Hệ lụy từ biến đổi khí hậu

Triều cường nhấn chìm đô thị, mưa biến quốc lộ thành sông... phần nào do những hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều kéo theo tình trạng ngập lụt lan nhanh và rộng.

avatar_1570494995082

Hiện trường sạt lở QL91, đoạn thuộc ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, H.Châu Phú, An Giang vào tháng 8.2019Ảnh: Linh Giang

Ngập không “tha” vùng nào

Hơn 18 giờ ngày 6.10, cơn mưa lớn bắt đầu đổ xuống nhiều khu vực tại Đồng Nai, kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ gây ngập nghiêm trọng. Đặc biệt, quốc lộ (QL) 51 (nối TP.HCM và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đoạn đi qua TP.Biên Hòa ngập sâu gần cả mét. Gần 3 km từ cổng 11 đến ngã tư Vũng Tàu, đường như sông, xe máy đến ô tô chết máy la liệt, nổi lềnh bềnh trên mặt nước. 

Nhiều khu dân cư vùng thấp trũng lân cận như Trảng Dài, Trảng Bom, Phước Tân, Long Bình... mênh mông nước. Cùng chung cảnh ngộ, QL1K, đoạn thuộc KP.Châu Thới, P.An Bình, TX.Dĩ An (Bình Dương) cũng ngập sâu, có nơi ngập sâu hơn 1 m.

Hệ lụy từ biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Triều cường gây ngập trên đường Mễ Cốc (Q.8, TP.HCM)Ảnh: Ngọc Dương

Trước khi ra tới các tuyến QL, mưa kết hợp với triều cường lên đỉnh bất thường cũng đã dẫn nước về bao vây toàn TP.HCM suốt hơn 1 tuần qua. Bắt đầu từ chiều 29.9, triều cường tại TP.HCM đạt 1,66 m tại trạm Phú An và 1,65 m tại Nhà Bè, vượt báo động 3 (1,5 m), nhiều tuyến đường gần sông rạch ngập nặng, người dân di chuyển khó khăn.

Triều lên nhanh, bất ngờ còn đánh sập cả tuyến bờ kè khu vực cầu Kênh Ngang số 3 nằm trên đường Mễ Cốc (P.15, Q.8), mở đường cho nước từ kênh Lò Gốm đổ vào xâm chiếm nhà cửa của hàng trăm hộ dân sinh sống tại khu vực này. 

Ngay sau đó, dù được dự báo sẽ lên khoảng 1,7 m nhưng thực tế, đỉnh triều đo được ngày 30.9 tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) đã đạt mốc 1,77 m và lên tới 1,80 m tại trạm Nhà Bè (sông Đồng Điền). Mặc dù chưa phải thời điểm đạt đỉnh nhưng đợt thủy triều trong tháng 9 vừa qua tại TP.HCM đã phá vỡ kỷ lục đỉnh triều cao nhất trong 3 năm trở lại đây: 1,72 m vào tháng 12.2017.

Không chỉ nhiều đô thị trung du, các tỉnh, thành vùng núi hay thậm chí miền biển cũng... đang rơi vào tình cảnh cứ mưa là ngập sâu. Đầu tháng 9, rất nhiều tuyến đường chính và nhà người dân tại TP.Thái Nguyên bất ngờ ngập nặng sau trận mưa lớn kéo dài. 

Trước đó, TP cao nguyên Đà Lạt cũng khiến người dân cả nước không khỏi kinh ngạc khi chìm trong biển nước chỉ sau một cơn mưa. Đảo ngọc Phú Quốc cũng không thoát khỏi cảnh ngập lụt trên diện rộng, dù bao quanh hòn đảo là biển.

Hệ lụy từ biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

Người dân Cần Thơ khổ sở buôn bán ế ẩm vì ngập Ảnh: Đình Tuyển

Thiên tai dị thường liên tục xuất hiện


Việc ngập lụt diện rộng và tại nhiều địa phương, từ phố ra cả quốc lộ là một trong những hệ lụy từ sự quản lý manh mún, xé lẻ quy hoạch. Anh giao thông có dự án đường là làm, anh xây dựng cho xây nhà bừa bãi, anh nông nghiệp không nắm được thông tin…

KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội

Theo các chuyên gia, ngập lụt, sụt lún đang ngày càng lan rộng, lan nhanh là hệ lụy từ biến đổi khí hậu. 

