Khối tự doanh mua ròng gần 2.000 tỷ đồng tuần VN-Index lập đỉnh lịch sử, tâm điểm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản

Trong tuần VN-Index có đỉnh mới, khối tự doanh công ty chứng khoán đã trở lại mua ròng 4/5 phiên với lực cầu áp đảo. Cụ thể, nhóm này mua ròng 1.952 tỷ đồng, tâm điểm giao dịch là nhóm cổ phiếu 'vua' với giá trị vào ròng hơn 960 tỷ đồng.

Sau hai tuần giằng co tại ngưỡng 1.400, VN-Index đã có tuần bứt tốc mạnh mẽ khi nhà đầu tư kỳ vọng gói kích thích kinh tế sau dịch sẽ được đưa ra trong kỳ họp Quốc hội lần này (dự kiến từ ngày 20/10 đến ngày 13/11).

Nhịp tăng điểm của tuần bắt đầu từ phiên thứ Ba (26/10), chỉ số chính thức vượt 1.400 trong phiên tiếp theo (27/10) và đà tăng vẫn được duy trì trong hai phiên cuối tuần. Chốt tuần, VN-Index tăng hơn 55 điểm (3,96%) lên mức 1.444,27.

Cổ phiếu bluechip đồng thuận tăng giá trong tuần tại các nhóm lớn như ngân hàng, bất động sản và dầu khí. Trong đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc có phần vượt trội hơn khi có đến 4 đại diện gồm VHM, VIC, NVL và BCM nằm trong Top ảnh hưởng tích cực lên VN-Index với mức đóng góp 16,9 điểm. Tương tự, nhóm ngân hàng có ba đại diện là VCB, CTG và BID có tổng điểm tác động là 8,3 điểm.

Sau tuần bán ròng, khối tự doanh công ty chứng khoán đã trở lại mua ròng 4/5 phiên với lực cầu áp đảo trong tuần VN-Index có đỉnh mới. Cụ thể, nhóm này mua vào tổng cộng 3.621 tỷ trong khi bán ra 1.668,8 tỷ đồng, theo đó giá trị vào ròng đạt hơn 1.952 tỷ đồng. Dòng vốn tự doanh tăng mạnh vào nhóm vốn hóa lớn sau giai đoạn tìm kiếm lợi nhuận ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.

Tự doanh mua ròng gần 2.000 tỷ đồng tuần VN-Index lập đỉnh mới, tâm điểm loạt cổ phiếu ngân hàng - Ảnh 1.

Giá trị giao dịch của khối tự doanh trong tuần từ 25 - 29/10. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tự doanh gom ròng hơn 960 tỷ đồng cổ phiếu 'vua'  

Diễn biến theo từng nhóm ngành, cổ phiếu của các nhà băng nổi lên là nhóm được bộ phận tự doanh mua ròng mạnh nhất với giá trị 961,8 tỷ đồng. Hoạt động giải ngân mạnh mẽ vào nhóm cổ phiếu 'vua' diễn ra trong bối cảnh chỉ số giá ngành có nhịp tăng 2,6%. Cùng với đó sự trở lại của nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường tạo đà giúp các ngành còn lại nới rộng xung lực tăng và VN-Index thành công vượt qua vùng đỉnh cũ.

Bên cạnh đó, khối tự doanh cũng gom ròng 552,6 tỷ đồng cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc. Tuần qua, nhóm bất động sản có tỷ trọng giá trị giao dịch tăng 2,29% so với tuần trước, chỉ số giá tăng 6,54%.

Theo thống kê, dòng tiền từ khối tự doanh còn tìm đến các ngành công nghệ thông tin (122,7 tỷ đồng), bán lẻ (88,8 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (71,2 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (60,4 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (52 tỷ đồng)...

Tự doanh mua ròng gần 2.000 tỷ đồng tuần VN-Index lập đỉnh mới, tâm điểm loạt cổ phiếu ngân hàng - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của tự doanh theo nhóm ngành trong tuần 25 - 29/10. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều ngược lại, áp lực rút vốn của khối tự doanh tuần qua ở mức thấp, không có ngành nào bị rút ròng trên trăm tỷ đồng.

