Hòa Phát dự kiến trả cổ tức 35%, mục tiêu lợi nhuận tăng 33%

Năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) phấn đấu doanh thu đạt 120.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 18.000 tỷ đồng, đều tăng trưởng hơn 30% so với năm ngoái.

Hòa Phát dự kiến trả cổ tức 35%, mục tiêu lợi nhuận tăng 33% - Ảnh 1.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát. (Ảnh: Bloomberg).

Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát vừa thông qua nghị quyết về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 để trình đại hội cổ đông thường niên sắp tới đây.

Theo nghị quyết này, kế hoạch doanh thu dự kiến là 120.000 tỷ đồng, tăng trưởng 31,5% so với thực hiện năm 2020. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất 18.000 tỷ đồng, tăng 33,2%.

Hội đồng quản trị cũng đề xuất trả cổ tức năm 2020 tỷ lệ 35%, trong đó có 30% là bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II và III/2021. Hiện nay, số cổ phiếu HPG đang lưu hành là 3,31 tỷ đơn vị, tức là Hòa Phát sẽ cần chi khoảng 1.655 tỷ đồng tiền mặt và xấp xỉ 1 tỷ cổ phiếu mới để trả cổ tức.

Tỷ lệ cổ tức năm 2021 dự kiến là 30%, chưa rõ bao nhiêu bằng cổ phiếu và bao nhiêu bằng tiền mặt. 

Trước đó, Hòa Phát đã lên kế hoạch tiêu thụ 5 triệu tấn phôi thép và thép xây dựng cùng 2,7 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) trong năm 2021.

Năm 2020, Hòa Phát ghi nhận doanh thu hợp nhất từ bán hàng và cung cấp dịch vụ 91.279 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 13.506 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 41% và 78% so với thực hiện năm trước, đồng thời cũng vượt xa kế hoạch đề ra.

Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2019 tỷ lệ 25%, trong đó bằng tiền mặt 5% và bằng cổ phiếu 20%.

Hòa Phát vượt Formosa

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong cả năm ngoái, Hòa Phát tiêu thụ 3,4 triệu tấn thép xây dựng và 822.000 tấn ống thép, dẫn đầu thị phần ở cả hai phân khúc sản phẩm này. 

Ngoài ra, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long còn bán ra 577.000 tấn HRC, chỉ đứng sau Formosa Hà Tĩnh.

Hòa Phát dự kiến trả cổ tức 35%, mục tiêu lợi nhuận tăng 33% - Ảnh 2.

Sản lượng và thị phần của Hòa Phát trong năm 2020. (Nguồn: Song Ngọc tổng hợp số liệu từ VSA; Đồ họa: Đức Bùi).

Trong hai tháng đầu năm 2021, Hòa Phát đã tiêu thụ 376.000 tấn thép xây dựng, tiếp tục dẫn đầu với thị phần 29,4%. Sản lượng ống thép và HRC bán ra đạt tương ứng 93.200 tấn và 428.000 tấn, lần lượt đứng số 1 và số 2 thị phần.

Tổng sản lượng thép thô Hòa Phát cho ra lò trong 2 tháng qua là xấp xỉ 1,3 triệu tấn, cao hơn 260.000 tấn so với Formosa Hà Tĩnh. 

Từ tháng 9/2020 khi lò cao số 3 tại Khu liên hợp Dung Quất đi vào hoạt động cho đến nay, Hòa Phát liên tục là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam. Đầu tháng 1/2021, Hòa Phát đưa lò cao số 4 - cũng là lò cao cuối cùng của Khu liên hợp Dung Quất - vào vận hành, nhờ đó mà củng cố vị thế dẫn đầu về tổng sản lượng thép.

Hòa Phát dự kiến trả cổ tức 35%, mục tiêu lợi nhuận tăng 33% - Ảnh 3.

Mở rộng công suất, tập trung vào HRC

Hội đồng quản trị Hòa Phát dự kiến sẽ trình đại hội cổ đông thường niên năm 2021 tới đây thông qua phương án đầu tư 85.000 tỷ đồng để mở rộng Khu liên hợp tại Dung Quất. Công suất dự kiến là 5,6 triệu tấn thép một năm, trong đó thép dẹt (bao gồm HRC) là 4,6 triệu tấn; thép thanh, thép dây chất lượng cao là 1 triệu tấn.

Trong thời gian gần đây, giá HRC liên tục tăng cao. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giá HRC (tiền hàng cộng cước vận tải CFR cảng Đông Á) ngày 4/3 năm nay là 710 USD/tấn, tăng mạnh so với mức 663 USD tại ngày 18/2 và đã vượt qua mốc 700 USD từng đạt được vào ngày 8/12/2020.

Theo S&P Global Platts, ngày 12/3 vừa qua, giá HRC nội địa tại Mỹ là 1.432 USD/tấn, cao gấp gần ba lần tháng 8 năm ngoái. Nguyên nhân là tình trạng khan hiếm nguyên liệu thô.

Tại Thượng Hải, giá HRC cùng ngày 12/3 là 4.950 nhân dân tệ, tương đương 761 USD, mỗi tấn. Việc thủ phủ thép Đường Sơn cắt giảm sản lượng theo kế hoạch nhiều khả năng sẽ đẩy giá HRC tiếp tục lên cao.

Hòa Phát còn đang có kế hoạch xây dựng hai nhà máy sản xuất vỏ container với tổng công suất hàng năm là 500.000 TEU (đơn vị tương đương container loại 20 feet). Dự kiến các nhà máy sẽ bắt đầu cho ra thành phẩm từ quý II/2022 và sử dụng khoảng 1 triệu tấn HRC mỗi năm. 

Việc Hòa Phát tự chủ được nguồn thép nguyên liệu sẽ là một ưu thế lớn so với các doanh nghiệp khác do thép chiếm tới 50-55% tổng chi phí sản xuất container.

Vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các container hàng hóa bị tắc nghẽn tại nhiều cảng ở Âu - Mỹ, dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn cung tạm thời, đẩy giá thuê container lên cao gấp 2-3 lần so với trước dịch.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/hoa-phat-du-kien-tra-co-tuc-35-muc-tieu-loi-nhuan-tang-33-20210325171226214.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/