Khủng hoảng đại dịch COVID-19 có thể kết nối các doanh nghiệp dầu lớn nhất thế giới

Một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa chắc là một điều tồi tệ. Điển hình như việc các ngân hàng trên Phố Wall và nhiều ngân hàng lớn khác nắm bắt cơ hội từ cuộc khủng hoảng tài chính gần đây nhất để khiến các cơ quan chính phủ khó tính chấp nhận các thỏa thuận M&A (mua lại và sáp nhập) khổng lồ mà họ đã phải đau đầu tìm cách giải quyết. Và ngành dầu nên học hỏi điều này.

Ông Rob Cox, phóng viên toàn cầu của Reuters Breakingview, cảm thấy đó là điều không thể tránh khỏi. Trao đổi với Reuters, ông cho biết cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể dẫn đến sự hợp nhất trong các lĩnh vực như viễn thông, ô tô, hàng tiêu dùng và năng lượng.

Tuy nhiên không giống như các vụ sáp nhập năng lượng tầm trung đã bùng nổ từ thời kì trước dịch bệnh, Ông Cox nhận định sự hợp tác giữa các nhà sản xuất khổng lồ như ExxonMobil, Chevron và BP có khả năng sẽ xảy ra, theo Oilprice.

Giảm chi phí

Ông Cox lập luận rằng quan điểm trước khủng hoảng về cạnh tranh và mối quan tâm chống độc quyền có thể trở nên lạc hậu khi các nền kinh tế nổi lên từ lệnh phong tỏa với việc các chính phủ thay đổi và bắt đầu ưu tiên xây dựng các ngành công nghiệp với hiệu quả hoạt động tốt hơn, chi phí thấp hơn và bảng tài sản ổn định hơn.

Các công ty năng lượng lớn có thể dùng biện pháp giảm chi phí để biện minh cho các giao dịch khổng lồ có nguy cơ không đạt được sự chấp thuận từ các nhà đầu tư.  

Trong bối cảnh đó, Exxon và Chevron có thể hợp tác với nhau, và thậm chí hợp tác thêm với BP để tạo ra liên minh với tên viết tắt ExChevBrit, có mức vốn hóa thị trường kết hợp là 425 tỉ USD và trữ lượng tương đương 70 tỉ thùng dầu, nhưng vẫn còn khá khiêm tốn so với Aramco của Arab Saudi, với giá trị 2.600 tỉ USD và 270 tỉ thùng dầu.

Ông Cox nói thêm: "Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 làm tê liệt ngành ngân hàng toàn cầu đã mở đường cho các vụ sáp nhập lớn như Bank of America trả 50 tỉ USD cho Merrill Lynch hay Wells Fargo thâu tóm đối thủ Wachovia ở Bờ Tây với 15,1 tỉ USD".

Ông Cox kết luận với dự đoán rằng các tranh cãi xoay quanh những tập đoàn lớn như 3M, Emerson Electric và General Electric sẽ lẵng xuống và xu hướng còn đang ủng hộ các tập đoàn như Caterpillar và Deere theo đuổi các mục tiêu của riêng họ.

Các vụ M&A ít khí thải

Việc chờ xem trò chơi M&A của ông Cox có diễn ra trong dài hạn hay không rất thú vị. Trong quá khứ, chiến thuật này đã chứng kiến những thành quả nhất định.

Ví dụ, cuộc bùng nổ giá dầu cuối cùng vào năm 2016 đã đóng vai trò là chất xúc tác cho thỏa thuận M&A trị giá 60 tỉ USD giữa các đại gia năng lượng Royal Dutch Shell và BG Group, Suncor Energy, và Canada Oil Sands, cũng như thỏa thuận sáp nhập hụt trị giá 35 tỉ USD giữa Halliburton và Baker Hughes

Tuy nhiên, cho đến nay, cơn hoảng loạn đã không diễn ra như dự kiến.

Thị trường đang chứng kiến sự sụt giảm đáng kể của các hoạt động M&A trong lĩnh vực năng lượng. 

Một báo cáo gần đây đã tiết lộ rằng các thương vụ M&A của những doanh nghiệp thượng nguồn tại Mỹ trong quí đầu tiên chỉ đạt mức 770 triệu USD, ít hơn 1/10 giá trị trung bình các thương vụ M&A hàng quí trong thập kỉ vừa qua. 

Chỉ có khoảng 4,7 tỉ USD trong các vụ M&A thượng nguồn có sẵn trên thị trường để nắm bắt so với 92 tỉ USD trong các vụ sáp nhập hoàn thành vào năm 2019 hay mức trung bình khoảng 78 tỉ USD trong 10 năm qua.

Đó là một sự sụt giảm lớn, một dấu hiệu đáng ngại cho thấy sự giảm giá và sự không chắc chắn trong lĩnh vực này đã đạt đến mức chưa từng thấy.

Mặc dù giá trị tài sản năng lượng đã giảm mạnh trong vụ giá dầu tụt dốc (và sẽ tiếp tục giảm hơn nữa khi các nhà sản xuất đá phiến Mỹ đóng cửa giàn khoan ở mức kỉ lục), các nhà sản xuất như Exxon và Chevron đang trụ vững vì dường như không ai chắc chắn ngành năng lượng sẽ trở lại trạng thái như thời kì trước COVID-19.

Nhiều khả năng các công ty năng lượng sẽ sẵn sàng săn lùng các thỏa thuận trong các lĩnh vực năng lượng ít khí thái và năng lượng tái tạo. 

Năm 2019, các vụ mua lại và liên doanh ít khí thải của các công ty dầu mỏ đã tới 33 từ chỉ 20 trong năm 2018, mặc dù tổng số tiền thỏa thuận thấp hơn.

Một báo cáo mới của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết ngành năng lượng tái tạo và năng lượng sạch đang là xu thế, với sản lượng điện tái tạo tăng 3% trong quí đầu tiên tại thời điểm nhu cầu dầu giảm khoảng 30%.

Trong khi đó, tỉ trọng của năng lượng tái tạo trong sản xuất điện toàn cầu đã tăng vọt lên 28% trong quí đầu tiên so với tỉ lệ 26% vào cuối năm 2019. 

IEA dự báo ngành sản xuất năng lượng tái tạo sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay nhờ vào việc mở rộng năng lượng gió, mặt trời và thủy điện.

Với sự bền vững của năng lượng sạch, sẽ không ngạc nhiên nếu các chuyên gia dầu mỏ tìm kiếm một bến đỗ mới trong lĩnh vực này. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khung-hoang-dai-dich-covid-19-co-the-ket-noi-cac-doanh-nghiep-dau-lon-nhat-the-gioi-2020053118124539.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/