Khó cho vay, ngân hàng đang 'dồn' tiền vào đâu?

Tăng trưởng cho vay ở mức thấp khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng trở nên dư thừa. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng đang 'đẩy tiền' vào trái phiếu chính phủ để gia tăng hiệu quả sử dụng vốn cũng như hạn chế rủi ro.

Khó cho vay, ngân hàng đang 'dồn' tiền vào đâu? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnamnet)

Ngân hàng khó cho vay, dư thừa thanh khoản

Hiếm có khi nào thanh khoản hệ thống ngân hàng lại dư thừa như giai đoạn hiện tại khi hoạt động cho vay gặp nhiều khó khăn trước tác động của dịch COVID-19.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng đến 19/6 là 2,45% so với cuối năm trước, thấp nhất trong vòng 5 năm qua và kém xa mức tăng trưởng huy động tại cùng thời điểm (4,35%).

Tính đến cuối tháng 6, tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng lớn đều cao hơn so với tăng trưởng cho vay.

Đơn cử như VietinBank có huy động thị trường 1 tăng 21.000 tỉ đồng trong khi dư nợ tín dụng chỉ tăng khoảng 4.500 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm. Tương tự, huy động thị trường 1 của Vietcombank đến cuối quí II đạt trên 1 triệu tỉ đồng (tăng 5,6%) trong khi dư nợ cho vay chỉ đạt 772.000 tỉ động (tăng 5%). 

Tại SCB, ngân hàng có qui mô tài sản lớn nhất nhóm cổ phần, dư nợ tín dụng cũng chỉ tăng 3,04% trong khi huy động vốn tăng 8,2%;...

Khó cho vay, ngân hàng đang 'dồn' tiền vào đâu? - Ảnh 2.

Tăng trưởng huy động đang vượt xa tăng trưởng cho vay. (Nguồn: SSI Research)

Sự dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng thể hiện rất rõ qua xu hướng giảm sâu của lãi suất trên cả thị trường 1 (liên ngân hàng) và thị trường 2 (huy động tiền gửi dân cư).

Tính đến đầu tháng 7, lãi suất trên liên ngân hàng đã giảm 1,6-3,4 điểm % so với cuối năm 2019 và chạm mức thấp lịch sử 0,12%/năm. Trong khi lãi suất tiền gửi đã thấp hơn 0,75-1%/năm ở kì hạn dưới 6 tháng và thấp hơn từ 1-2%/năm ở các kì hạn 6 tháng trở lên so với cuối năm trước.

Khó cho vay, ngân hàng đang 'dồn' tiền vào đâu? - Ảnh 3.

Ngân hàng dồn tiền vào trái phiếu chính phủ, mua lại trái phiếu trước hạn

Trao đổi với người viết, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc dư thừa thanh khoản sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả sử dụng vốn của các ngân hàng. Tuy nhiên, mục tiêu ưu tiên trong giai đoạn hiện nay là giảm thiểu rủi ro, tránh nợ xấu, do vậy các ngân hàng sẽ dịch chuyển dòng vốn vào các loại tài sản an toàn cao như trái phiếu chính phủ (TPCP) và trái phiếu của các tổ chức tín dụng.

Dư thừa thanh khoản làm giảm hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng. Tuy nhiên, đảm bảo chất lượng tín dụng là ưu tiên hàng đầu ở thời điểm hiện tại. Ngoài ra, thay vì tập trung tạo lợi nhuận, các ngân hàng có thể đẩy mạnh cắt giảm chi phí bằng cách giảm lãi suất huy động, đảm bảo biên lãi thuần (NIM).

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu

Số liệu của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, trong hai phiên đấu thầu đầu tiên của tháng 7, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã gọi thầu lần lượt 14.750 tỉ đồng và 19.500 tỉ đồng trái phiếu, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. 

Tuy nhiên, nhu cầu từ phía các thành viên thị trường còn lớn hơn nhiều với tổng lượng đăng kí gấp lần lượt 3,6 lần 2,2 lần lượng gọi thầu. Kết quả, tỉ lệ trúng thầu của hai đợt vừa qua ở mức rất cao là 97% và 100%.

Kể từ đầu năm đến nay, KBNN đã phát hành tổng cộng 120,8 nghìn tỉ đồng, tương đương 46,5% kế hoạch gọi thầu cả năm 2020. Kì hạn gọi thầu bình quân là 13,4 năm, xấp xỉ bằng bình quân 2019 nhưng lãi suất trúng thầu bình quân đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay, chỉ ở  2,93%/năm (so với bình quân 4,6%/năm của 2018 và 2019).

SSI Research cho rằng mặc dù nhu cầu phát hành của KBNN dự báo còn gia tăng nhưng lượng tiền dư thừa của các ngân hàng thương mại khiến nhu cầu đầu tư TPCP vẫn cao và sẽ giữ lợi tức TPCP tiếp tục đi ngang trong ngắn hạn. 

Trong dài hạn, diễn biến lợi tức phụ thuộc nhiều vào tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại.

Khó cho vay, ngân hàng đang 'dồn' tiền vào đâu? - Ảnh 4.

Nguồn: SSI Research

Bên cạnh việc đổ tiền vào trái phiếu chính phủ, nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh mua lại trái phiếu do chính họ phát hành trong giai đoạn trước nhằm giảm chi phí huy động trong bối cảnh dư thừa thanh khoản hiện nay.

Kể từ đầu tháng 6 tới nay, HDBank thông báo mua lại 2.300 tỉ đồng trái phiếu phát hành trong năm 2019 và 500 tỉ đồng trái phiếu trong năm 2018. Trước đó, Hội đồng quản trị ngân hàng này đã thông qua phương án mua lại 8.520 tỉ đồng trái phiếu trước hạn trong năm nay.

Nói về nguyên nhân đưa ra quyết định mua lại lượng trái phiếu trên, HĐQT HDBank cho biết ngân hàng có nguồn vốn dồi dào với chi phí huy động thấp hơn nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu các năm trước. Do vậy, việc chủ động mua lại trước hạn các trái phiếu đã phát hành sẽ giúp HDBank cơ cấu lại nguồn vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và giảm chi phí vốn.

Trong tháng 6 và đầu tháng 7, VPBank cũng công bố kế hoạch mua lại 2.000 tỉ đồng trái phiếu phát hành năm 2018 và 800 tỉ đồng trái phiếu phát hành trong năm 2019; SeABank, Bac A Bank và VIB mua lại lần lượt 1.200 tỉ đồng, 1.300 tỉ đồng và 1.600 tỉ đồng trái phiếu phát hành trong năm 2019.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/kho-cho-vay-ngan-hang-dang-don-tien-vao-dau-20200720073521663.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/