Khủng hoảng giá heo khiến ngành chăn nuôi Trung Quốc khốn đốn

Những người chăn nuôi nhỏ lẻ cũng giống như nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán. Quyết định đầu tư thường thiếu tính toán. Họ lao vào khi giá cao và đồng loạt thoát ra khi thị trường bắt đáy. Trong bối cảnh đó, cán cân cung - cầu dễ bị biến động, gây ra chu kỳ heo.

Đường nào cũng lỗ

Vào giữa tháng 6, bà Liang Rixiang, một người chăn nuôi heo buộc phải bán 4 trong số 10 con heo nái, trong đó hai con đang mang thai. Việc giảm quy mô trang trại heo là quyết định không dễ dàng với người phụ nữ này bởi đó cơ nghiệp bà dày công xây dựng trong vòng 10 năm qua.

Trang trại 100 con heo của Liang tương đối lớn trong ngôi làng ở tỉnh Liêu Ninh. Nhưng cả bà và những người hàng xóm chăn nuôi nhỏ hơn đều không tránh khỏi áp lực kinh tế do giá thịt heo lao dốc khi giá đã giảm tới 60% kể từ đầu năm.

"Nuôi những con heo ở bất kỳ hình thức nào trong giai đoạn này đều lỗ. Dù là nuôi heo thương phẩm và bán cho lò mổ hay nuôi heo nái và bán heo giống", bà Liang cho biết.

Khắp đất nước Trung Quốc, hàng trăm nghìn trang trại chăn nuôi heo quy mô nhỏ, chăn nuôi nông hộ đều rơi vào bế tắc như bà Liang.

Trong khi nguồn cung thịt heo của quốc gia này phần lớn đã phục hồi sau khi bị dịch tả heo châu Phi (ASF) tàn phá trong giai đoạn 2018 – 2019.

Sự bùng phát của dịch ASF và biến động giá thịt heo thúc đẩy sự chuyển đổi cơ cấu trong ngành chăn nuôi heo của Trung Quốc. Trong đó, chỉ có các trang trại lớn mới có thể trụ lại khi lợi nhuận giảm và nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Khủng hoảng giá heo khiến ngành chăn nuôi Trung Quốc khốn đốn - Ảnh 1.

Bà Liang Rixiang, người chăn nuôi ở tỉnh Liêu Ninh buộc phải giảm quy mô trang trại vì không chịu được áp lực khi giá heo lao dốc (Ảnh: SCMP)

"Nhìn chung, ngành chăn nuôi đang dần chuyển sang hướng sản xuất quy mô lớn và chuyên môn hóa", bà Pan Chenjun, chuyên gia phân tích nông nghiệp tại Rabobank cho biết.

Dịch tả heo châu Phi không gây hại cho người nhưng tàn phá phần lớn đàn heo của Trung Quốc trong năm 2018 - 2019 và các biến thể mới của ASF vẫn đang hủy diệt đàn heo mỗi ngày.

Trong khi các tập đoàn nông nghiệp lớn có thể vững vàng trước tác động của dịch bệnh thì chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, lực lượng từng đóng góp phần lớn vào sản lượng heo của Trung Quốc, lại đang phải vật lộn để tồn tại trong ngành nông nghiệp gắn liền với họ suốt hàng nghìn năm nay.

Theo Yang Xidi, giám đốc của công ty công nghệ nông nghiệp Yunnan Kunzhou Agriculture: "Trước đây, người nông dân coi việc nuôi heo như hình thức tiết kiệm. Họ sẽ bỏ tiền ra mua ngũ cốc và vỗ béo heo trong lúc kinh tế ổn định và khi cần tiền, họ sẽ bán chúng".

Hiện Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ nhiều thịt heo nhất thế giới, chiếm hơn nửa sản lượng thịt heo hàng năm của thế giới.

Mỗi năm, quốc gia 1,4 tỷ dân này tiêu thụ khoảng 700 triệu con heo, chiếm 60% tổng lượng thịt tiêu thụ. Do đó, giá heo tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng của quốc gia.

Yếu tố văn hóa và thói quen tiêu dùng là nguyên nhân dẫn đến chăn nuôi nông hộ, trang trại nhỏ lẻ dao động từ vài chục đến vài trăm con vẫn chiếm đa số cơ cấu hình thức chăn nuôi của Trung Quốc.

Cơ cấu chăn nuôi đảo chiều

Theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, năm 2019, Trung Quốc có 26 triệu trang trại chăn nuôi heo, trong đó 99% là các cơ sở nhỏ cung cấp dưới 500 con heo mỗi năm.

Tuy nhiên trong bối cảnh giá cả biến động và những nỗ lực cải cách, hiện đại hóa ngành nông nghiệp, tỷ trọng chăn nuôi nhỏ lẻ giảm mạnh.

