Kẻ thắng, người thua khi giá dầu và hàng hóa leo thang

Nhiều người nghĩ rằng thế giới chớm bước ra khỏi đại dịch COVID-19 sẽ chỉ toàn mang đến tin tốt. Nhưng phục hồi kinh tế tất yếu sẽ dẫn đến giá năng lượng, kim loại và cây trồng tăng mạnh. Thực trạng này đang làm lộ rõ điểm mạnh lẫn điểm yếu của các quốc gia.

Kẻ thắng người thua khi giá dầu và hàng hóa leo thang - Ảnh 1.

Giá đồng tăng đến mức cao nhất trong vòng 9 năm qua. (Ảnh: Bloomberg).

Kể từ đầu tháng 11/2020, giá dầu đã tăng 75% trong bối cảnh các nền kinh tế lớn tiêm chủng vắc xin COVID-19 và mở cửa trở lại. Giá đồng, kim loại được sử dụng trong hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế, lên đến đỉnh 9 năm. Giá thực phẩm leo thang liên tục hàng tháng kể từ tháng 5 năm ngoái. 

Các nước xuất khẩu được hưởng lợi lớn. Dòng tiền vào là sự cứu trợ rất được mong đợi đối với các đại gia năng lượng như Nga và Saudi Arabia.

Ngược lại, các nước phụ thuộc vào nhập khẩu đang cảm nhận áp lực trên thị trường trái phiếu và tiền tệ. Giá nhiên liệu tăng cao đã khiến người đứng đầu công ty dầu khí nhà nước của Brazil mất việc. Giá dầu tăng đã buộc Ấn Độ - nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới – kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng. Lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ vọt lên trên 15%.

Kẻ thắng người thua khi giá dầu và hàng hóa leo thang - Ảnh 2.

Goldman Sachs và một số ông lớn Phố Wall đang bàn tán về "siêu chu kỳ hàng hóa" mới. Viễn cảnh này đang làm dấy lên bóng ma lạm phát tai hại và các nước giàu cũng không miễn nhiễm.

Chính phủ Anh đã ngừng dự định tăng thuế xăng dầu để không chọc giận giới tài xế. Tại Mỹ, các công ty khoan dầu và nông dân vùng Corn Belt có thể đang hưởng lợi nhưng những người khác, bao gồm các tỷ phú công nghệ lại lâm vào thế khó. Tỷ phú Elon Musk đã nài nỉ các thợ mỏ đào thêm kền (nickel) - kim loại mà ông cần để sản xuất pin cho xe điện Tesla.

Người thắng

Các đợt phong tỏa và sự rớt giá của hàng hóa năm ngoái là đòn đánh mạnh vào Australia. 2020 là năm đầu tiên Australia nếm trải suy thoái trong gần 30 năm. Nhưng chính phủ nước này có thể kỳ vọng gió sẽ đổi chiều trong năm 2021. 

Doanh số quặng sắt, mặt hàng chủ lực của Australia, đạt kỷ lục vào tháng 12 năm ngoái. Giá lúa mì đang tiến tới mức tương tự và những người chăn nuôi gia súc đang phải gồng mình để đáp ứng nhu cầu thịt bò tăng nhanh.

Mọi chuyện không phải lúc nào cũng thuận lợi với Australia. Cuộc đối đầu ngoại giao đã khiến Trung Quốc cấm một loạt hàng hóa Australia, từ than, đồng cho đến rượu và tôm hùm. Tuy nhiên, quặng sắt đã được "tha" vì Bắc Kinh không thể nhập khẩu đủ nguyên liệu thép từ nơi khác, giúp giảm thiểu chi phí chiến tranh thương mại cho Australia.

Kẻ thắng người thua khi giá dầu và hàng hóa leo thang - Ảnh 3.

Sức mạnh tương đối của Chile, nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới cũng được thể hiện rõ ràng trên thị trường tài chính. Peso là đồng tiền lớn duy nhất ở Mỹ Latinh tăng giá so với đồng USD trong ba tháng qua. Chứng khoán Chile là một trong những thị trường sôi động nhất thế giới.

COVID-19 đã làm đảo lộn thương mại toàn cầu và mang đến thách thức kinh tế lớn nhất cho Chile trong ba thập kỷ trở lại đây. Giá đồng lao dốc. Nhưng cuộc suy thoái không kéo dài lâu nhờ các nhà máy Trung Quốc hoạt động trở lại sau dịp Tết Nguyên đán. 

