Kẻ lừa đảo Tinder Simon Leviev mạo nhận tỷ phú kim cương là cha: Vị tổng tài ngoài đời thật giàu cỡ nào?

Tỷ phú Lev Leviev, người bị Simon Leviev trong "Tinder Swindler" nhận vơ làm cha, là một tỷ phú USD người Israel. Ông là một trong những người góp phần thay đổi ngành kim cương toàn cầu.

Máy bay phản lực tư nhân, những viên kim cương vô giá, chạy trốn luật pháp — đó là tất cả những gì dùng để mô tả Simon Leviev - nhân vật chính trong bộ phim tài liệu "Tinder Swindler" do Netflix sản xuất.

Simon Leviev, tên thật là Shimon Hayut, trước đó đã thụ án 5 tháng tù trong bản án 15 tháng ở Israel vì tội gian lận (đã được trả tự do sớm, vào năm 2020 vì cải tạo tốt). Hiện Simon Leviev đã bị cấm trên Tinder và các ứng dụng hẹn hò khác.

Trong bộ phim, Simon Leviev bị cáo buộc lừa đảo phụ nữ với số tiền ước tính lên tới hơn 10 triệu USD bằng cách giả làm con trai ông trùm kim cương Israel, Lev Leviev.

Mới đây, Forbes đã có bài viết về ông trùm kim cương này và giải mã sức hút từ danh tiếng ngoài đời thật của tỷ phú Lev Leviev đã giúp Simon lừa đảo các cô gái trên Tinder như thế nào.

Người cha tự nhận của Simon Leviev, nhân vật chính trong bộ phim hot 'Tinder Swindler' giàu cỡ nào? - Ảnh 1.

Simon Leviev (trái), đang nổi tiếng qua bộ phim "Tinder Swindler" và người cha tự nhận Lev Leviev (phải), được mệnh danh là "Vua kim cương". (Ảnh: Forbes).

Kẻ thách thức gã khổng lồ

Theo Forbes, Lev Leviev là một anh hùng địa phương. Ông đã khôi phục lại giáo đường Do Thái duy nhất còn lại của thị trấn, nơi mà Đức Quốc xã biến thành kho vũ khí rồi rạp chiếu phim. Leviev là một công dân Israel, gốc Uzbekistan và là người sùng đạo.

Tỷ phú ít được biết đến này cũng là hiểm họa đối với De Beers - nhà khai thác kim cương khổng lồ có trụ sở tại Anh. Leviev từng là một trong số ít những người mua trực tiếp độc quyền kim cương thô của De Beers. 

Ngày nay, ông sở hữu công ty cắt và đánh bóng đá quý lớn nhất thế giới, cũng như là nguồn cung cấp đá thô chính cho các máy cắt, máy đánh bóng và nhà sản xuất đồ trang sức khác trên toàn cầu. Những người đã theo dõi sự thăng tiến của ông trong ba thập kỷ nói rằng chính lòng căm thù đối với De Beers đã thúc đẩy ông tiến về phía trước.

Leviev không công khai chỉ trích đối tác kinh doanh, nhưng sự thách thức của ông cũng được nhiều người nhìn thấy. "Tôi sẽ không để bất kỳ ai chỉ tôi biết cách điều hành công việc kinh doanh của mình. Tôi lớn lên ở Liên Xô. Tôi biết sợ hãi là gì. Tôi có thể nhớ mình thường xuyên bị đánh đập bởi những kẻ bắt nạt ở trường và tôi tự nhủ sẽ không bao giờ sợ bất cứ ai hay bất cứ điều gì nữa", ông Lev chia sẻ.

Thực tế, ông đã đánh bật được De Beers ở Nga và Angola, hai trong số những thị trường đá quý lớn nhất thời điểm đó. Sự vươn lên của ông đã truyền cảm hứng cho những người khác.

Đơn cử như Rio Tinto, chủ sở hữu mỏ Argyle của Úc, lần đầu tiên bỏ qua De Beers vào năm 1996 để bán trực tiếp 42 triệu carat của mình cho những người đánh bóng ở Antwerp. Vào đầu những năm 1990, chính phủ Nga đã bắt đầu bán một số nguồn cung của mình cho những người khác, bất chấp thỏa thuận độc quyền lâu năm với De Beers. 

Khi các thợ mỏ phát hiện ra trữ lượng kim cương khổng lồ ở Lãnh thổ Tây Bắc của Canada, De Beers đã phải tranh giành một mảnh. Thị phần của công ty trên thị trường kim cương thô từng chiếm tới 80% cách đó 5 năm, đã giảm xuống còn 60%.

Lý do Leviev là một rủi ro với De Beers vì ông đã làm thay đổi ngành kim cương truyền thống. Leviev đã chấm dứt hoạt động xoay quanh cartel, giao dịch trực tiếp với các chính phủ về sản xuất kim cương và phá vỡ mối quan hệ của De Beers với những người khác. 

Ông cũng trở thành nhà khai thác kim cương hoàn chỉnh các công đoạn đầu tiên trong ngành, từ khai thác, cắt gọt đến đánh bóng và bán lẻ, thu về lợi nhuận ở mọi giai đoạn.

