Homestay gặp khó, kẻ sang nhượng, người trả mặt bằng

Từng là một kênh đầu tư sinh lời, nhiều chủ homestay bỗng lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan do tác động nặng nề của dịch Covid-19 lên nguồn khách lưu trú.

Hai tháng trở lại đây, thị trường nhà nghỉ, khách sạn bắt đầu chứng kiến xu hướng bán lại, sang nhượng ở nhiều khu vực, đặc biệt là khu trung tâm các thành phố lớn do sụt giảm lượng khách lưu trú dưới tác động của dịch Covid-19.

Trong đó, một bộ phận không nhỏ người đầu tư mô hình homestay cũng buộc phải trả lại mặt bằng hoặc sang nhượng với giá thấp.

Nguồn thu chục triệu/tháng trở thành khoản nợ

Năm 2018, anh Hồng Khang (27 tuổi) cùng hai người bạn của mình góp 200 triệu đồng để đầu tư một căn homestay trên phố Hàng Giày (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

"Chúng tôi thuê 4 tầng của một căn nhà với giá 15 triệu đồng/tháng. Do homestay được chủ trước nhượng với giá tốt nên không phải đầu tư quá nhiều. Chi phí lớn nhất là tiền thuê mặt bằng với thời hạn thanh toán 6 tháng 1 lần và đặt cọc 1 tháng", anh Khang chia sẻ với Zing.

Theo tính toán, với khoản đầu tư ban đầu không quá lớn cùng với hoạt động cho thuê ổn định thì anh có thể hoàn vốn chỉ trong 18 tháng đến 2 năm. Tuy nhiên, do lượng khách giảm đột ngột cùng với việc không biết chắc dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu khiến anh Khang chấp nhận trả mặt bằng chỉ sau 1 năm kinh doanh.

Homestay gặp khó, kẻ sang nhượng, người trả mặt bằng - Ảnh 1.

Với vốn đầu tư không nhỏ, nhiều chủ homestay đang gặp khó khi nhu cầu du lịch sụt giảm. Ảnh: TL.

"Thời điểm trước dịch, chúng tôi thu về khoảng hơn 30 triệu đồng. Lợi nhuận từ homestay này khá ổn định sau khi trừ đi các khoản chi phí cố định. Khi dịch bùng phát, tôi cũng muốn sang nhượng lại nhưng không có nhiều người hứng thú nên chúng tôi chỉ thanh lý một phần đồ đạc với giá rẻ rồi trả lại mặt bằng", anh Khang nói thêm.

Không chỉ ở Hà Nội, tại một số khu vực trung tâm TP.HCM như quận 1, quận 3, Phú Nhuận, nhiều homestay cũng đang được chủ sang nhượng hoặc bán lại do không có khách thuê một thời gian dài, trong khi chủ thường là những người trẻ, vốn đầu tư chủ yếu phải vay từ nhiều nguồn.

Buộc phải đổi mô hình kinh doanh

Trong khi anh Khang và nhóm bạn vẫn được coi là khá "may mắn" do khoản đầu tư nhỏ và không chịu lỗ quá nhiều thì anh Long, chủ của nhiều homestay khác nhau tại khu vực quận 1 (TP.HCM) lại đang gặp khó do vốn đầu tư lớn.

"Riêng một căn homestay 100 m2 tại phường Nguyễn Thái Bình mình đã bỏ ra 300 triệu để cải tạo lại. Ngoài ra còn một số căn nhỏ hơn nữa nhưng tổng chi phí ban đầu khá cao nên không thể bỏ được", anh chia sẻ.

Để đảm bảo nguồn thu, anh Long quyết định chuyển hướng từ kinh doanh phòng nghỉ qua cho thuê căn hộ dịch vụ dài hạn.

“Chúng tôi buộc phải chuyển sang mô hình mới với mức giá cho thuê kịch sàn, chỉ lấy một khoản lãi rất nhỏ. So với mặt bằng căn hộ cho thuê chung của khu vực, đây cũng là mức giá rất thấp”, anh Long nói thêm.

