Lí do khiến dân Hàn Quốc dễ diệt nhầm hàng nội địa khi tẩy chay hàng Nhật

Thương hiệu Nhật Bản nhưng người Hàn Quốc nắm cổ phần đa số, hoặc tập đoàn Hàn nhưng lại ra đời ở Nhật Bản là những vấn đề gây khó khăn cho chiến dịch tẩy chay hàng Nhật Bản ở xứ kim chi.

Giới truyền thông Hàn Quốc đang sôi sục với những khẩu hiệu tẩy chay hàng hóa Nhật Bản sau khi Tokyo công bố lệnh hạn chế xuất khẩu nguyên liệu để sản xuất thiết bị công nghệ cao sang nước láng giềng Đông Á vài hôm trước, theo báo South China Morning Post.

Làn sóng tẩy chay hàng Nhật sôi sục ở Hàn Quốc

Hôm 18/7, "tẩy chay" vẫn là từ khóa nổi bật nhất trên mạng xã hội Twitter ở Hàn Quốc, với những hashtag như #BoycottJapan kêu gọi người tiêu dùng cả nước ngừng mua những sản phẩm Nhật Bản hay tương tác với những thương hiệu Nhật Bản.

Realmeter, một công ty nghiên cứu thị trường ở Hàn Quốc, đã khảo sát ý kiến của 501 người hôm 11/7. Kết quả cho thấy 7/10 người tham gia khảo sát tuyên bố họ sẽ tham gia chiến dịch tẩy chay sản phẩm Nhật Bản.

Những thương hiệu Nhật Bản mà cộng đồng mạng ở Hàn Quốc chú ý gồm ABC Mart,  Uniqlo, Asics, 7-Eleven, Sony, Nintendo, Muji,  Daiso.

hang hoa Nhat Ban

Một siêu thị thuộc tập đoàn bán lẻ Daiso Hàn Quốc bán cả sản phẩm từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh: Korea Times

Nhưng, trong kỉ nguyên của các thương hiệu xuyên quốc gia và toàn cầu hóa, quyết định nguồn gốc xuất xứ của một sản phẩm hay thậm chí một doanh nghiệp không đơn giản, dẫn đến tình trạng người tiêu dùng không biết chính xác họ nên tẩy chay sản phẩm nào.

"Nếu tên một sản phẩm có vẻ giống tiếng Nhật, có lẽ nó là sản phẩm Nhật", Kim Dea-young, một sinh viên Hàn Quốc 21 tuổi, bình luận.

Sự pha trộn nguồn gốc trong các thương hiệu

Đáng buồn thay, thực tế không đơn giản như Kim nghĩ. Ở Hàn Quốc, nhiều thương hiệu có vẻ như có nguồn gốc từ nước ngoài thực ra lại chịu sự điều hành, hoặc thuộc quyền sở hữu (một phần hay toàn phần) của doanh nghiệp nội địa.

Khi một người hô hào dân Hàn Quốc tẩy chay 187 cửa hàng của hãng thời trang Uniqlo ở xứ kim chi, anh mô tả đây là thương hiệu của Nhật Bản.

"Uniqlo không phải là thương hiệu nhượng quyền. Nó chịu sự điều hành trực tiếp từ Nhật Bản", người này khẳng định.

Vậy nhưng tập đoàn Lotte ở Hàn Quốc sở hữu tới 49% cổ phần của Fast Retailing Hàn Quốc, công ty điều hành 187 cửa hàng Uniqlo trong nước. Fast Retailing Hàn Quốc là chi nhánh của Fast Retailing, tập đoàn Nhật Bản sở hữu thương hiệu Uniqlo.

Lotte không phải là cái tên xa lạ với những cuộc tranh cãi liên quan tới sự đối đầu nhiều năm giữa Nhật bản và Hàn Quốc. Là tập đoàn tham gia rất nhiều lĩnh vực - từ thực phẩm, bất động sản tới công viên giải trí - Lotte thuê hơn 60.000 người khắp thế giới.

Shin Kyuk Ho

Ông Shin Kyuk-ho, người sáng lập tập đoàn Lotte. Ảnh: Bloomberg

Mặc dù Lotte tự gọi họ là doanh nghiệp Hàn Quốc, song tập đoàn ra đời tại Tokyo vào năm 1948 trước khi mở rộng sang quê hương của nhà sáng lập là Shin Kyuk-ho. Vị doanh nhân 96 tuổi là người Nhật Bản gốc Hàn Quốc.

Chào đời ở Triều Tiên trong thời kì đế quốc Nhật Bản xâm lược bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 tới  năm 1945, ông Shin còn có tên Nhật Bản là Takeo Shigemitsu. Học hành ở thành phố Tokyo, ông tạo cơ nghiệp ở Nhật Bản và thành lập Lotte trước khi trở về quê hương.

Bất chấp lịch sử của tập đoàn, cái tên Lotte không xuất phát từ tiếng Hàn hay tiếng Nhật, mà có nguồn gốc từ tiếng Đức. Nó là tên của một nhân vật trong một tác phẩm của văn hào Johann Wolfgang von Goethe (Đức).

Rất nhiều người Hàn Quốc nghi ngờ cội nguồn của Lotte. Trước đây, họ từng cáo buộc Lotte là doanh nghiệp Nhật Bản mang tên Hàn Quốc.

"Shin Dong-joo, con trai cả của nhà sáng lập Lotte, nói tiếng Hàn rất kém với chất giọng Nhật Bản", sinh viên Kim Dea-young bình luận. Vì thế, công chúng Hàn Quốc không ủng hộ Shin Dong-joo khi ông và em trai tranh giành quyền kiểm soát tập đoàn năm 2012.