Theo thống kê, cổ phiếu dịch vụ tài chính chịu áp lực bán mạnh nhất từ khối tự doanh. Về giá trị cụ thể, nhóm này rút ròng 89 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Xu hướng bán ròng duy trì duy trì suốt ba tuần qua với lực bán nằm tại giao dịch chứng chỉ quỹ. Tương tự, dòng vốn tự doanh cũng rút khỏi ngành hóa chất, bảo hiểm, dầu khí... với giá trị thấp hơn.

Tập trung mua ròng loạt bluechips

Theo quan sát, danh mục cổ phiếu được tự doanh mua ròng nhiều nhất tuần 25 - 29/10 toàn bộ là cổ phiếu trụ trong rổ VN30. Thống kê giao dịch cụ thể, cổ phiếu TCB của Techcombank đứng đầu trong Top10 cổ phiếu được khối tự doanh CTCK gom ròng mạnh nhất tuần với 256 tỷ đồng, tương đương khối lượng gần 5 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, khối tự doanh cũng tập trung giải ngân vào ACB và VHM với giá trị lần lượt là 219,6 tỷ và 210,8 tỷ đồng. Với VHM, giá cổ phiếu vừa có pha 'breakout' mạnh mẽ trong phiên cuối tuần sau thông tin kết quả kinh doanh tích cực.

Cụ thể, Vinhomes vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 với doanh thu thuần hợp nhất đạt 20.679 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2020. Dù vậy, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế trong quý đạt 13.812 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất sau thuế thuộc về công ty mẹ đạt 11.167 tỷ đồng, đều tăng trưởng 84% so với cùng kỳ năm 2020.

Trở lại với giao dịch tự doanh, khối này còn mua ròng loạt bluechips như KDH (175,6 tỷ đồng), HPG (142,4 tỷ đồng), PNJ (122,7 tỷ đồng), FPT (122,7 tỷ đồng). Ngoài TCB và ACB, dòng vốn tự doanh còn hướng về cổ phiếu của các nhà băng như VPB (161,4 tỷ đồng), MBB (104,7 tỷ đồng) và CTG (84,1 tỷ đồng).

Khối tự doanh mua ròng gần 2.000 tỷ đồng tuần VN-Index lập đỉnh lịch sử, tâm điểm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản - Ảnh 3.

Top10 cổ phiếu khối tự doanh mua/bán ròng tuần 25 - 29/10. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều ngược lại, giao dịch bán ròng tập trung ở chứng chỉ quỹ FUESSVFL với giá trị 149,3 tỷ đồng. Hai chứng chỉ quỹ E1VFVN30 và FUEVFVND cũng bị rút ròng lần lượt 64 tỷ và 47 tỷ đồng.

Tại thị trường cổ phiếu, mã NKG bị bán ròng nhiều nhất với giá trị 54,6 tỷ đồng. Động thái chốt lời cổ phiếu của Thép Nam Kim diễn ra trong bối cảnh thị giá mã này đang giao dịch quanh vùng đỉnh lịch sử. Một cổ phiếu ngành thép khác cũng nằm trong Top bán ròng tuần qua là HSG với 18,4 tỷ đồng.

Theo quan sát, cổ phiếu ngành thép đang có nhịp điều chỉnh ngắn hạn sau khi nhiều doanh nghiệp đã ra báo cáo quý III với kết quả kinh doanh khởi sắc, do kết quả này đã phản ánh một phần vào giá ở hiện tại.

Bên cạnh đó, tự doanh bán ròng PLX (44,5 tỷ đồng), HDG (31,4 tỷ đồng). Cùng chiều, áp lực bán ròng của khối này còn đặt lên DPM, DXG, PVT với giá trị thấp hơn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khoi-tu-doanh-mua-rong-gan-2000-ty-dong-tuan-vn-index-lap-dinh-lich-su-tam-diem-co-phieu-ngan-hang-va-bat-dong-san-20211029235626519.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/