Với giá đồng vượt mức 9.000 USD/tấn lần đầu tiên trong gần một thập kỷ, tài chính của Chile đang cải thiện. Giá trị đồng xuất khẩu đạt 3,9 tỷ USD trong tháng 2/2021, tăng 42% so với tháng trước đó. 

Kẻ thắng người thua khi giá dầu và hàng hóa leo thang - Ảnh 4.

Mọi quốc gia dầu mỏ đều chịu thiệt hại trong năm ngoái, nhưng tác động đến Iraq là đặc biệt nặng nề. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế Iraq đã sụt khoảng 11%, mức giảm gần như lớn nhất trong số các nước xuất khẩu dầu lớn. Chính phủ Iraq không thể trả lương giáo viên đúng hạn, người dân đổ ra đường để phản đối việc cắt điện, bệnh viện xuống cấp, đường xá đổ nát và thiếu việc làm.

Các thành viên khác của OPEC, bao gồm Saudi Arabia, chỉ trích chính phủ Iraq vì không cắt giảm sản lượng đủ để giúp cả nhóm chống đỡ giá dầu.

Trong bối cảnh thị trường dầu thô khởi sắc, doanh thu tài khóa hàng tháng của Iraq đã tăng từ khoảng 3 tỷ USD/tháng vào quý II/2020 lên khoảng 5 tỷ USD/tháng gần đây. Số tiền này vẫn thấp hơn nhiều mức cần thiết để cân đối ngân sách nhà nước, nhưng rõ ràng tình hình đã bớt căng thẳng.

Kẻ thua

Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn nhất của nhiều loại hàng hóa và gần như là yếu tố duy nhất dẫn đến "siêu chu kỳ hàng hóa" cách đây khoảng một thập kỷ.

Lần này, cuộc phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế thứ hai thế giới khỏi khủng hoảng COVID-19 là một trong những lý do chính khiến giá năng lượng, kim loại và nông sản tăng lên.

Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng đà tăng giá hàng hóa sẽ chấm dứt khi Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuộc. Chủ đề an ninh lương thực và giá heo được nhấn mạnh trong kỳ họp quốc hội Trung Quốc trong tháng này. Chính phủ Trung Quốc đã công bố lộ trình 5 năm để thúc đẩy sản xuất cây trồng và vật nuôi.

Kẻ thắng người thua khi giá dầu và hàng hóa leo thang - Ảnh 5.

Hàng triệu người phụ thuộc vào bánh mì được trợ cấp ở Ai Cập. (Ảnh: Bloomberg).

Là nước mua lúa mì lớn nhất thế giới và là nhà nhập khẩu dầu ròng, Ai Cập chịu thiệt hại nặng nề mỗi khi giá hàng hóa tăng. Giá hàng hóa cũng là vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị vì hàng triệu người Ai Cập phụ thuộc vào bánh mì được trợ cấp. Các cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab cách đây một thập kỷ diễn ra một phần cũng bởi chi phí lương thực tăng cao.

Cho tới nay, chính phủ Ai Cập đã kiềm chế được lạm phát. Ai Cập đang cố gắng bảo vệ bản thân trước giá dầu lên cao bằng cách mua các hợp đồng phòng vệ trên thị trường. Nhưng các nhà phân tích do Bloomberg khảo sát dự kiến tốc độ tăng GDP của nước này sẽ chỉ đạt 2,9% trong năm 2021, thấp hơn một nửa so với kinh tế toàn cầu.

Giá thực phẩm và nhiên liệu gia tăng đã gây ra bất ổn xã hội ở Pakistan. Các đảng đối lập tổ chức biểu tình toàn quốc vào năm ngoái để kêu gọi Thủ tướng Imran Khan từ chức. Chính phủ của ông Khan đã phản ứng bằng cách tăng 25% lương cho nhân viên nhà nước vào tháng trước.

Tuy nhiên, áp lực đối với Thủ tướng Khan vẫn chưa hạ nhiệt. Ông Khan chỉ vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của quốc hội trong tháng này với kết quả rất sít sao.

Tác động kinh tế của việc đóng cửa kinh doanh và hạn chế xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus sẽ chỉ trở nên trầm trọng hơn nếu giá hàng hóa tiếp tục leo thang. Pakistan hầu như không thể tự sản xuất dầu và khoáng sản mà chỉ nhập từ nước ngoài.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ke-thang-nguoi-thua-khi-gia-dau-va-hang-hoa-leo-thang-20210311153139412.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/