Khó khăn trong chuyển nhượng dự án và định giá công ty con, Vicem đã sẵn sàng cổ phần hóa?

Kế hoạch cổ phần hóa Vicem bắt đầu từ năm 2013, tuy nhiên những vướng mắc trong việc định giá các công ty con thua lỗ và chuyển nhượng các dự án ngoài ngành khiến "ông lớn" ngành xi măng nhiều lần lỡ hẹn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt danh mục 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa (CPH) đến hết năm 2020.

Trong danh sách, đáng chú ý có Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), một trong số những doanh nghiệp lớn của Bộ Xây dựng, đã nhiều lần lỡ hẹn trong kế hoạch cổ phần hóa và phát hành cổ phiếu lần đầu ra thị trường (IPO).

Đề án cổ phần hóa Vicem bắt đầu từ năm 2013 và dự kiến thực hiện CPH vào đầu năm 2016. Trong tiến trình CPH, Vicem đã dừng đầu tư một loạt dự án dở dang, chuyển nhượng dự án không thuộc ngành nghề kinh doanh chính để thu hồi vốn.

Đến tháng 3/2015, Vicem cũng xác định xong giá trị doanh nghiệp và gửi toàn bộ hồ sơ pháp lý về thành lập doanh nghiệp, tài sản, công nợ… lên Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính thẩm định, kiểm toán .

Tuy nhiên, việc tiếp nhận tái cơ cấu CTCP Xi măng Hạ Long và CTCP Xi măng Sông Thao (hai công ty hoạt động kém hiệu quả) theo chỉ đạo của Chính phủ đã khiến tiến độ thực hiện cổ phần hóa bị chậm lại. Đến nay, Vicem vẫn trong quá trình tái cơ cấu hai doanh nghiệp này.

Bức tranh đã sáng hơn

Tiền thân của Vicem là Liên hiệp các Xí nghiệp Xi măng được thành lập ngày 01/4/1980 để quản lý các nhà máy xi măng trong cả nước. 

Trải qua 119 năm xây dựng và phát triển kể từ khi xây dựng nhà máy Xi măng Hải Phòng và gần 40 năm thành lập, hiện nay Vicem có 10 nhà máy sản xuất Xi măng với 16 dây chuyền sản xuất, công xuất 20 triệu tấn Clinker và 27 triệu tấn xi măng/năm.

Tính đến ngày 31/12/2018, Vicem đang sở hữu 22 công ty con, đa số các công ty này đều hoạt động trong ngành xi măng.

Về kết quả hoạt động, Vicem duy trì doanh thu ổn định trong nhiều năm với mức trung bình 26.000 tỉ đồng mỗi năm, theo đó Tổng công ty cũng thu về lợi nhuận trước thuế trung bình mỗi năm trên 2.000 tỉ đồng.

Riêng năm 2017, LNTT giảm xuống còn 1.982 tỉ đồng do phải ghi nhận các khoản lỗ từ việc tiếp nhận hai đơn vị yếu kém là Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao. 

Năm 2018, tổng doanh thu và LNTT của Tổng công ty đạt lần lượt 27.867 tỉ đồng và 2.390 tỉ đồng, tăng trưởng tương ứng 7% và 20% so với năm 2017. Theo đó, Vicem thực hiện nộp ngân sách Nhà nước trên 2.500 tỉ đồng.

Nếu không tính khoản trích lập dự phòng đầu tư khi tái cấu trúc Xi măng Hạ Long, lợi nhuận trước thuế có thể lên đến 2.872 tỉ đồng, tăng 45% so với năm 2017.

Vicem cho biết, Tổng công ty đã tiêu thụ 29,2 triệu tấn sản phẩm xi măng và clinker trong năm 2018, vượt 4,3% kế hoạch đề ra và tăng trưởng gần 10% so với năm trước. Với sản lượng như vậy, Vicem hiện chiếm 35% thị phần xi măng của cả nước.

vicem

Nguồn: ST tổng hợp từ BCTC

Sang năm 2019, Vicem tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh tích cực. Trong nửa đầu năm, Tổng công ty đạt 1.657 tỉ đồng LNTT, tăng trưởng 62% so với năm ngoái; nộp Ngân sách Nhà nước 1.215 tỉ đồng, tăng 28%.

Tổng sản phẩm tiêu thụ ước tính trong 6 tháng đầu năm đạt gần 14,7 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kì. Trong đó, tiêu thụ xi măng gồm cả xuất khẩu đạt gần 13 triệu tấn, tăng 10%. Riêng tháng 6, tổng sản phẩm tiêu thụ ước đạt trên 2,5 triệu tấn, mức tiêu thụ cao nhất từ trước đến nay.

vicem

Cơ cấu tài sản của Vicem đã có sự chuyển dịch tốt hơn trong năm 2018 (nguồn: BCTC hợp nhất 2018)

Vẫn còn những khoản đầu tư không hiệu quả

Tính đến 31/12/2018, tổng tài sản của công ty mẹ Vicem ở mức 15.520 tỉ đồng, trong đó Vicem đầu tư 11.295 tỉ đồng vào công ty con.

