190827155922039.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/