Hàng trăm tỷ đồng trái phiếu đổ về dự án điện gió, điện mặt trời ở Hậu Giang và Bạc Liêu

CTCP Điện gió Bắc Phương và CTCP Điện mặt trời VKT - Hòa An đã huy động hàng trăm tỷ đồng trái phiếu từ một tổ chức tín dụng để đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo khu vực phía Nam.

Theo Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Điện gió Bắc Phương đã huy động được 4.150 trái phiếu qua chào bán riêng lẻ với tổng mệnh giá 415 tỷ đồng kể từ ngày 24/6 đến 15/9.

Toàn bộ số tiền huy động được dùng để thanh toán các chi phí xây dựng và thiết bị, chi phí khác để thực hiện dự án Nhà máy điện gió Đông Hải - giai đoạn 2 (dự án) tại Bạc Liêu.

Trái phiếu có kỳ hạn từ ngày 24/6/2021 đến 31/3/2035, là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được bảo đảm bằng toàn bộ tài sản gồm quyền tài sản phát sinh từ công trình, tài sản gắn liền với đất liên quan đến dự án; một phần tài sản gắn liền với dự án Nhà máy Điện gió Đông Hải - giai đoạn 1.

Theo danh sách nhà đầu tư mua trái phiếu, một tổ chức tín dụng đã mua trọn lô trái phiếu này của Điện Gió Bắc Phương. Theo dữ liệu của HNX, kể từ đầu năm tới nay, đây là lần đầu tiên Điện gió Bắc Phương huy động vốn từ kênh trái phiếu để đầu tư vào dự án năng lượng tái tạo.

Hàng trăm tỷ đồng trái phiếu đổ vào các dự án điện gió, điện mặt trời khu vực phía Nam - Ảnh 1.

Nhà máy Điện gió Đông Hải - giai đoạn 1. (Ảnh: Bắc Phương Group).

Điện gió Bắc Phương là đơn vị thành viên của CTCP Bắc Phương (Bắc Phương Group), một doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình đường bộ. Một thành viên khác của Bắc Phương Group là CTCP Năng lượng Bắc Phương vào năm 2018 đã tiếp nhận dự án Nhà máy Điện gió Đông Hải - giai đoạn 1. 

Trong năm ngoái, Năng lượng Bắc Phương đã huy động thành công hơn 1.700 tỷ đồng để bổ sung cho dự án năng lượng tái tạo mới.

Sau khi giai đoạn 1 của dự án Điện gió Đông Hải khánh thành vào tháng 10/2020, giai đoạn 2 kế đó cũng chính thức khởi công với chủ đầu tư là Điện gió Bắc Phương.

Bắc Phương Group cho biết, giai đoạn 2 xây dựng 13 trụ turbine gió, công suất 50 MW và xây dựng 5,6 km cầu dẫn kết nối với diện tích đất ven biển 284 ha, tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng. Thời gian thực hiện 16 tháng, dự kiến vận hành thương mại vào tháng 10/2021, sản lượng điện năng ước đạt gần 199 triệu kWh/năm.

Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp điện năng cho Hệ thống điện Quốc gia với sản lượng bình quân hàng năm khoảng 367 triệu kWh. Đây là dự án điện gió thứ 9 được triển khai thi công tại Bạc Liêu và là một trong những dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất của Việt Nam.

246 tỷ đổ về nhà máy điện mặt trời ở Hậu Giang

Ngoài Bắc Phương thì cuối tháng 8, CTCP Điện mặt trời VKT - Hòa An đã huy động thành công 246 tỷ đồng trái phiếu từ một tổ chức tín dụng để tài trợ chi phí xây dựng và thiết bị để thực hiện dự án Nhà máy Điện mặt trời 29 MW tại xã Hòa An, tỉnh Hậu Giang.

Đây là loại hình không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm và không phải là nợ thứ cấp của doanh nghiệp, kỳ hạn từ 30/8/2021 đến ngày 9/10/2032.

Động thái huy động vốn từ kênh trái phiếu của Điện mặt trời VKT - Hòa An diễn ra sau khi cổ đông ngoại gom thêm lượng lớn cổ phần tại công ty này, nâng tỷ lệ sở hữu lên 70% vốn điều lệ tại ngày 1/6.

Theo nguồn tin từ TTXVN, nghiên cứu đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo cho thấy đến năm 2030 Việt Nam có khả năng phát triển khoảng 8.000 MW thủy điện nhỏ, 200 MW điện gió, 3.000 MW điện sinh khối, 35.000 MW điện mặt trời.

Ông Bernard Casey, Giám đốc phát triển Việt Nam Công ty Mainstream Renewable Power, cho biết mặc dù quốc tế đã có sự quan tâm đáng kể với năng lượng tái tạo tại Việt Nam, song việc mở rộng điện gió và mặt trời cần môi trường đầu tư thuận lợi cũng như gỡ bỏ một số rào cản gia nhập thị trường.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/hang-tram-ty-dong-trai-phieu-do-ve-du-an-dien-gio-dien-mat-troi-o-hau-giang-va-bac-lieu-20210920165536615.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/