'Không nên tăng phí BOT vào thời điểm này'

Trước đề xuất tăng phí tại các trạm BOT, nhiều chuyên gia khẳng định, đây chưa phải là thời gian chưa thích hợp để tăng phí tại các trạm BOT ở thời điểm hiện tại.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để trình Chính phủ dự thảo về việc tăng phí BOT theo lộ trình.

Theo dự thảo, về mức thu phí và lộ trình tăng phí (dự kiến 3 năm 1 lần, mỗi lần tăng từ 12 - 18% tùy từng dự án). Nếu theo lộ trình Bộ GTVT đưa ra, tính đến hết năm 2019, có khoảng 37 dự án phải tăng phí (trong đó năm 2018 có 2 dự án, năm 2019 có 35 dự án) năm 2020 có 10 dự án, năm 2021 có 2 dự án, các dự án còn lại cơ bản tăng phí sau năm 2021.

Bình luận về đề xuất này của Bộ GTVT, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Từ Sỹ Sùa (Khoa Kinh tế - Vận tải, Đại học Giao thông Vận tải) cho rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để tăng phí cho các trạm thu phí BOT.

“Hiện tại, những bức xúc trong các trạm thu phí BOT mới chỉ vừa dịu xuống. Hơn nữa, Bộ GTVT vẫn chưa đưa ra được giải pháp triệt để để khắc phục những bất cập trên nên nếu như tăng phí tại các trạm BOT có thể sẽ khiến những bất ổn tại các trạm thu phí này được dịp bùng phát trở lại”, ông Sùa lo ngại.

Không nên tăng phí BOT vào thời điểm này - Ảnh 1.

Bất cập trong quản lý BOT chưa được giải quyết Bộ GTVT lại muốn tăng phí.

Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho rằng, nhấn mạnh, các dự án BOT thời gian qua còn quá nhiều bất cập mà theo nhận định đều xuất phát từ công tác quản lý chưa tốt, còn nhiều hạn chế.

“Một trong những bất cập điển hình, gây bức xúc kéo dài mà tới tận thời điểm này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm đó là tình trạng trạm BOT đặt sai vị trí, thu phí không đúng, kéo dài thời gian thu phí.

Trong bối cảnh đó, Bộ GTVT lại đề xuất tăng thu phí, một đề xuất có thể nói là “như đổ thêm dầu vào lửa”, ông Liên nói.

“Quyền lợi của doanh nghiệp vận tải và người dân đang bị lãng quên, không được quan tâm giải quyết một cách triệt để nhưng dường như Bộ GTVT lại quá sốt sắng, chăm lo cho quyền lợi, lợi ích của các nhà đầu tư BOT. Vấn đề ở đây là gì? Bộ GTVT đã làm hết trách nhiệm của mình chưa?”, ông Liên đặt câu hỏi.

Cùng quan điểm này, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho biết, đây là vấn đề kinh tế-xã hội chứ không chỉ đơn thuần về khía cạnh kinh tế, phải xử lý xong bất cập của BOT mới nên bàn đến chuyện tăng hay không tăng phí theo lộ trình. Lộ trình tăng phí được xác định trước đây theo quy định (3 năm/lần) cũng phải tính toán lại dựa trên thay đổi về mặt doanh thu thực tế của dự án thay đổi. Với những dự án được cho là có nguy cơ vỡ phương án tài chính, cần tính toán lại phương án tài chính ban đầu sau khi sửa đổi những bất cập (như vị trí đặt trạm sai...), thiết lập lại cho đúng thay vì tính toán phương án tài chính trên nền tảng những bất cập, sai lệch.

Trước đó, Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để trình Chính phủ dự thảo về việc tăng phí BOT theo lộ trình, do nhiều dự án BOT bị sụt giảm doanh thu, nguy cơ phá vỡ phương án tài chính.

Theo dự thảo, về mức thu phí và lộ trình tăng phí (dự kiến 3 năm 1 lần, mỗi lần tăng từ 12 - 18% tùy từng dự án), tuy nhiên theo chỉ đạo của Chính phủ tại các thông báo 107 và 321, Bộ GTVT chưa thực hiện việc tăng phí theo lộ trình như quy định trong hợp đồng BOT.

Hiện Bộ GTVT đã nhận được đề xuất của một số nhà đầu tư đề nghị tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT. Bộ GTVT cho rằng, nếu không có giải pháp đồng bộ, kịp thời sẽ kéo theo một số hệ lụy như vỡ phương án tài chính, các khoản vay đầu tư BOT sẽ thành nợ xấu, ảnh hưởng đến chủ trương kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP), đặc biệt trong việc kêu gọi đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông đang triển khai thực hiện.

Để tránh xảy ra các hệ lụy xấu, Bộ GTVT đưa ra 2 phương án tăng phí. Trong đó, phương án 1, tăng phí trong giai đoạn từ năm 2019 - 2021 (49 dự án phải tăng phí theo lộ trình). Bộ GTVT sẽ đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ để xem xét tăng phí trong giai đoạn này. Riêng trong năm 2019 chỉ đàm phán tăng phí đối với các dự án có sụt giảm doanh thu lớn để hạn chế các hệ lụy xấu. Theo phương án này, phương án tài chính các dự án vẫn đảm bảo khả thi, đặc biệt không phải bố trí ngân sách để bù đắp phần thiếu hụt. Ngoài ra, việc tăng phí đường bộ tại các trạm cơ bản không ảnh hưởng lớn đến chi phí vận tải.

Phương án 2 là giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện việc tăng theo hợp đồng. Theo phương án này, 49 dự án có lộ trình tăng phí trong giai đoạn từ 2018 - 2021 sẽ bắt đầu tăng phí từ năm 2022. Theo tính toán, sẽ có khoảng 9 dự án bị phá vỡ phương án tài chính và dự kiến nhà nước phải bố trí khoảng 3.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho các dự án này đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính dự án. Ưu điểm của phương án 2 là hạn chế ảnh hưởng xấu đến tình hình thu phí đang dần ổn định tại các trạm thu phí. Nhược điểm là nhà nước phải bố trí ngân sách khoảng 3.000 tỉ đồng trong năm 2022 để đảm bảo tính khả thi về phương án tài chính của các dự án này.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khong-nen-tang-phi-bot-vao-thoi-diem-nay-2019061006421517.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/