Hậu COVID19: Tâm lý du khách nội địa thay đổi khó lường thế nào?

Dịch bệnh toàn cầu đã làm đảo lộn mọi thói quen và tâm lý khách du lịch. Kết quả nghiên cứu của một số tổ chức độc lập cho thấy hành vi và lựa chọn của du khách sau "bão COVID-19" thay đổi bất thường.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 giống như quả bom nguyên tử, đã hủy diệt hoàn toàn ngành du lịch toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Đặc biệt, đợt bùng phát dịch mới tại Đà Nẵng từ ngày 25/7 đã khiến du lịch nội địa tưởng chừng vừa le lói “tái sinh” tiếp tục liêu xiêu. Cũng từ đây, mọi thói quen và tâm lý của du khách thay đổi khó lường và bất thường.

Kết quả nghiên cứu của một số tổ chức độc lập thời điểm đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi “cơn bão” COVID-19 cho thấy nhiều bất ngờ. Những biến chuyển của xã hội trong đại dịch đã liên tục ảnh hưởng đến hành vi du lịch và lựa chọn của du khách.

Niềm vui mới từ những “viên ngọc” cũ

Niềm hạnh phúc của những chuyến du lịch đã không còn được tính bằng quãng đường xa hay gần. Năm 2020 đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ của làn sóng du lịch tại Việt Nam khi hầu hết buộc phải lỡ hẹn với những hành trình quốc tế đáng mong đợi.

Thế nhưng chính nó lại mở ra những cánh cửa khác, mang đến cho người Việt cơ hội khám phá và trải nghiệm nhiều địa điểm mới lạ được coi là những “hạt ngọc” ẩn mình trên chính quê hương.

Nghiên cứu mới nhất của Booking.com - một trong những nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới đã chỉ ra điều đó.

Thông qua khảo sát xu hướng du lịch của người Việt trong những tháng vừa qua, đại diện Booking.com cho biết từ tháng 6-8/2020, quãng đường di chuyển trung bình của du khách Việt đã giảm đến 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy vậy, con số này vẫn được đánh giá là cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu, hiện đã sụt giảm đến 63%. Năm 2019, trong khi du khách Việt Nam đã di chuyển trung bình 932 km cho mỗi lượt đặt phòng thì con số này giảm xuống chỉ còn 629 km trong cùng kỳ năm nay.

Du lịch nội địa đang tăng trưởng chưa từng có, với hành trình trong nước chiếm đến 96% tổng quãng đường du lịch của người Việt trong giai đoạn từ ngày 1/6-31-8/2020 (con số này chỉ ước đạt 52% cùng kỳ 2019).

Hậu COVID19: Tâm lý du khách nội địa thay đổi khó lường thế nào? - Ảnh 1.

Du khách Việt thời gian qua thích những điểm đến gần gũi thiên nhiên. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Các chuyên gia du lịch nhận định thời gian qua, xu hướng du lịch của khách Việt liên tục thay đổi, nhiều người vốn chỉ ưa chuộng các điểm đến xa xôi, nay đã chuyển sang khám phá những niềm vui nhỏ tại các địa phương lân cận, dù là Thành phố Hồ Chí Minh sôi động hay xứ sở Đà Lạt mộng mơ...

Trên hành trình khám phá chính quê hương, nhiều du khách có xu hướng tìm kiếm những nơi ít người và hiếm khi ghé thăm trước đây, là các bãi biển và vùng địa phương dọc theo đường bờ biển dài hơn 3.000 km đất nước. Cam Ranh, Thanh Hóa, Cửa Lò, Sầm Sơn và Quy Nhơn đang trở thành những “viên ngọc” mới nổi, nhận được nhiều quan tâm và hứng thú của du khách Việt.

Mặc dù những điểm đến mới lạ hay vùng ven biển ít người biết tới đang trở nên “hot” nhưng các thành phố lớn và điểm du lịch nổi bật như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vũng Tàu, Đà Nẵng và Đà Lạt vẫn đứng đầu trong bảng xếp hạng những điểm đến được đặt qua Booking.com nhiều nhất trong khoảng thời gian từ tháng 6-8 vừa qua.

Điểm đến là vậy, khi lựa chọn chỗ nghỉ, resort chính là lựa chọn hàng đầu của du khách Việt, theo sau là các nhà nghỉ dưỡng, khách sạn căn hộ, khách sạn và căn hộ cho thuê.

