Hàng loạt tín hiệu tích cực trong cuộc đua phát triển vacxin cho dịch tả heo châu Phi

Cuộc đua tìm ra một loại vacxin có thể kiểm soát dịch tả heo châu Phi (ASF), virus rất dễ lây lan và tàn phá đàn heo tại Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Á khác, đang diễn ra. Không có thuốc điều trị hoặc vacxin hiệu quả có sẵn cho dịch ASF, nhưng một số thông tin tích cực đã được báo cáo trong tuần này.

Một cơ sở nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc đã phát triển hai loại vacxin, đã được chứng minh trong các thử nghiệm tại phòng thí nghiệm, cung cấp khả năng miễn dịch với virus ASF, Reuters cho biết hôm 24/5, trích dẫn từ một báo cáo ban đầu của truyền thông Trung Quốc. 

Báo cáo cũng đưa ra cam kết về việc các thử nghiệm lâm sàng đang được lên kế hoạch.

"Ở bước tiếp theo, Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc sẽ đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng, cũng như sản xuất vacxin", báo cáo cho biết, dựa trên một bài đăng trực tuyến của Đài phát thanh Quốc gia Trung Quốc.

Bắc Kinh không tiết lộ chính xác số lượng heo bị thiệt hại vì dịch ASF, nhưng Rabobank tháng trước ước tính có tới 200 triệu con heo có thể bị ảnh hưởng và sản lượng có thể giảm 30%. Con số này tương đương với khoảng 75 triệu con heo trong tổng hàng tồn kho của Mỹ.

Sự bùng phát của dịch ASF cũng đã được báo cáo ở các nước châu Á khác, gồm Việt Nam, Campuchia và Mông Cổ, cũng như ở châu Âu và châu Phi, nơi virus được xác định lần đầu tiên cách đây hơn một thế kỉ. 

Dịch ASF dự kiến sẽ là một chủ đề thảo luận tại cuộc họp thường niên 5 năm của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) tại Paris bắt đầu vào Chủ nhật (26/5). Cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc theo dõi sự lây lan của dịch ASF và đặt ra các tiêu chuẩn cho thương mại quốc tế về động vật.

Hàng loạt tín hiệu tích cực trong cuộc đua phát triển vacxin cho dịch tả heo châu Phi - Ảnh 1.

Ảnh: AP Photo/Mark Schiefelbein.

Mỹ cũng tích cực nghiên cứu vacxin cho ASF

Tuần trước, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã công bố một kế hoạch giám sát mới về dịch ASF. Kế hoạch này gồm thử nghiệm các động vật có nguy cơ cao, như những con heo bệnh hoặc chết, cũng như đàn gia súc tiếp xúc với heo rừng hoặc ăn rác. 

Các chuyên gia cho biết dịch ASF không ảnh hưởng tới con người.

Các nhà khoa học từ USDA cũng đang tích cực nghiên cứu về vacxin cho bệnh dịch ASF. Ba loại vacxin chỉnh sửa gen đã được phát triển cho đến nay với sự giúp đỡ của các nhà vi trùng học thú y ở cơ quan.

Manuel Borca, nhà khoa học hàng đầu tại đơn vị Dịch bệnh động vật ở nước ngoài của USDA tại Trung tâm dịch bệnh động vật  Plum Island (New York, Mỹ), cho biết cả ba loại vacxin này đều dựa trên chủng dịch ASF phổ biến nhất đang xuất hiện ở châu Âu và châu Á. 

Tuy nhiên, hai loại vacxin đang được sửa đổi để các nhà nghiên cứu có thể phân biệt giữa heo nhiễm bệnh và heo đã được tiêm phòng.

Ngay cả khi các loại vacxin tiếp tục được đánh giá, chính phủ liên bang đang bắt đầu hợp tác với các nhà sản xuất vacxin, theo nhà khoa học Luis Rodriguez của USDA , trưởng phòng nghiên cứu tại đơn vị Dịch bệnh động vật ở nước ngoài. 

