Khởi loạt cao tốc mới, chuyển khai thác lưỡng dụng nhiều sân bay trong năm nay

Theo dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, sẽ có nhiều tuyến cao tốc mới được khởi công, nhiều sân bay sẽ được nâng cấp mở rộng và khai thác lưỡng dụng.

Theo Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Chính phủ, năm vùa qua đã có chuyển biến tích cực trong triển khai xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia; cơ bản hoàn thành 565 km đường bộ cao tốc.

Trong đó, cả nước đã đưa vào khai thác 365 km cao tốc (Cao Bồ - Mai Sơn, La Sơn - Túy Loan, Vân Đồn - Móng Cái, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mai Sơn - nút giao Đông Xuân; Cam Lộ - La Sơn) và thông tuyến 200 km cao tốc (Dầu Giây - Phan Thiết; Phan Thiết - Vĩnh Hảo).

Một đoạn cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thông xe năm 2022. (Ảnh tư liệu: CTV).

Một trong những kế hoạch đặt ra trong năm 2023 là sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác quy hoạch.

Cụ thể, nước ta sẽ đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, có tính liên vùng, hạ tầng đô thị lớn, các dự án đường sắt đô thị, hạ tầng văn hóa, xã hội.

Trong năm 2023, phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng một số đoạn cao tốc đã có chủ trương đầu tư như: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2. Bên cạnh đó, dự kiến sẽ khởi công mới một số đoạn đường bộ cao tốc như Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh; Vành đai 4 TP Hà Nội; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Đắk Nông - Bình Phước; Nam Định - Ninh Bình - Thái Bình - Hải Phòng; Kon Tum - Quảng Ngãi; Lạng Sơn - Cao Bằng…

Về đường sắt đô thị, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng một số dự án. Theo tìm hiểu của người viết, Hà Nội sắp đưa vào khai thác đoạn trên cao của tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội. Trong khi đó, TP HCM đã cho chạy thử metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vào tháng 12 vừa qua.

Sân bay Gia Lâm, Hà Nội. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Về lĩnh vực hàng không, theo báo cáo của Chính phủ, nước ta sẽ nâng cấp mở rộng, khai thác lưỡng dụng một số sân bay như: Phan Thiết, Thành Sơn, Chu Lai, Lào Cai, Nà Sản, Vinh; nghiên cứu nâng cấp, mở rộng theo phương thức PPP để khai thác lưỡng dụng đối với các sân bay Biên Hòa, Gia Lâm…

Cũng theo báo cáo, cơ quan chức năng sẽ phấn đấu hoàn thành việc phê duyệt trong năm 2023 các quy hoạch còn lại trong hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch.

Theo số liệu tính đến tháng 10/2022, đã có 38/38 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; 4 quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt; 15/38 quy hoạch ngành quốc gia đã lập xong, lấy ý kiến, trình thẩm định; 42 quy hoạch tỉnh đã được lập xong, bao gồm 1 quy hoạch đã được phê duyệt; 7 quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong và đang hoàn thiện hồ sơ để trình phê duyệt; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và Nhiệm vụ lập quy hoạch 5 vùng; Chính phủ đang hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khoi-loat-cao-toc-moi-chuyen-khai-thac-luong-dung-nhieu-san-bay-trong-nam-nay-202312375229572.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/