Lý giải đợt triều cường lên cao bất thường tại TP.HCM, chuyên gia khí tượng thủy văn Lê Thị Xuân Lan cho biết do sự tác động từ gió chướng (gió có yếu tố hướng đông như gió đông đông bắc...) kéo dài khoảng 4 - 5 ngày trước đợt thủy triều, mang theo đà sóng của biển khiến nước bị dồn vào cảng cửa sông, đẩy thủy triều dâng mạnh.

“Đợt nước lên này vẫn chưa phải lớn nhất vì tần suất thủy triều lên nhiều hơn, cao hơn thường rơi vào khoảng tháng 11. Từ giờ đến cuối năm còn khoảng 5 đợt triều cường lớn, trong đó ít nhất 1 - 2 đợt đỉnh triều có thể chạm hoặc phá kỷ lục vừa thiết lập”, bà Lan dự đoán.

Nhìn lại khoảng 1 thập niên qua, thủy triều tại TP.HCM đang có xu hướng ngày càng lên cao, năm sau “đè” năm trước. Cụ thể, tháng 10.2013, lần đầu tiên TP.HCM đón đợt triều cao chạm mốc 1,68 m. 

Đúng 1 năm sau, tháng 10.2014, đỉnh triều 1,68 m tiếp tục lặp lại và ngay sau đó xác lập kỷ lục mới: 1,70 m vào tháng 12. Duy trì thêm vài năm, đến 2017, mực nước triều dâng tại TP.HCM lên tới 1,72 m và chính thức cán mốc 1,80 m vào tháng 9 vừa qua.

Hệ lụy từ biến đổi khí hậu - Ảnh 5.

Ngập nước nhiều tuyến đường ở Cần ThơẢnh: Đình Tuyển

Ngoài TP.HCM, ĐBSCL là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu kéo theo thiên tai dị thường. Chỉ trong vòng 3 tháng, các tỉnh, thành hạ nguồn ĐBSCL phải hứng chịu liên tiếp 2 đợt nước rút, nước lên kỷ lục làm xáo trộn đời sống người dân, chính quyền cũng trở tay không kịp.

Giữa tháng 7, khi Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế xác nhận rằng mực nước đầu mùa lũ tháng 6 - 7 năm nay trên dòng Mê Kông đang ở mức thấp nhất trong vòng 100 năm, thì cũng là lúc mực nước ở ĐBSCL rút xuống mức rất thấp so với cùng kỳ. 

Hằng năm vào dịp này nước sông Mê Kông đã ngập trắng đồng, nhưng nay nước không về, vài chục ngàn người dân các tỉnh miền Tây gặp rất nhiều khó khăn. Chờ mãi nước không về, nhưng chỉ 2 tháng sau, các đô thị hạ nguồn lại hứng chịu trận ngập kinh hoàng nhất trong 30 năm qua. 

Tại Cần Thơ, mực nước trên sông Hậu đã lên đến mức 2,25 m (ngày 30.9), vượt kỷ lục 2,23 m của năm 2018 và là mức triều cường cao nhất trong vài chục năm qua.

TS Lê Xuân Thuyên, Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận những thiên tai dị thường, diễn biến cực đoan của thời tiết như trên là biểu hiện rõ nét của tác động từ biến đổi khí hậu. 

Nếu ngày trước lượng mưa trung bình năm đo được khoảng 2.000 mm/năm, bây giờ đạt 2.100 - 2.200 mm/năm, không ai thấy tăng nhiều, nhưng thực tế thì mưa không diễn biến như thường lệ mà đi về các thái cực, lúc ít quá, lúc lại đổ xuống nhiều quá. Hay như nước triều dâng, thay vì lên đỉnh vào tháng 11, tháng 12 thì nay lại lên cao ngay từ tháng 9.

“Diễn biến thời tiết cực đoan khiến các biện pháp ứng phó rất bị động. Cùng lúc mưa ào xuống, triều ào lên thì không hệ thống thoát nước nào chịu nổi”, ông Thuyên nói.