"Dù Lotte là thương hiệu đa quốc gia như cái tên của nó, người dân vẫn có xu hướng xác định các doanh nghiệp theo một quốc gia", Kim bình luận. Anh nói thêm rằng những tập đoàn có lịch sử đơn giản hơn, như Samsung, sẽ luôn được coi là "có xuất xứ Hàn Quốc".

Một vấn đề khác là các đối xử với người Triều Tiên ở Nhật Bản. Về mặt lịch sử, người Tiều Tiên ở Nhật Bản thuộc tầng lớp sống "ngoài lề xã hội", và nhiều người khẳng định họ vẫn đang bị phân biệt đối xử.

Thực tế ấy không thể ngăn cản Masayoshi Son, người sáng lập tập đoàn viễn thông SoftBank và cũng có gốc Triều Tiên, trở thành người giàu nhất Nhật Bản. SoftBank vừa đầu tư vài tỉ USD vào hãng bán lẻ trực tuyến Coupang ở Hàn Quốc.

Doanh nghiệp hai nước sở hữu chéo cổ phần của nhau

Daiso là tập đoàn bán hàng giảm giá số 1 ở Hàn Quốc, theo mô tả của giới truyền thông. Song, cũng như Lotte, lịch sử của họ khá phức tạp. Ban đầu, Daiso ra đời ở Hàn Quốc trong thập niên 90 với một tên khác. Sau đó, tập đoàn đổi tên để thành lập liên quan với Daiso Nhật Bản.

Ngày nay, Asung HMP, một tập đoàn Hàn Quốc, nắm cổ phần chi phối (hơn 50%) trong Daso Hàn Quốc, còn tập đoàn Daiso Industries (Nhật Bản) chỉ nắm khoảng 34% cổ phần.

cua hang sach

Một cửa hàng sách Kyobo Hottracks ở Hàn Quốc. Ảnh: foursquare.com

Hàng hóa mà Daiso Hàn Quốc bán bao gồm cả sản phẩm có xuất xứ từ cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản, song phần lớn chúng lại được sản xuất ở Trung Quốc. Daiso Hàn Quốc cũng mang logo mang đậm chất Hàn Quốc và khác biệt với logo của Daiso Nhật Bản.

"Daiso Hàn Quốc độc lập với Daiso Nhật Bản. Họ là một doanh nghiệp Hàn Quốc với 34% cổ phần nằm trong tay một doanh nghiệp Nhật Bản. Mọi người hãy chỉ tẩy chay những sản phẩm có logo Daiso Nhật Bản trên nhãn mác", Hong Cho, một người sử dụng Twitter, viết.

Justin Shin, một chuyên gia thời trang và lối sống kiêm nhiếp ảnh gia ở Seoul, nhận dịnh người Hàn Quốc cảm nhận rõ về những sản phẩm có xuất xứ ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, về phong cách và kiểu dáng sản phẩm, thị trường Hàn chịu ảnh hưởng từ thị trường Nhật Bản trong nhiều thập kỉ.

"Vì lẽ đó, có thể người Hàn Quốc sẽ gặp khó khăn lớn khi phân biệt sản phẩm Hàn với sản phẩm Nhật", Justin bình luận.

Trên thực tế, giúp người tiêu dùng phân biệt hàng Nhật để tẩy chay đang khiến các nhà bán lẻ ở Hàn Quốc bán nhiều hàng hơn, nhưng cũng bận hơn. 

Các cửa hàng văn phòng phẩm và sách Kyobo Hottracks đã gắn nhãn có hình quốc kì Hàn Quốc hoặc bông hoa với những bút bi do Hàn Quốc sản xuất, theo AFP. Doanh số bút bi Hàn Quốc tăng 23% trong tuần trước, trong khi doanh số bút bi Nhật Bản giảm 10%.

Trong khi đó, các cửa hàng tiện lợi và quán bar đã bỏ tất cả những loại bia nổi tiếng của Nhật Bản như Asahi, Kirin, Sapporo và Suntory. Doanh số bia Nhật Bản giảm khoảng 25% trong hai tuần đầu tháng 7, theo AFP.

Một hiệp hội cửa hàng tạp hóa Hàn Quốc thông báo với AFP rằng 3.700 thành viên của họ không còn đặt hàng Nhật Bản. Nhiều cửa hàng trưng biển với nội dung họ không bán hàng Nhật Bản nữa.

Song một thực tế khiến tình hình trở nên phức tạp là nhiều thương hiệu Nhật Bản song người Hàn Quốc lại nghĩ đó là thương hiệu của đất nước họ. Crocodile là vài ví dụ. Dù có cửa hàng khắp Hàn Quốc, thực chất họ là một doanh nghiệp Hong Kong.

Sự "nhập nhằng" về xuất xứ và sở hữu thương hiệu cho thấy nguồn gốc của một công ty không còn quan trọng đối với người tiêu dùng hiện đại, theo nhà nghiên cứu chính trị Yves Tiberghien, giám đốc danh dự của Việ Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học British Columbia.

Quan điểm của Yves là thị hiếu và sở thích của người tiêu dùng đã thực sự pha trộn các yếu tố giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Chuỗi sản xuất, chiến lược tiếp thị cũng là sự pha trộn tương tự.

"Vì thế, chúng ta không thể tách biệt chuỗi sản xuất, hoạt động tiếp thị hay thậm chí sản phẩm giữa hai nước. Chúng ta không thể biết phần nào thuộc Nhật Bản, phần nào thuộc Hàn Quốc", Yves lập luận.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/kho-phan-biet-san-pham-han-voi-hang-nhat-dan-han-quoc-doi-mat-nguy-co-tay-chay-nham-hang-noi-dia-20190722092010221.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/