Sau đó, ông trở nên rất giàu có. Ông sở hữu Tập đoàn Lev Leviev và cổ phần kiểm soát tại Africa Israel Investments. Ngoài ra, sau này ông cũng có thêm cổ phần của nhiều đơn vị tại các quốc gia khác nhau. Thời điểm được Forbes lên bài vào năm 2003, ông Lev Leviev ước tính sở hữu khối tài sản ròng giá trị 2 tỷ USD.

Một phần của sự giàu có đó đến từ việc khai thác các mối quan hệ chính trị, điều tạo ra nhiều sự nghi ngờ. Ví dụ, khi Leviev chuẩn bị đấu thầu 40% mỏ kim cương Argyle của Australia, các ngân hàng ủng hộ ông đã rút tiền vào thời điểm cuối cùng. 

Các nguồn tin nói rằng đó là sự thiếu minh bạch trong hoạt động kinh doanh của Leviev. Nhiều người lo ngại rằng một số bên đã bị ông đe dọa bằng vũ trang bởi ông sở hữu một đội ngũ vệ sĩ quy mô lớn, được trang bị nhiều thiết bị hiện đại.

Có niềm đam mê mãnh liệt với kim cương

Leviev lớn lên ở thủ đô Tashkent của Uzbekistan. Bố của Leviev, Avner là một thương gia dệt may thành công và là một nhà sưu tập thảm Ba Tư quý hiếm. Gia đình ông đã di cư đến Israel vào năm 1971, chuyển tài sản của họ thành kim cương thô trị giá 1 triệu USD để buôn lậu ra khỏi đất nước. 

Tuy nhiên khi đến Israel, chỗ kim cương đó chỉ được định giá 200.000 USD. Leviev, khi đó mới 15 tuổi, thề sẽ làm giàu không sai một carat từ kim cương. Trước sự phản đối của cha mình, ông vẫn từ bỏ việc học và theo đuổi kim cương.

Ông mở xưởng cắt của riêng mình vào năm 1977 - khi sự đầu cơ trên thị trường kim cương đang phát triển của Israel không được kiểm soát. Khi thị trường sụp đổ ba năm sau đó, các ngân hàng ngừng cấp tín dụng và nhiều nhà máy cắt phá sản. 

Tuy nhiên, điều này không đủ để khuất phục Leviev. Ông đã mở rộng số lượng máy cắt của mình lên 12 nhà máy nhỏ trong vòng 5 năm. Sau đó, máy cắt của ông có thể tạo ra các mô hình 3-D kỹ thuật số của các vết cắt kim cương khác nhau, có độ chuẩn xác cao. 

Charles Wyndham, đồng sáng lập của WWW International Diamond Consultants và là cựu giám đốc bộ phận bán hàng của De Beers nói rằng: "Một phần thiên tài của ông ấy, đã kết hợp công nghệ tiên tiến để tạo ra chính xác những gì mà thị trường mong muốn".

Năm 1987, De Beers mời Leviev trở thành nhân viên quan sát, một vị trí mà không phải ai cũng được làm. Thời điểm đó, ông là một trong những nhà sản xuất đá mài bóng lớn nhất của Israel. 

Hai năm sau, tập đoàn khai thác và bán kim cương do nhà nước điều hành của Nga, hiện có tên là Alrosa, đã đề nghị Leviev giúp họ thành lập các nhà máy cắt của riêng mình trong một liên doanh có tên Ruis. Tới những năm 2003, Leviev sở hữu 100% cổ phần Ruis, công ty cắt kim cương trị giá 140 triệu USD.

Sau này, các mối quan hệ đối tác của ông ở Nga, Angola và Namibia thể hiện một phần trong cuộc chơi của Leviev về quyền sở hữu trực tiếp các nguồn cung cấp thô - đa dạng hóa về mặt địa chính trị.

Leviev từng tự hào rằng: "Tôi là đại lý kim cương tích hợp theo trục dọc các quy trình duy nhất trên thế giới." Tuy nhiên, De Beers cũng đang phát triển. Việc mất vị thế thống lĩnh thị trường đã đẩy công ty vào bước cuối cùng của ngành bán lẻ. 

Công ty đã thành lập một liên doanh với LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton, được công bố vào năm 2000, để tạo ra một thương hiệu cao cấp có thể mang lại sự sang trọng hơn cho những viên kim cương không có thương hiệu. 

Tuy nhiên, cho đến nay, liên doanh này vẫn chưa thực sự hoạt động hiệu quả. Dù vậy, cách làm của De Beers cũng là khởi nguồn cho xu hướng mới, được chính Leviev làm theo sau này.

Cuối cùng, bên cạnh việc là một nhà khai thác kim cương hàng đầu thế giới, Leviev cũng là một người yêu thích công việc từ thiện, đặc biệt là với người Do Thái. Ông từng hỗ trợ thành lập trường học cho người Do Thái ở nhiều quốc gia khác nhau. 

"Những gì tôi làm là thể hiện sự trung thành với tổ tiên. Tôi muốn đem đến một nơi mà mọi người có thể tự tin nói rằng mình là người Do Thái", ông chia sẻ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ke-lua-dao-tinder-simon-leviev-mao-nhan-ty-phu-kim-cuong-la-cha-vi-tong-tai-ngoai-doi-that-giau-co-nao-20220216105901813.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/