Khối ngoại có tháng mua ròng mạnh nhất trên HOSE từ tháng 5/2018 với quy mô gần 16.000 tỷ đồng, tập trung VHM, STB

Khối ngoại gom ròng 15.974 tỷ đồng trên HOSE trong tháng 11, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ mua ròng 14.926 tỷ đồng.

VN-Index tăng 20,48 điểm tương đương 1,99%, kết thúc tháng 11 ở mức 1.048,42 điểm. Thanh khoản tăng 5,3% so với tháng trước, giảm 11,8% so với thanh khoản trung bình 5 tháng và giảm 40,6% so với trung bình 20 tháng gần đây.

Thống kê từ FiinTrade cho thấy dòng tiền tiếp tục tăng vào cổ phiếu vốn hóa lớn VN30, trong khi giảm ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, tài nguyên cơ bản, trong khi giảm ở nhóm xây dựng & vật liệu, hóa chất, dầu khí.

Diễn biến theo nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán tăng mạnh nhất trong tháng 11. Tính từ đầu năm dòng chứng khoán và thép vẫn nằm trong Top giảm điểm.

Trong tháng vừa qua, NĐT nước ngoài chuyển hướng mua ròng mạnh với tổng giá trị giải ngân ròng lớn thứ hai trong lịch sử chỉ sau tháng 5/2018. Cụ thể, khối ngoại gom ròng 15.974 tỷ đồng trên HOSE trong tháng 11, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ mua ròng 14.926 tỷ đồng.

Diễn biến mua/bán ròng hàng tháng của khối ngoại từ đầu năm 2022. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Top mua ròng tháng 11 trên HOSE gọi tên VHM, STB, HPG, SSI

Thống kê giao dịch của khối ngoại, NĐT nước ngoài tập trung mua ròng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30. Trong đó, mã VHM của Vinhomes dẫn đầu về quy mô mua ròng trong tuần với 1.726,7 tỷ đồng. Lực cầu từ nhà đầu tư nước ngoài đẩy giá VHM tăng hơn 21,1% lên 54.500 đồng/cp.

Kế đó, cổ phiếu STB của Sacombank cũng được khối ngoại gom ròng hơn 1.320,2 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại còn đổ vào một số mã tài chính ngân hàng khác như SSI (1.032,9 tỷ đồng), CTG (812,7 tỷ đồng), VND (465,1 tỷ đồng), ... Nằm ngoài top10 mã được mua ròng mạnh nhất còn có BID, VCI, VCB, EIB, ...

Lực mua còn xuất hiện tại các cổ phiếu lớn rổ VN30 như HPG (1.084 tỷ đồng), MSN (932,8 tỷ đồng), VIC (840,9 tỷ đồng), VNM (648,7 tỷ đồng), ...

Top các mã mua ròng tháng này có chứng chỉ quỹ FUEVFVND, đây là tháng thứ 2 liên tiếp nước ngoài mua ròng chứng chỉ quỹ này.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Ở phía đối diện, nước ngoài cũng bán ròng mạnh một số cổ phiếu trong tháng 11 như HPX, PNJ, NVL, DXG, FPT, KDC, .... trong đó 3 cổ phiếu bất động sản là HPX, PNJ, NVL chịu ảnh hưởng của việc giá cổ phiếu sụt giảm mạnh do nhà đầu tư bị buộc phải bán giải chấp. 

Sự chú ý của thị trường đổ dồn vào cổ phiếu địa ốc trong tháng vừa qua. Trong phiên 28/11, bộ đôi NVL và PDR chính thức được "giải cứu", ngắt chuỗi bám sàn 16 phiên liên tiếp. Sang đến phiên 30/11, thị trường hoàn tất phiên “giải cứu” cuối cùng ở cổ phiếu HPX với khối lượng hơn 165,2 triệu đơn vị khớp lệnh.

Khối ngoại mua ròng gần 900 tỷ đồng trên HNX và thị trường UPCoM

Tương tự HOSE, NĐT nước ngoài cũng mua ròng trở lại hơn 775 tỷ đồng trên sàn HNX trong tháng 11.

Trong khi đó, khối ngoại duy trì mua ròng cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (545,93 tỷ đồng). Dòng tiền ngoại cũng tích cực tìm đến các mã IDC (128,48 tỷ đồng), TNG (27,58 tỷ đồng), PVI (25,34 tỷ đồng) và CEO (14,83 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VCM của Nhân lực và Thương mại Vinaconex có giá trị bán ròng hơn 11,08 tỷ đồng, đứng sau là L14 (4,45 tỷ đồng). Những mã còn lại lần lượt bị rút vốn là HAT (1,25 tỷ đồng), TVD (0,55 tỷ đồng), DDG (0,54 tỷ đồng), ...

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại giao dịch tiêu cực khi tiếp tục mua ròng 117,8 tỷ đồng.

Ở chiều mua vào, các cổ phiếu đều ghi nhận lực mua thấp hơn 50 tỷ đồng. Mã VEA của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam được mua mạnh nhất với 44,8 tỷ đồng, theo sau là QNS (38 tỷ đồng), BSR (36,7 tỷ đồng), MCH (19,1 tỷ đồng), OIL (8,1 tỷ đồng).

Trong khi đó, cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam là tâm điểm bán ròng với gần 44,6 tỷ đồng. Sau giai đoạn gom ròng mạnh, cổ phiếu đối mặt với áp lực chốt lời từ khối ngoại trong tháng vừa qua. Bên cạnh đó, VTP và SKH lần lượt bị rút ròng với giá trị 10,2 tỷ và 5,5 tỷ đồng. Những mã khác trên HNX bị bán ròng dưới 5 tỷ đồng gồm QTP, BDT, WSB, VGT, ICN, VGI, ...

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khoi-ngoai-co-thang-mua-rong-manh-nhat-tren-hose-tu-thang-52018-voi-quy-mo-gan-16000-ty-dong-tap-trung-vhm-stb-20221210353893.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/