Cao ốc, văn phòng chặn đường thoát nước

ĐBSCL thiệt hại từ 130 - 190 triệu USD mỗi năm

Ngày 7.10 tại TP.Cần Thơ, Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo "Hoàn thiện chính sách, pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu tại VN". Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng luật Bảo vệ môi trường năm 2014, qua 5 năm triển khai thực hiện, ngoài những kết quả đạt được thì vẫn còn một số bất cập như: hành lang pháp lý cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu cần được tiếp tục phát triển, hoàn thiện thông qua quy định cụ thể trong một số lĩnh vực, mặt khác các quy định về biến đổi khí hậu trong luật chỉ tập trung vào khía cạnh thách thức mà chưa thể hiện được hết vấn đề của biến đổi khí hậu.

Theo GS-TS Mai Trọng Nhuận, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia biến đổi khí hậu, việc tích hợp chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững tạo thành giá trị gia tăng, là giải pháp sống còn cho vùng ĐBSCL.

Ông Marcel Reymond, Trưởng bộ phận phát triển - Đại sứ quán Thụy Sĩ tại VN, cho biết mỗi năm thiệt hại do ngập lụt gây ra cho vùng ĐBSCL từ 130 - 190 triệu USD, đây là những thiệt hại trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, việc khai thác cát ảnh hưởng tới hệ sinh thái, tác động đến dòng chảy và vùng hạ lưu đang gánh chịu, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân.

Mai Trâm


Năm 2000, cả nước mới có gần 650 đô thị, tỷ lệ dân số đô thị là 25%, nhưng tính đến giữa năm nay đã có tới gần 830 đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh, đạt 38% năm 2018 và bình quân mỗi năm tăng thêm 1%. Tốc độ gia tăng đô thị hóa tại Hà Nội, TP.HCM thậm chí lên tới 3%/năm.

Theo TS Lê Xuân Thuyên, biến đổi khí hậu một phần nguyên nhân rất lớn là do tác động của con người. Tại các TP lớn, tình trạng bê tông hóa diễn ra ngày càng kinh khủng. Cao ốc, nhà cao tầng không chỉ khiến hiệu ứng nhiệt tăng lên, lưu thông không khí bị cản lại mà còn lấp hết các đường thoát nước tự nhiên, gây ngập úng triền miên.

Với Hà Nội, thống kê năm 1995 có 2.100 ha mặt nước hồ nhưng hiện nay diện tích mặt nước hồ chỉ còn khoảng hơn 1.100 ha. Ao hồ san lấp là hàng loạt chung cư cao tầng mọc lên, hệ thống thoát nước không theo kịp tốc độ đô thị hóa, dòng chảy bị lấn chiếm.

Hệ lụy từ biến đổi khí hậu - Ảnh 7.

Triều cường gây ngập trên đường Mễ Cốc (Q.8, TP.HCM)Ảnh: Ngọc Dương

KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, nhận định vài năm trở lại đây, ngập lụt diễn ra nhiều và nặng nề hơn trước do các đô thị đều đang thiếu không gian bán ngập, thiếu ao hồ và hệ thống tiêu thoát nước đồng bộ. 

“Nhiều TP trên thế giới đã quy hoạch ngược phục hồi các vùng bán ngập, vùng trũng ngập để lấy nước sạch, giảm nhẹ nước ô nhiễm bổ sung nước ngầm”, ông đề xuất.

“Việc ngập lụt diện rộng và tại nhiều địa phương, từ phố ra cả QL là một trong những hệ lụy từ sự quản lý manh mún, xé lẻ quy hoạch. Anh giao thông có dự án đường là làm, anh xây dựng cho xây nhà bừa bãi, anh nông nghiệp không nắm được thông tin… 

Đảng, Chính phủ đã nhìn xa khi cho ra đời luật Quy hoạch tích hợp các ngành, nhưng trong triển khai vẫn mỗi bộ ngành “cát cứ” một góc dẫn đến lệch pha”, theo KTS Trần Huy Ánh.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/he-luy-tu-bien-doi-khi-hau-20191008074857092.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/