Cụ thể, trước khi dịch ASF xảy ra vào năm 2018, các trang trại heo lớn quy mô hơn 500 con mỗi năm chiếm 47% sản lượng heo hơi của Trung Quốc. Con số này đã tăng lên 57% vào năm 2020.

Dù các nhà chức trách Trung Quốc không phản đối việc các hộ nông dân nuôi heo riêng lẻ nhưng họ đang nỗ lực chuyển đổi chăn nuôi manh mún thành ngành có tổ chức, hiệu quả và thân thiện hơn với môi trường. Song đến khi dịch ASF lan rộng khắp nước này, tiến độ chuyển đổi vẫn diễn ra khá chậm chạp.

Khủng hoảng giá heo khiến ngành chăn nuôi Trung Quốc khốn đốn - Ảnh 2.

Dịch tả heo châu Phi tàn phá đàn heo Trung Quốc (Ảnh: Huff Post)

Đỉnh điểm vào năm 2019, virus ASF có độ hủy diệt cao, chỉ một con heo bị nhiễm bệnh, tất cả số heo trong làng đều phải tiêu hủy. Nhiều người đã bỏ nghề khi phải chôn toàn bộ đàn heo của mình. Loại virus này chính là nỗi ám ảnh kinh hoàng với những người chăn nuôi như bà Liang.

Lin Guofa, nhà phân tích cấp cao của tập đoàn nông nghiệp Bric cho biết: "Ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi là điều không thể tránh khỏi. Chăn nuôi quy mô nhỏ thường chỉ có một trang trại và họ sẽ trắng tay nếu heo bị mắc bệnh. Trong khi các tập đoàn lớn có thể giảm thiểu được rủi ro bằng cách xây dựng trang trại ở nhiều địa điểm khác nhau".

Dịch tả heo châu Phi khiến nguồn cung heo của Trung Quốc giảm từ 700 triệu con năm 2018 xuống còn 540 triệu con năm 2019, đẩy giá thịt heo tăng cao kỷ lục.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn bởi COVID-19, cơ quan chức năng Trung Quốc phải nới lỏng các quy định xây dựng các trang trại chăn nuôi heo mới. Giá thịt heo tăng cao, nông dân nước này đổ xô nuôi heo.

Chính sự phát triển nóng này là mầm mống của cuộc khủng hoảng dư cung thịt heo vào đầu năm 2021.

Giá heo lao dốc, chăn nuôi nông hộ rút lui

Khi giá heo hơi giảm mạnh và giá ngũ cốc tăng cao, lợi nhuận trung bình kiếm được từ việc nuôi heo giảm xuống còn 283 nhân dân tệ (44 USD)/con vào ngày 22/6, giá lao dốc từ mốc 3.300 nhân dân tệ vào cùng kỳ năm 2020, dữ liệu từ công ty phân tích thị trường Sublime China Information.

Theo số liệu thống kê, sản lượng thịt heo trong nửa đầu năm 2021 tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Đằng sau những con số này là vô số nông dân đang có nguy cơ phá sản.

"Những người này bước vào ngành chăn nuôi heo với tư tưởng may rủi. Nhiều người từng bỏ công việc công nhân ở thành phố lớn để về quê lập nghiệp khi thấy các hộ nuôi heo khác kiếm bộn tiền. Họ biết rất ít về kỹ thuật nuôi heo nên thường phải chịu chi phí, tổn thất cao", Lin cho biết.

Các chuyên gia trong ngành chăn nuôi nhận định sự biến động giá heo hơi trong thời gian vừa qua được gọi là "chu kỳ heo", từng xuất hiện ở Trung Quốc từ đầu những năm 2000.

Theo các chuyên gia, mặc dù dịch bệnh heo là nguyên nhân trực tiếp gây ra chu kỳ heo song nguyên nhân sâu xa là việc người dân ồ ạt chăn nuôi nhỏ lẻ.

"Những người chăn nuôi nhỏ lẻ cũng giống như nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán. Lựa chọn đầu tư của thường vô lý, họ lao vào khi giá cao và đồng loạt thoát ra khi thị trường bắt đáy. Trong bối cảnh đó, cán cân cung - cầu dễ bị biến động, gây ra chu kỳ heo".

Khủng hoảng giá heo khiến ngành chăn nuôi Trung Quốc khốn đốn - Ảnh 3.

Biến động giá heo hơi trong thời gian vừa qua tại Trung Quốc được gọi là "chu kỳ heo" (Ảnh: The Pig Sites)

Trước tình cảnh hàng nghìn hộ chăn nuôi thua lỗ, phá sản, Hiệp hội Chăn nuôi Trung Quốc kêu gọi người chăn nuôi heo không hoảng sợ khi giá giảm và những tin đồn thất thiệt, đồng thời cần lập kế hoạch sản xuất bằng cái đầu lạnh.

