Hồi sinh bản sắc đô thị sông nước

Sài Gòn ba trăm năm trước, từ khởi thủy đã là một đô thị nằm giữa lòng sông nước với hệ thống kênh rạch chằng chịt.

avatar_1568594815462

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một trong những hy vọng hồi sinh bản sắc Sài Gòn xưa

PGS-TS Nguyễn Hồng Thục, Viện Nghiên cứu định cư và con người, cho biết do có những gò đất cao nằm giữa các sông rạch nên Sài Gòn là nơi tụ cư sớm nhất, lại nằm giữa đầu mối giao thông giữa đông - tây, Cao Miên và cao nguyên, mà hình thành đô thị một cách thuận lợi.

Người Sài Gòn xưa đi lại bằng ghe, thuyền

Theo đó, gò đất cao nhất, được người Việt khai phá đầu tiên, đặt tên là Tân Khai (đỉnh là khu vực đài truyền hình ngày nay), trải dài từ rạch Thị Nghè đến ngã ba sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé (còn gọi là kênh Tàu Hủ). 

Từ gò Tân Khai nhìn ra bốn hướng đều là các ao hồ, kênh rạch, sông suối đan xen chằng chịt với rừng rẫy, gò đồi. Người Sài Gòn xưa đi lại phần lớn bằng ghe thuyền trên hai con kênh lớn Thị Nghè và Bến Nghé để lượn ra con sông mẹ êm đềm, tạo nên bản sắc văn hóa của vùng đất khoáng đạt này.

Mảnh đất Sài Gòn đã lớn lên với chính bản sắc sông nước của mình, làm nên một di sản cảnh quan đô thị nước: đất ngập nước, rừng sác, kênh rạch, đầm hồ, xưởng tàu, bến cảng... với hằng hà sa số các hoạt động trên những con nước, là văn hóa cội nguồn của đô thị cho đến nay.

Thế nhưng, cùng với yêu cầu của sự phát triển giao thương giữa “Hòn ngọc Viễn Đông” với các nước láng giềng trong cả vùng Đông Nam Á, các con rạch nhỏ đã từng bước được xây sửa, mở rộng và nối dài thành kênh đào lớn để tiện cho giao thông thủy. 

Tuy nhiên cũng từ đó, xu hướng bê tông hóa bắt đầu lan rộng. Đầu thế kỷ 20, nhiều con kênh thông với sông Sài Gòn đã bị san lấp để làm các đại lộ và đường phố rộng lớn. Trong khoảng 20 năm tiếp theo, cả khu ao hồ sình lầy rộng lớn (đầm Boresse) đã được xây dựng thành khu phố chợ Bến Thành và nhà ga xe lửa trung tâm. 

Năm 1928, chợ Bình Tây ra đời cũng trên nền một xưởng đóng thuyền trên kênh Hàng Bàng, đánh dấu thời kỳ mở rộng Sài Gòn về hướng tây nam. Trong nhiều thập niên sau đó, một loạt ao hồ, rạch suối lớn nhỏ ở khắp Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định dần dần bị lấp làm đất ở. 

Đô thị phát triển nhanh chóng, dân số bùng nổ, dọc hai tuyến kênh lớn của TP là kênh Bến Nghé - Tàu Hủ và Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã bị ô nhiễm nghiêm trọng và từng đứng trước nguy cơ bị bê tông hóa, chất tải thêm “núi” cao ốc chọc trời.

Bà Nguyễn Hồng Thục đánh giá khoảng 10 năm trở lại đây, TP cũng đã dần nhìn nhận ra các sai lầm từ quy hoạch cũ, cố gắng công sức để phục hồi, mở rộng và làm sạch để trở thành hai tuyến trên bộ dưới thủy với dải cây xanh theo nó cùng nhiều tiện ích dân sinh.

Tuy nhiên cả 2 tuyến kênh này vẫn còn tiềm ẩn nhiều tài nguyên vô giá để hồi sinh bản sắc đô thị TP.HCM đáp ứng xu hướng đô thị cảnh quan xanh. 