Giám đốc Booking.com tại Việt Nam, Anthony Lu chia sẻ: “Trong thời điểm chưa từng có như hiện nay, thật ấm lòng khi niềm đam mê du lịch của người Việt vẫn rực cháy dù những kế hoạch và lịch trình phải thay đổi liên tục do ảnh hưởng của đại dịch.”

“Đất nước bắt đầu nới lỏng các hạn chế đi lại cũng là lúc chúng tôi nhận thấy nhiều người dân trong nước và người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam nóng lòng lên kế hoạch cho các hành trình khám phá địa phươn bằng bất kỳ phương tiện nào, từ đường bộ, tàu đêm hay xe khách giường nằm…”

Hậu COVID19: Tâm lý du khách nội địa thay đổi khó lường thế nào? - Ảnh 2.

Một góc tuyệt đẹp trên đầm Vân Hội. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Những tín hiệu tích cực từ thị trường nội địa

Khoảng 50% trong số hơn 1.000 người được hỏi cho biết họ sẵn sàng đi du lịch ngay trong vòng 4 tháng tới. Đây là kết quả từ cuộc Khảo sát tâm lý và hành vi khách du lịch thời COVID-19 do Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) phối hợp với VnExpress thực hiện nhằm tìm hiểu hành vi và xu hướng của khách du lịch Việt Nam sau các đợt dịch COVID-19.

Tuy nhiên, sự sẵn sàng này có đôi chút thận trọng hơn so với lần khảo sát hồi tháng Năm với cùng nội dung (54%).

Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch, ông Hoàng Nhân Chính, cho biết nhu cầu đi du lịch của người dân đã có những tín hiệu tích cực với hơn 71% lựa chọn đi du lịch bằng máy bay, 29% (so với 20% của lần khảo sát trước) lựa chọn đi du lịch bằng xe riêng.

Điều đáng nói, ngoài ưu tiên an toàn dịch bệnh (31%) và an ninh (26%) như trước đây thì lần này yếu tố khả năng tài chính (33%) có tác động lớn đến kế hoạch đi du lịch của người dân. Đó là hậu quả để lại sau hai đợt dịch khiến cho nhiều gia đình kiệt kuệ.

Chính vì thế, phần lớn người trả lời (87%) lựa chọn ưu đãi trực tiếp giá dịch vụ du lịch vào giá tour. Điều này cho thấy một thực tế là các doanh nghiệp du lịch và các doanh nghiệp hàng không cần liên kết để tạo ra các gói combo du lịch giá rẻ hơn, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng du lịch.

Hậu COVID19: Tâm lý du khách nội địa thay đổi khó lường thế nào? - Ảnh 3.

Sapa vẫn là điểm đến được nhiều du khách Việt lựa chọn. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Đặc biệt, dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng. Hiện xu hướng khách tự đặt tour trực tiếp tăng cao (40% so với 29% của lần khảo sát trước), và giữ thói quen đặt dịch vụ du lịch qua nền tảng trực tuyến (36% so với 44%).

Vì thế, để đáp ứng nhu cầu khách hàng, bản thân doanh nghiệp phải tự chuyển đổi hình thức tiếp thị, tư vấn, bán hàng và chăm sóc khách hàng qua nền tảng trực tuyến, kỹ thuật số.

Khảo sát của Hội đồng Tư vấn cũng cho thấy kết quả khá tương đồng với nghiên cứu từ Booking.com: nhu cầu du lịch biển của người dân vẫn ở mức cao (62% so với 67% của lần khảo sát trước), với nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng núi tăng lên (37% so với 31%), khám phá thiên nhiên tăng mạnh (48% so với 25%). Và do tâm lý còn e ngại dịch bệnh nên có tới gần 80% % (so với 89%) số người tham gia khảo sát vẫn lựa chọn đi theo gia đình,bạn bè.

Có tới 52% khách du lịch sẵn sàng mua thêm gói bảo hiểm du lịch trong thời gian dịch bệnh: Ngành du lịch cần làm việc ngành bảo hiểm để tạo ra gói BH du lịch mới và khuyến khích khách du lịch mua bảo hiểm du lịch để tạo sự yên tâm cho khách du lịch.

Theo ông Chính, kết quả khảo sát sẽ giúp cho các cơ quan quản lý về du lịch, các địa phương và các doanh nghiệp du lịch hiểu rõ hơn tâm lý du khách, qua đó góp phần xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp, đồng thời tiến hành các chiến dịch kích cầu du lịch nội địa hiệu quả hơn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/hau-covid19-tam-ly-du-khach-noi-dia-thay-doi-kho-luong-the-nao-20201003202947234.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/