Khôi phục du lịch hậu phong tỏa, Việt Nam và New Zealand theo hai hướng khác nhau

Câu chuyện phục hồi ngành du lịch của Việt Nam và New Zealand là hai mảng sáng - tối khác nhau dù cả hai nước đều được khen ngợi về thành tích chống dịch và tiến tới gỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội.

Khôi phục du lịch hậu phong tỏa, Việt Nam và New Zealand theo hai hướng khác nhau - Ảnh 1.

Du khách đến thăm cầu Thê Húc tại hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội sau khi chính phủ gỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội vào cuối tháng 4. (Ảnh: Reuters)

Dự án khởi nghiệp về du lịch của bà Laura Douglas - một nông trại bao quanh là những ngọn núi phủ tuyết trắng ở phía nam New Zealand, từng thu hút hàng trăm khách du lịch nước ngoài mỗi tháng cho đến khi đại dịch COVID-19 ập đến, khiến công việc kinh doanh đột ngột ngưng trệ vào tháng 3.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, bà Douglas (33 tuổi), chia sẻ: "Tôi rất buồn cho công việc kinh doanh của mình". Chủ dự án khởi nghiệp này còn cho biết bà phải làm thêm bác sĩ thú ý để trang trải cuộc sống trong lúc New Zealand phong tỏa và đóng cửa biên giới đất nước.

Quá trình phục hồi về kinh tế của người dân New Zealand - vốn phụ thuộc nhiều vào ngành du lịch, được dự đoán sẽ diễn ra khá chậm. Tình cảnh này trái ngược hoàn toàn với cách mà ngành du lịch Việt Nam vực dậy sau phong tỏa.

Cho đến nay, Việt Nam đã liên tục được nhiều trang tin cùng tổ chức quốc tế ca ngợi là hình mẫu chống đại dịch COVID-19 ở châu Á.

Reuters viết, cả Việt Nam và New Zealand đều nới lỏng phong tỏa và gỡ bỏ các hạn chế về đi lại (ngoại trừ hoạt động du lịch quốc tế) khi đất nước gần như vắng bóng đại dịch. 

Trong khi ngành du lịch của New Zealand đang chật vật chờ đợi khách du lịch nước ngoài thì hoạt động du lịch ở Việt Nam đã khởi sắc trở lại.

Thành công của Việt Nam là nhờ vào khách du lịch nội địa. Du khách trong nước lấp đầy khoảng trống bao nhiêu đã phần nào phản ánh mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 với hai nền kinh tế này.

Ngành du lịch New Zealand ế ẩm

Trong khi nền kinh tế New Zealand được dự đoán sẽ giảm 20% trong nửa đầu năm 2020 thì theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), nước ta đang giữ vực mục tiêu tăng trưởng hàng năm trên 5%.

Tháng 7 là mùa du lịch cao điểm ở New Zealand nhưng các chuyến bay theo lịch trình định sẵn đã giảm 40% so với cùng kì năm ngoái và nhiều chuyến thậm chí còn bị hủy, theo số liệu từ công ty tư vấn du lịch Cirium.

Còn theo số liệu đặt phòng trước từ AirDNA, nhu cầu hàng tuần đối với các dịch vụ lưu trú như Airbnb và Vrbo cho đến tháng 7 hiện giảm 55% so với cuối năm ngoái và khó có thể phục hồi cho đến cuối năm nay.

Mặt trời vẫn sáng ở Việt Nam

Bên kia đại dương, ngay tại Việt Nam, một câu chuyện rất khác đang diễn ra. Trong tháng 7, hơn 26.000 chuyến bay dự kiến sẽ vận chuyển khoảng 5 triệu hành khách, tăng lần lượt 1% và 24% về số chuyến bay và lượng khách so với cùng kì năm ngoái.

Reuters dẫn lời chủ công ty du lịch Minh Việt Booking cho biết ông đang phải xử lí mức gia tăng đột biến về nhu cầu đặt phòng khi nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch giảm giá để thu hút du khách trong nước.

"Nhiều người không thể chi tiền cho các dịch vụ 5 sao trước kia nhưng giờ đây đang tận dụng các chương trình khuyến mãi để trải nghiệm những dịch vụ cao cấp này", chủ Minh Việt Booking cho hay.

Tại Việt Nam, du lịch hàng không đã trở thành một hình thức vận tải phổ biến và thậm chí còn hơn thế khi các hãng hàng không tăng thêm nhiều chặng bay và chào bán vé với giá thấp nhất từ 69.000 đồng, Reuters đưa tin.

Một phân tích của Reuters từ dữ liệu của FlightRadar24 cho thấy TP HCM và Hà Nội, cùng đảo Phú Quốc và vịnh Cam Ranh là các điểm đến hàng đầu trong mắt khách du lịch cho đến giữa tháng 6, sau khi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ vào cuối tháng 4.

New Zealand nghĩ cách kích cầu du lịch

Tại New Zealand, Thủ tướng Jacinda Ardern đang khuyến khích người dân "tự trải nghiệm gần nhà". Đồng thời, bà Ardern còn kêu gọi nhà tuyển dụng xem xét các tuần làm việc 4 ngày và cho hay chính phủ đang tích cực cân nhắc tổ chức thêm các ngày nghỉ lễ trong năm để người dân có thể đi du lịch.

Hôm 19/6, Thủ tướng Ardern đã khởi động mùa trượt tuyết của New Zealand tại điểm du lịch Queenstown với hi vọng có thể thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa. Một số người dân New Zealand dường như đang chú ý đến lời kêu gọi của Thủ tướng và tổ chức các chuyến du lịch vào cuối tuần.

Nhu cầu khách sạn và thuê phòng ngắn hạn dù nhìn chung chưa phục hồi nhưng vẫn khởi sắc trong vài ngày cuối tuần vừa qua, theo STR - một công ty phân tích chuyên về lĩnh vực khách sạn.

Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp du lịch cho biết khoản cứu trợ trị giá 400 triệu NZD (tương đương 256 triệu USD) của chính phủ để trợ cấp tiền lương cùng các chi phí khác cho ngành du lịch sẽ không đủ để giúp ngành vượt qua giai đoạn khó khăn này, khi mà du khách nước ngoài còn bị cấm nhập cảnh.

Theo Reuters, khách du lịch nước ngoài chiếm khoảng một nửa trong 16,1 tỉ NZD mà ngành du lịch đóng góp vào GDP của New Zealand. Nhà kinh tế Peter Clough nhận định đây là một lỗ hỏng khiến ngành du lịch New Zealand khó có thể vực dậy chỉ với du khách nội địa.

#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.

#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.

Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.

Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khoi-phuc-du-lich-hau-phong-toa-viet-nam-va-new-zealand-theo-hai-huong-khac-nhau-20200627131237817.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/