Khi chăn nuôi nhỏ rút lui, các trang trại được hỗ trợ bởi các tập đoàn lớn nhanh chóng lấp đầy khoảng trống.

Pan nói: "Dư địa cho chăn nuôi nông hộ đang dần bị thu hẹp. Chi phí chăn nuôi quá cao khiến họ khó có thể cạnh tranh với các trang trại lớn và được đầu tư bài bản".

Theo các nhà phân tích, nếu giá thịt heo tiếp tục lao dốc, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ sẽ còn giảm mạnh trong năm nay.

Bên cạnh đó, các quy định khắt khe về môi trường đòi hỏi chăn nuôi nông hộ vốn thô sơ phải thay đổi để tồn.

Năm 2015, Trung Quốc thắt chặt các quy định đối với các trang trại chăn nuôi heo theo luật bảo vệ môi trường mới khiến nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, hoạt động kém hiệu quả phải đóng cửa vì không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải ô nhiễm.

Dù năm 2019 Chính phủ Trung Quốc nới lỏng tiêu chí này để khôi phục đàn heo sau dịch ASF. Tuy nhiên, đến năm 2021, nước này lại một lần nữa thắt chặt quy định khi nguồn cung thịt heo phục hồi.

Đây chính là cơ hội để các trang trại lớn tận dụng các lợi thế và chủ động phòng ngừa dịch bệnh ASF. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách ký các hợp đồng heo hơi kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, năm 2020 nguồn cung heo nội địa của Trung Quốc là 527 triệu con, thấp hơn 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 10 doanh nghiệp chăn nuôi hàng đầu cung cấp khoảng 55 triệu con, tăng 35% so với năm trước.

Chuỗi liên kết nông dân – doanh nghiệp

Hiện nay, các công ty chăn nuôi heo hàng đầu Trung Quốc đang áp dụng hình thức chăn nuôi gia công, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Theo đó các công ty cung cấp cho nông dân heo giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và quy trình kỹ thuật, đổi lại nông dân sẽ cung cấp trang trại, trang thiết bị và nhân viên.

Hai bên ấn định giá giao hàng khi con heo đủ các tiêu chuẩn xuất chuồng và công ty chịu trách nhiệm bán heo sẽ chịu rủi ro thị trường. Nhờ mô hình này, các công ty nuôi hàng đầu đang nhanh chóng mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động.

Trong khi đó, người chăn nuôi nhỏ lẻ phải tự tìm nguồn cung cấp heo giống, thức ăn chăn nuôi và vắc xin. Mua với số lượng càng nhỏ, giá càng cao. Đồng thời, họ phải chịu mọi rủi ro trước những biến động của thị trường tại thời điểm giao dịch.

Khủng hoảng giá heo khiến ngành chăn nuôi Trung Quốc khốn đốn - Ảnh 4.

Các trang trại lớn được đầu tư bài bản sẽ có lợi thế và giảm thiểu rủi ro khi chăn nuôi (Ảnh: Xinhua)

Ông Tai Hailun, chủ trang trại hợp tác với công ty công nghệ nông nghiệp Dabeinong theo mô hình chăn nuôi gia công.

Với số vốn 20 triệu nhân dân tệ, ông Tai xây dựng trang trại rộng 20.000 m2 với hy vọng kiếm lãi khủng khi giá heo tăng vọt. Trang trại lớn 8.000 con heo bắt đầu hoạt động vào tháng 9/2020 và chào đón lứa heo giống đầu tiên vào cuối năm 2020.

"Nhìn lại, tôi cảm thấy mình thật may mắn vì đưa ra quyết định chăn nuôi gia công. Nếu không, tôi có thể bị phá sản bởi giá heo sau đó giảm mạnh", ông Tai nói.

Các chuyên gia cho rằng chăn nuôi nông hộ vẫn đóng vai trò quan trọng trong ngành, miễn là người chăn nuôi tập trung nâng cao chất lượng và kỹ năng quản lý.

Theo Lin, chuyên gia của tập đoàn nông nghiệp Bric: "Chăn nuôi heo vẫn nguồn thu nhập quan trọng đối với nông dân Trung Quốc. Cũng giống như các quốc gia khác, chăn nuôi công nghiệp và nông hộ ở Trung Quốc sẽ tồn tại song hành. Các tập đoàn lớn sẽ đóng vai trò chính trên thị trường nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ cũng không thể bỏ được".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khung-hoang-gia-heo-khien-nganh-chan-nuoi-trung-quoc-khon-don-20210720075134836.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/