Cụ thể, Xí nghiệp đầu máy xe lửa Sài Gòn có tổng diện tích lên đến gần 8 ha trải dài cạnh bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với ba nhà xưởng vòm cong tuyệt đẹp, cùng khu vực cầu quay đầu máy và đoạn đường sắt kết nối với ga Hòa Hưng có thể được quy hoạch thành bảo tàng di sản đường sắt phục vụ khách du lịch. 

Có thể điểm xuyết thêm bằng các cuộc đua thuyền, bơi chải. Bên cạnh đó, hai con đường đôi bờ kênh chạy dọc Nhiêu Lộc - Thị Nghè là Hoàng Sa, Trường Sa chính là không gian sông nước lớn, đủ sức tái tạo lịch sử khai phá của một đô thị giữa sông nước và kết nối hoạt động dân cư vào dải xanh khổng lồ này.

Một Venice trong lòng Sài Gòn?

Đồng tình với quan điểm quy hoạch đô thị xanh, hồi sinh bản sắc của TP.HCM là đô thị sông nước, KTS Ngô Viết Nam Sơn kỳ vọng thêm: TP.HCM hoàn toàn có thể tính đến việc “biến” các vùng trũng thành những đô thị vệ tinh kiểu sông nước như Venice (Ý).

Cụ thể, TP.HCM đang phát triển đô thị theo hướng đa trung tâm bao gồm khu lõi và các khu vệ tinh. Lấy trung tâm TP.HCM làm lõi thì cần phát triển đô thị về mọi phía, bao gồm cả phía biển. 

Tuy nhiên, quy hoạch đô thị về phía biển không phải đơn giản, có những đặc thù riêng. Đơn cử, càng về phía đất thấp, quy hoạch càng phải tăng diện tích cây xanh, giữ lại nhiều diện tích mặt nước và hạn chế diện tích đô thị. 

Tức là, các vùng đất thấp vẫn cho phép phát triển đô thị nhưng yêu cầu phải dành ít nhất 50% diện tích cho cây xanh và mặt nước, như vậy mới có thể phát triển bền vững.

“Khi phát triển vùng đất thấp, phải quy hoạch phát triển giao thông thủy. Khu nam TP hiện nay đang phát triển về hướng biển, trong quy hoạch cũng đã có thiết kế tính toán việc kết nối bằng giao thông thủy đến trung tâm. 

Nếu TP thực hiện đúng theo quy hoạch, quan tâm phát triển đường sông thì sẽ hỗ trợ rất tốt cho đường bộ hiện tại cũng như giao thông TP trong tương lai”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.

“Trải qua bao thăng trầm, hai con kênh lớn nhất TP đang trở thành niềm hy vọng duy nhất vực dậy bản sắc sông nước của Sài Gòn, ngay tại trung tâm lịch sử TP. Chúng có thể vừa là cảnh quan lịch sử, vừa là giao thông thủy và là môi trường trong lành như lá phổi TP. 

Do đó, cùng với công tác quy hoạch, đầu tư và xây dựng hai bên kênh, cần nhất là có tầm nhìn khai thác quỹ đất bao quanh nó thành một cấu trúc không gian xanh đậm bản sắc văn hóa - lịch sử sông nước của Sài Gòn. Muốn vậy phải chú trọng vào chức năng cảnh quan, công cộng, đi bộ và kết nối các công trình lịch sử. 

Tránh việc chỉnh trang để chất tải nhà cao tầng, chất tải dân cư phá nát cơ hội phát triển TP xanh và cơ hội “thở sạch” của Sài Gòn”, bà Nguyễn Hồng Thục lưu ý.

(function(d,a,b,l,e,_) { if(d[b]&&d[b].q)return;d[b]=function(){(d[b].q=d[b].q||[]).push(arguments)};e=a.createElement(l); e.async=1;e.charset='utf-8';e.src='//static.dable.io/dist/plugin.min.js'; _=a.getElementsByTagName(l)[0];_.parentNode.insertBefore(e,_); })(window,document,'dable','script'); dable('setService', 'thanhnien.vn'); dable('sendLogOnce'); dable('renderWidget', 'dablewidget_G7ZJbw7W');

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/hoi-sinh-ban-sac-do-thi-song-nuoc-20190916075230955.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/