Không công khai phương án giá điện vì sợ... đầu cơ?

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) góp ý về Dự thảo Quyết định Quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Kiến nghị công khai phương án giá điện trước ngày ban hành ít nhất 10 ngày

VCCI cho biết, hiện nay, các phương án giá điện vẫn được coi là tài liệu mật trước khi công bố. Thông thường, việc tăng giá điện chỉ được thông báo rộng rãi vào đúng thời điểm quyết định tăng giá có hiệu lực. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp sử đụng điện gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính.

Theo VCCI, việc đưa phương án giá các mặt hàng Nhà nước điều hành giá vào diện thông tin mật có thể xuất phát từ lo ngại tình trạng đầu cơ, găm hàng trước mỗi lần thay đổi giá.

Tuy nhiên, việc đầu cơ, găm hàng đối với mặt hàng điện gần như là điều không thể. Nguy cơ lớn nhất có thể xảy ra là khi một số doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất trước khi tăng giá điện khiến công suất phụ tải tăng, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. 

Song, theo các chuyên gia hệ thống điện mà VCCI trao đổi, việc này có thể xử lý rất dễ thông qua một vài biện pháp kỹ thuật và quản lý vận hành. Ví dụ, thời điểm tăng giá tránh thời điểm cao điểm về điện.

Trong lần tăng giá gần đây nhất, diễn ra vào ngày 20/3, phương án giá điện đã được thông báo rộng rãi trước đó trong một cuộc họp của Bộ Công Thương vào ngày 5/3.

Như vậy, người dân và các doanh nghiệp sử dụng điện được biết trước phương án giá điện 15 ngày trước khi tăng và thực tế chưa ghi nhận sự cố bất thường lớn đối với hệ thống điện.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc công khai phương án giá điện trước khi tăng. Cụ thể, các phương án giá điện được công khai ít nhất 10 ngày trước khi được ban hành. Các quyết định tăng giá điện chỉ có hiệu lực sau ít nhất 15 ngày kể từ ngày ban hành. 

Kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện hàng năm

    VCCI cho hay điều 4.1 của Dự thảo quy định các chi phí "để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện" sẽ được tính vào giá điện. Điều 4.5 của dự thảo quy định: Tổng các chi phí khác… bao gồm chênh lệch tỷ giá… và các chi phí khác hợp lý, hợp lệ theo quy định hiện hành. Không rõ "các chi phí khác hợp lý, hợp lệ theo quy định hiện hành" là chi phí gì? được thực hiện theo những quy định nào?
Không công khai phương án giá điện vì sợ... đầu cơ? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trên thực tế, việc xác định chi phí nào được tính hoặc không được tính vào giá điện không đơn giản, bởi EVN có rất nhiều khoản chi ứng với các hoạt động rất đa dạng. Trong quá trình kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm, đã có trường hợp tranh luận giữa các thành viên đoàn kiểm tra về việc chi phí nào được tính vào giá điện, ví dụ, chi phí cho Tạp chí Điện lực có được tính vào giá điện hay không?

Do đó, để tránh việc có những chi phí không phục vụ sản xuất kinh doanh điện được tính vào giá điện, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo minh định rõ nguyên tắc chỉ những chi phí phục vụ việc vận hành, cung ứng điện thì được tính vào giá điện. 

Các khoản chi phí cho những công việc mà nếu không có công việc đó thì cũng không ảnh hưởng đến việc vận hành, cung ứng điện trong ngắn hạn và dài hạn thì cần được loại ra khỏi giá điện.

Bỏ chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện

Về chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện, một số ý kiến từ các doanh nghiệp phản ánh với VCCI về việc giá điện hiện nay bao gồm cả chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện cho các khách hàng sử dụng. Theo đó, các công ty điện lực vừa là bên bán điện, lại đảm nhận việc tuyên truyền tiết kiệm điện cho người sử dụng là có dấu hiệu xung đột lợi ích. 

Hơn nữa, việc đưa chi phí này vào giá điện cũng không phù hợp với nguyên tắc "giá điện chỉ bao gồm những chi phí phục vụ việc vận hành, cung ứng điện".

Trên thực tế, chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện của các công ty điện lực tăng khá nhanh. Theo báo cáo của EVN gửi cho đoàn kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, tổng chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện năm 2016 là 331 tỉ đồng, tăng lên 488 tỉ đồng năm 2017, tức là tăng 157 tỉ đồng, tương ứng với mức tăng 47%. 

Trong khi đó, hiệu quả của công tác này hiện chưa thực sự rõ ràng, thiếu những đánh giá khách quan.

Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc xem xét việc loại bỏ hay giới hạn chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện đối với người sử dụng trong giá điện. Lưu ý, các chi phí tiết kiệm điện ở các khâu sản xuất, truyền tải và phân phối – bán lẻ vẫn được tính vào giá điện.

Minh bạch: Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đưa ra chỉ thị 11 về công khai minh bạch giá điện và giá xăng dầu. Theo đó, đối với vấn đề minh bạch, định kì hàng quý chúng tôi công khai vấn đề về sản lượng điện huy điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện, chênh lệch tỉ giá...Trong đó, giá thành khâu phát điện chiếm khoảng 75 - 80% tổng chi phí. 

Bộ Công Thương khẳng định chỉ những chi phí liên quan đến sản xuất điện mới tính vào giá thành

Trao đổi với phóng viên về vấn đề minh bạch trong giá thành sản xuất điện tại buổi họp báo của Bộ Công thương về công bố giá điện mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực cho hay hàng năm, EVN thuê các đơn vị kiểm toán độc lập kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện. 

Chỉ những chi phí nào liên quan đến giá thành sản xuất, kinh doanh điện mới được tính toán vào giá thành sản xuất điện. Các chi phí không nằm trong dây truyền sản xuất, kinh doanh điện sẽ không được tính vào giá thành.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực

Kết quả này phải được các đơn vị kiểm toán độc lập xác nhận. Sau đó, Bộ Công Thương thành lập đoàn công tác bao gồm đại diện các đơn vị của Bộ ngành liên quan như Bộ Tài Chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cùng với các đơn vị bên ngoài như VCCI, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng...

Kiểm tra trên cơ sở báo cáo của đơn vị kiểm toán độc lập. Sau khi có kết quả này, Bộ Công Thương tổ chức họp báo công khai giá thành sản xuất điện. Trong kết quả này nêu rõ chi phí, lợi nhuận cũng như các khoản còn treo...

Hiện nay, EVN đang thuê đơn vị kiểm toán độc lập để kiểm tra giá thành sản xuất điện năm 2018 và dự kiến đến tháng 5 có kết quả. Sau đó, Bộ Công Thương cùng các Bộ ngành liên quan sẽ rà soát lại.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khong-cong-khai-phuong-an-gia-dien-vi-so-dau-co-2019032912393661.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/