Hé lộ đoạn tin nhắn giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu giới tiền mã hoá ngay trước thềm FTX phá sản

Theo The New York Times, các nhà lãnh đạo hàng đầu của giới tiền ảo có một nhóm chat trên ứng dụng Signal và sự nghi ngờ về hoạt động của FTX được đặt ra ngay trước khi hệ thống này sụp đổ, kéo theo sự đổ vỡ dây chuyền của nhiều công ty tiền kỹ thuật số khác.

Changpeng Zhao, CEO Binance, sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới. (Ảnh: Reuters).

Trên Signal có một nhóm chat gồm nhiều lãnh đạo cấp cao của ngành công nghiệp tiền mã hoá. Một ngày trước khi sàn giao dịch tiền mã hoá FTX đệ đơn xin phá sản, Changpeng Zhao, CEO Binance, gửi một tin nhắn đến Sam Bankman-Fried, người sáng lập FTX.

Ông Zhao lo lắng về việc những gì Bankman-Fried đang làm có thể khiến cả ngành công nghiệp tiền số chìm sâu vào khủng hoảng. “Dừng lại ngay, đừng gây thêm thiệt hại nữa”, ông Zhao chia sẻ trong một nhóm trò chuyện có Sam Bankman-Fried và nhiều lãnh đạo tiền số khác hôm 10/11. “Anh càng làm hại nhiều thì càng phải ở tù lâu hơn”, ông Zhao nói.

FTX và quỹ phòng vệ chị em, Alameda Research, đã sụp đổ sau đợt đề nghị rút tiền ồ ạt của khách hàng để lộ khoảng trống 8 tỷ USD trong tài khoản của nó. Sự sụp đổ của FTX khiến nhiều người hoài nghi về tương lai của ngành công nghiệp tiền số.

Loạt tin nhắn giữa ông Zhao và Bankman-Fried cho thấy các lãnh đạo hàng đầu trong ngành tiền mã hoá đang lo ngại rằng tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn. Bên cạnh đó, nó cũng mang đến một cái nhìn hiếm hoi về cách lạ lùng mà ngành công nghiệp tiền mã hoá được vận hành với ít nhất ba lãnh đạo hàng đầu vẫn nhắn tin với nhau bằng ứng dụng Signal.

Những tin nhắn mà The New York Times có cho thấy các lãnh đạo mảng tiền số nhận thức được rằng những hành động của một công ty hoặc sự biến động giá trị của một đồng tiền cũng có thể khiến cả ngành công nghiệp lao đao.

Một tuần trước đó, ông Zhao đã đồng ý mua lại FTX và cứu công ty này trước khi “quay xe” với quyết định của mình. Trong các tin nhắn gửi đi hôm 10/11, ông Zhao tỏ ra chắc chắn về việc FTX sẽ không thể tồn tại và lo lắng rằng nó sẽ kéo theo sự đi xuống của cả ngành công nghiệp.

Hôm 10/11, ông Zhao chỉ trích cụ thể Bankman-Fried khi cho rằng anh đã dùng quỹ phòng vệ của mình để kéo giảm giá Tether, một đồng tiền stablecoin với giá được thiết kế để bằng 1 USD. Theo những tin nhắn mà The New York Times có được và nguồn tin thân cận, nhóm tò chuyện nói trên còn có nhiều lãnh đạo tiền mã hoá khác như Jesse Powell, người sáng lập sàn giao dịch Kraken, và Paolo Ardoino, Giám đốc công nghệ Tether.

Tether vẫn được xem là một trong những “xương sống” của hệ thống giao dịch tiền mã hoá toàn cầu bởi nó thường được dùng để thực hiện giao dịch. Từ lâu, người trong ngành lo ngại nếu giá Tether giảm, nó sẽ kéo theo hiệu ứng domino nhấn chìm cả ngành công nghiệp tiền số (điều này vẫn chưa xảy ra).

Về phần mình, Bankman-Fried nói rằng những cáo buộc của ông Zhao là “vô lý”.

“Giao dịch với quy mô đó không thể để lại tác động đáng kể đối với giá Tether và với những gì tôi biết, cả tôi và Alameda chưa từng cố gắng làm mất đi tính ổn định của Tether hay bất kỳ đồng stablecoin nào khác”, anh nói thêm. “Tôi đã phạm phải nhiều sai lầm trong năm qua nhưng điều này không nằm trong số đó”.

 Sam Bankman-Fried, người sáng lập FTX, trong sự kiện DealBook Summit của The New York Times, hồi tháng 11. (Ảnh: The New York Times).

FTX, một sàn giao dịch nơi người dùng có thể mua hoặc bán tiền số, sụp đổ vào đầu tháng trước khi khách hàng đổ xô đặt lệnh rút tiền, một phần sau khi ông Zhao chia sẻ trên Twitter những câu hỏi về tình hình tài chính của FTX. Hiện tại, Uỷ ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC) và Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra về khả năng FTX đã vi phạm pháp luật khi chuyển tiền của khách hàng cho Alameda.

Bộ Tư pháp cũng điều tra về việc Bankman-Fried có thể đã tham gia vào hoạt động thao túng thị trường và thực hiện các giao dịch khiến hai đồng tiền mã hoá lớn sụp đổ vào đầu năm nay.

Từ lâu, nhiều người đã cho rằng Tether rất dễ bị tổn thương và sụp đổ. Về phần mình, Tether khẳng định là một đồng stablecoin dựa vào giá trị của tiền mặt và các tài sản truyền thống mà trong khủng hoảng, tất cả các khách hàng vẫn có thể rút tiền tương đương bằng USD. Dù vậy, các nhà quản lý từng cáo buộc Tether nói dối về kho dự trữ của mình.

Bankman-Fried từng là một khách hàng lớn của Tether. Trước khi chấp thuận thương vụ với Binance, Bankman-Fried đã gặp một nhân sự cấp cao của Tether ở Bahamas, nơi FTX đặt trụ sở, và đề nghị khoản đầu tư hàng tỷ USD để vực dậy sàn giao dịch của mình. Dù vậy, Tether từ chối trợ giúp, nguồn tin nói.

Trong một tin nhắn của ông Zhao vào hôm 10/11, ông cho rằng một giao dịch 250.000 USD của Alameda chỉ đích làm mất tính ổn định của Tether.

Trả lời ông Zhao, Bankman-Fried dường như không hề lúng túng. “Hả? Tôi đang làm gì với stablecoin cơ?”. “Ông cho là một giao dịch USDT 250.000 USD có thể làm nó mất ổn định?", Bankman-Fried nói thêm.

Ông Zhao nói ông không cho rằng một giao dịch quy mô đó có thể phá huỷ Tether nhưng vẫn có thể gây ra nhiều vấn đề. “Lời khuyên thật lòng của tôi: đừng làm gì nữa. Hãy mặc vest vào, trở về Mỹ và bắt đầu trả lời các câu hỏi”, ông nhấn mạnh.

“Cảm ơn ông vì lời khuyên”, Bankman-Fried  nhắn lại.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/he-lo-doan-tin-nhan-giua-cac-nha-lanh-dao-hang-dau-gioi-tien-ma-hoa-ngay-truoc-them-ftx-pha-san-20221211214132829.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/