Bên cạnh đó, không ít người thuê căn hộ chung cư để thiết kế lại và kinh doanh homestay với giá 15-20 triệu đồng/tháng cũng đang lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan do giá thuê cao, trong khi nhiều dự án từ chối cho khách thuê trong ngắn hạn để phòng tránh lây lan dịch bệnh.

Homestay gặp khó, kẻ sang nhượng, người trả mặt bằng - Ảnh 2.

Cho thuê dài hạn là một cách các chủ homestay giữ lại nguồn vốn ban đầu. Ảnh: TL.

Nói với Zing, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc chi nhánh TP.HCM của Batdongsan.com.vn nhận định căn hộ cho thuê là phân khúc bị ảnh hưởng tương đối lớn trong thời gian qua với mức quan tâm sụt giảm 15% so với quý trước. 

Với tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp ở các nước châu Âu, châu Mỹ và một số quốc gia trong khu vực, nhu cầu thuê căn hộ trong ngắn hạn sẽ tiếp tục giảm sút.

Theo CBRE, sau khi đạt kỷ lục về lượng khách quốc tế với 18 triệu lượt trong năm 2019, Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm về khách quốc tế trong quý I/2020 ở mức 18.1% so với cùng kỳ 2019, đồng thời lượng khách nội địa cũng giảm 18% so với cùng kỳ.

Công suất khách sạn ở Hà Nội và TP.HCM trong tháng 3 giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2019, lượng khách quốc tế cũng giảm mạnh đến 68,1% so với tháng 3 năm trước. Giá phòng bình quân giảm 6,6% ở Hà Nội và 12,7% ở TP.HCM, so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Du lịch Việt Nam ước tính thiệt hại cho ngành du lịch trong giai đoạn tháng 2 đến tháng 4 có thể lên đến 5,9 - 7,7 tỷ USD.

Khách sạn lớn cũng thiếu hụt dòng tiền

Theo cáo cáo mới nhất về đầu tư khách sạn của JLL, tác động của Covid-19 cũng như các biện pháp đóng cửa biên giới và thắt chặt đường hàng không khiến hàng loạt khách sạn tại khu vực châu Á phải đối mặt với công suất cho thuê thấp chưa từng có trong lịch sử. Nhiều khách sạn lâm vào khủng hoảng tiền mặt do doanh thu sụt giảm khiến người kinh doanh phải tìm các giải pháp tài chính khác nhau.

Ông Adam Bury, Giám đốc bộ phận Tư vấn và Đầu tư Khách Sạn của JLL cho biết, việc hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng buộc khách sạn phải tìm phương án huy động vốn ngắn hạn từ những đối tác có nguồn vốn dồi dào.

“Chúng tôi đã nói chuyện với nhiều đơn vị khách sạn và bên cho vay, các bên đang nỗ lực hợp tác với nhau nhằm giảm thiểu nguy cơ vỡ nợ. Nhiều chủ sở hữu phải tìm nguồn vốn mới để bình ổn hoạt động kinh doanh và giảm bớt tác động của suy thoái cho đến khi nhu cầu thị trường trở lại”, ông Adam nói.

“Hầu hết doanh nghiệp bất động sản đang trong giai đoạn cầm cự vì gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Ngoài việc cắt giảm chi phí một cách triệt để, các chủ sở hữu khách sạn đang hướng đến giải pháp trung hạn thông qua việc tìm kiếm vốn đầu tư bằng cách phát hành trái phiếu hoặc tìm kiếm cơ hội vay từ các tổ chức tín dụng với điều kiện cho vay linh hoạt hơn hoặc dài hạn hơn thông qua việc hợp tác đầu tư với đối tác bằng hình thức chuyển đổi cổ phần,” bà Trang Võ, Giám đốc bộ phận Tư vấn và Đầu tư khách sạn của JLL Việt Nam chia sẻ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/homestay-gap-kho-ke-sang-nhuong-nguoi-tra-mat-bang-20200510081859525.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/