Các khoản đầu tư lớn có thể kể đến như Xi măng Hà Tiên 1 (2.584 tỉ đồng); Xi măng Hạ Long (1.605 tỉ đồng); Vicem Hoàng Thạch (1.324 tỉ đồng); Vicem Tam Điệp (1.132 tỉ đồng); Vicem Hải Phòng (1.021 tỉ đồng); Vicem Bút Sơn (899 tỉ đồng).

Do hoạt động dưới mô hình công ty mẹ - con nên kết quả kinh doanh của Vicem chịu ảnh hưởng lớn bởi kết quả đóng góp từ các đơn vị thành viên. Bên cạnh những công ty tự chủ về tài chính và hoạt động ổn định, Vicem vẫn còn những khoản đầu tư không hiệu quả, ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa. 

Đơn cử, các đơn vị như Vicem Vật tư Vận tải Xi măng, Vicem Vận tải Hoàng Thạch, Vicem Vật liệu Xây dựng Đà Nẵng và Vicem Thạch cao Xi măng ghi nhận lợi nhuận giảm so với cùng kì; Xi măng Vicem Tam Điệp thuộc diện mất an toàn về tài chính, có nguy cơ bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt.

Trong khi đó, Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao vẫn trong tình trạng mất an toàn tài chính, thuộc diện phải giám sát tài chính đặc biệt. Đây cũng là hai "đơn vị" đã làm chậm CPH của Vicem trong nhiều năm qua.

Những đơn vị hoạt động không hiệu quả khiến Vicem phải chi ra hàng nghìn tỉ đồng chi phí trích lập dự phòng, chủ yếu trích lập dự phòng cho các khoản lỗ phát sinh.

Tại thời điểm 31/12/2018, số dư trích lập dự phòng là 3.182 tỉ đồng, chiếm 28% giá trị đầu tư vào các công ty con. Đáng chú ý, Vicem đã trích lập dự phòng toàn bộ 1.605 tỉ đồng giá trị đầu tư vào Xi măng Hạ Long, riêng trong năm 2018 khoản dự phòng này tăng thêm 480 tỉ đồng.

Ngoài ra, Vicem cũng trích lập dự phòng cho các đơn vị khác gồm Vicem Tam Điệp (1.046 tỉ đồng), Xi măng Sông Thao (331 tỉ đồng) và Vicem Hải Phòng (199 đồng).

vicem

Vicem phải chi hàng nghìn tỉ đồng chi phí dự phòng vào các đơn vị hoạt động không hiệu quả. (Nguồn: BCTC năm 2018)

Chưa chuyển nhượng xong dự án Trung tâm Điều hành

Ngoài việc ôm nợ hàng nghìn tỉ đồng từ những công ty con hoạt động không hiệu quả, khó khăn trong việc chuyển nhượng dự án Trung tâm Điều hành cũng là một trong những nguyên nhân làm chậm lại quá trình CPH của "ông lớn" ngành xi măng.

Dự án Trung tâm Điều hành và Giao dịch Vicem (Vicem Tower) do Vicem làm chủ đầu tư được xây dựng trên trục đường vành đai 3 Phạm Hùng, cạnh tòa nhà Keangnam, với chức năng làm trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại.

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 1.951 tỉ đồng, sau đó điều chỉnh tăng lên 2.743 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự án mới được thi công xong phần thô, đến thời điểm hiện tại đang bị bỏ hoang mà chưa có thêm bất kì hoạt động xây dựng nào.

Ngày 20/2 vừa qua, Vicem đã có văn bản trình Bộ Xây dựng đề xuất phương án chuyển nhượng toàn bộ dự án với giá chuyển nhượng không thấp hơn chi phí đầu tư.

Liên quan đến việc chuyển nhượng dự án, Vicem cho biết bán trụ sở dở dang nghìn tỉ là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về thoái vốn đầu tư đối với các lĩnh vực ngoài ngành để phục vụ cho công tác cổ phần hóa.

Tính đến 31/12/2018, chi phí xây dựng dở dang cho dự án đang ở mức 771,3 tỉ đồng, trong khi Vicem vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Xây dựng để có các phương án xử lí tiếp theo. 

thap vicem

Tháp nghìn tỉ của Vicem bỏ hoang nhiều năm. (Ảnh: Tiền Phong)

Theo kế hoạch trước đó, Vicem dự kiến hoàn tất CPH và tiến hành IPO trong năm 2019, tuy nhiên đến nay Tổng công ty vẫn chưa công bố định giá doanh nghiệp.

Với những khó khăn trong việc chuyển nhượng dự án và định giá các công ty con đang ngập trong thua lỗ, nợ nần; ban lãnh đạo Vicem sẽ phải dốc hết lực để giải quyết những tồn đọng nếu muốn CPH xong trong năm nay.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/kho-khan-trong-chuyen-nhuong-du-an-va-dinh-gia-cong-ty-con-vicem-da-san-sang-co-phan-hoa-20190830182618327.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/