Ông cho biết mục đích của hành động này là phát triển đầy đủ một loại vacxin an toàn, hiệu quả và cho phép phân biệt động vật đã được tiêm vacxin với động vật bị nhiễm bệnh (một tính năng chính trong các chương trình diệt trừ bệnh).

Ông Rodriguez ước tính thời gian cho sự phát triển đầy đủ của các loại viên vacxin sẽ mất nhiều năm và xoay quanh nhiều yếu tố, gồm sự sẵn có của quy trình sản xuất quy mô lớn cũng như xác nhận tính hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng.

Hàng loạt tín hiệu tích cực trong cuộc đua phát triển vacxin cho dịch tả heo châu Phi - Ảnh 2.

Ảnh: AP Photo/Heribert Proepper.

Tín hiệu lạc quan từ phát triển vacxin cho heo rừng tại Tây Ban Nha

Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, các nhà khoa học đã báo cáo tiến triển về loại vacxin uống cho heo rừng, theo một nghiên cứu được công bố vào tháng trước trên Frontiers in Veterinary Science. 

Theo CNBC, họ đã phát hiện một chủng virus gây sốt heo ở châu Phi đã bảo vệ 92% con heo được cho uống vacxin.

Thử nghiệm trên heo rừng được xem có ý nghĩa bởi vì sự di chuyển của heo rừng mang mầm bệnh đã góp phần vào việc lan truyền dịch ASF ở khu vực Baltic và Đông Âu. Ngoài ra, có một nguy cơ lây truyền virus sang đàn heo nuôi.

Mặc dù vậy, một số nhà khoa học cảnh báo việc sự quá lạc quan.

"Về mặt lý thuyết, vacxin này có thể có tác dụng tốt đối với heo thương phẩm", theo ông Paul Sundberg, Phó chủ tịch Trung tâm thông tin sức khỏe về heo, có trụ sở tại Iowa. 

"Tuy nhiên, có một số vấn đề với vacxin đó, tôi không nghĩ bạn sẽ thấy nó được sử dụng trên heo rừng hoặc chắc chắn không phải là heo thương phẩm trong tương lai gần".

Ông Sundberg cho biết có hơn 20 chủng dịch ASF khác nhau, và nói thêm những gì có tác dụng trên heo rừng có thể không hiệu quả cũng như không an toàn đối với heo nuôi. 

Ngoài ra, có nguy cơ virus được sử dụng trong vacxin có thể biến đổi, trở thành độc lực và gây ra một chủng bệnh nghiêm trọng hơn.

Đối với Trung Quốc, ông Sundberg lo ngại nỗ lực trong tuyệt vọng của Bắc Kinh để ngăn chặn sự lây lan của dịch ASF trong đàn heo có thể dẫn tới những nghiên cứu rủi ro hoặc nguy hiểm trong phòng thí nghiệm.

"Nỗ lực tìm kiếm thứ gì đó để ngăn chặn loại virus này. Bản thân nỗ lực đó có thể rất nguy hiểm, bởi vì nó có thể truyền virus, có thể khiến virus tồn tại mãi và điều đó có thể khiến nó trở thành đặc hữu", ông nói.

Đặc hữu là một tình trạng trong sinh thái học khi một sinh vật chỉ sinh sống tự nhiên ở một vị trí địa lý nhất định, ví dụ như một hòn đảo, quốc gia hoặc một khu vực nhất định khác, hoặc một dạng sinh cảnh nào đó; sinh vật là loài bản địa của một nơi nào đó thì không phải loài đặc hữu nếu như nó cũng xuất hiện ở nơi nào đó khác.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/hang-loat-tin-hieu-tich-cuc-trong-cuoc-dua-phat-trien-vacxin-cho-dich-ta-heo-chau-phi-2019052519142986.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/