Hàng nghìn lô hàng dệt may xuất khẩu sang Mỹ bị giữ lại vì Đạo luật UFLPA, Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Hiệp hội Bông quốc tế Mỹ (Cotton USA) tại Việt Nam cho biết chỉ trong vòng 6 tháng đã có hơn 3.000 lô hàng dệt may của các nước nhập khẩu vào Mỹ bị kiểm tra nguồn gốc xuất xứ theo Đạo luật UFLPA.

Bông là nguồn nguyên liệu chính cho ngành dệt may. Số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu toàn bộ bông từ nước ngoài với giá trị nhập khẩu khoảng 4 tỷ USD. Tính riêng 8 tháng đầu năm 2022, lượng bông nhập khẩu đã vào khoảng 3 tỷ USD. Trong đó, bông Mỹ được lựa chọn nhiều nhất, chiếm trên 50% tổng nhu cầu nhập bông của Việt Nam. 

Tuy nhiên, thị trường này hiện đang tăng cường siết nguồn gốc sản phẩm sợi, vải, dệt may theo Đạo luật chống lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA). Đạo luật này được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 7/2021, được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành ngày 23/12/2021 và bắt đầu được thực thi từ ngày 21/6/2022. 

Chia sẻ bên lề ngày hội Cotton Day Vietnam 2022 diễn ra chiều ngày 4/10, ông Lương Vũ Ngọc Duy, Giám đốc điều hàn Công ty TNHH dệt sợi ZaraTex, cho biết khi Đạo luật UFLPA có hiệu lực, tất cả đơn hàng vải vào Mỹ phải chứng minh xuất xứ từ bông đến vải đều không có "yếu tố Tân Cương" (Đạo luật UFLPA cấm nhập khẩu vào Mỹ hàng hóa được sản xuất ở khu vực Tân Cương). Để chứng minh điều này cần nhà xuất khẩu cần cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng từ từ nguồn gốc của bông.

"Với ZaraTex khi nhập khẩu bông từ Brazil, Mỹ, công ty phải yêu cầu người bán bông cung cấp hồ sơ mua bông từ trang trại nào, nhà máy cán bông nào, vận chuyển như thế nào để đến Việt Nam...nhưng rất khó để có được bộ hồ sơ chứng từ đầy đủ", ông Duy chia sẻ.

 Ông Lương Vũ Ngọc Duy, Giám đốc điều hàn Công ty TNHH dệt sợi ZaraTex. (Ảnh: Như Huỳnh)

Việc phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ đã khiến nhiều lô hàng dệt may mất nhiều thời gian và chi phí lưu kho khi vào Mỹ do bị Hải quan nước này giữ lại để kiểm tra. 

Ông Võ Mạnh Hùng, đại diện Hiệp hội Bông quốc tế Mỹ (Cotton USA) tại Việt Nam, cho biết chỉ trong vòng 6 tháng đã có hơn 3.000 lô hàng dệt may của các nước nhập khẩu vào Mỹ bị kiểm tra nguồn gốc xuất xứ theo Đạo luật UFLPA.  

Theo đó, khi hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, trong vòng 5 ngày, cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ có quyền giữ hàng để kiểm tra và trong vòng 30 ngày, doanh nghiệp phải cung cấp các chứng từ liên quan đến chuỗi cung ứng để chứng minh nguồn gốc lô hàng không có xuất xứ từ bông Tân Cương (Trung Quốc).

Hiện cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ chưa đưa ra con số chính thức về việc trong số các lô hàng bị giữ lại có bao nhiêu lô hàng của Việt Nam.

Ông Hùng đánh giá đây là sự ảnh hưởng khá lớn do chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam có sự gắn bó rất chặt chẽ với Trung Quốc 

Điều này cũng được ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cảnh báo khi cho biết bắt đầu từ quý I/2022, một số nhãn hàng của Mỹ đã yêu cầu dừng các đơn hàng với doanh nghiệp Việt Nam khi nguồn gốc xuất xứ của vải được sản xuất từ phía Trung Quốc.

“Các nhãn hàng không muốn mạo hiểm với việc các đơn hàng sản xuất xong khi sang đến bên kia bị Hải quan đặt ra những câu hỏi mà doanh nghiệp không trả lời được”, ông Giang chia sẻ.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas chia sẻ tại ngày hội Cotton Day Vietnam 2022 diễn ra chiều ngày 4/10. (Ảnh: Như Huỳnh)

Theo các chuyên gia của Mỹ, trong thời gian tới, ngày càng nhiều nhãn hàng, nhà bán lẻ toàn cầu yêu cầu sản phẩm làm từ bông nhập khẩu vào Mỹ, EU phải bền vững và thuộc chuỗi cung ứng minh bạch được xác minh là không có lao động cưỡng bức.

Do đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần dùng bông có sự minh bạch, chứng minh được các giao dịch trên toàn chuỗi cung ứng, trong đó, minh chứng về pháp lý, pháp y, về nguồn gốc bông… Các nhà cung cấp cần lưu lại các chứng từ của tất cả giao dịch và sẵn sàng chia sẻ chúng, đảm bảo sự minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng. 

Để tránh bị ảnh hưởng bởi đạo luật UFLPA, ông Võ Mạnh Hùng cho biết Cotton USA hiện đã xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc và công nghệ hiện đại hỗ trợ cho việc truy xuất nguồn gốc rõ ràng cho tất cả các khâu. Ở bất cứ công đoạn nào, doanh nghiệp cũng có thể truy xuất nguồn gốc đến tận từng tiệm bông một cách minh bạch và rõ ràng.

Ở góc độ Hiêp hội dệt may Việt Nam, ông Vũ Đức Giang mong muốn Hiệp hội Bông quốc tế Mỹ sớm thành lập kho ngoại quan bông Mỹ tại Việt Nam để các doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng nhiều bông Mỹ hơn cho chuỗi sản xuất của mình.

Bởi theo ông Giang, hiện thời gian nhập khẩu bông Mỹ rất dài, phải mất 2-3 tháng. Nếu có kho ngoại quan bông Mỹ tại Việt Nam, việc mua hàng sẽ rút ngắn xuống chỉ còn vài ngày, giúp doanh nghiệp chủ động hơn. Doanh nghiệp cũng không phải vay tài chính để mở L/C dài ngày, giảm áp lực vốn cho doanh nghiệp…

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/hang-nghin-lo-hang-det-may-xuat-khau-sang-my-bi-giu-lai-vi-dao-luat-uflpa-viet-nam-co-bi-anh-huong-202210512829624.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/