Hàng chục tập đoàn đem về trên 10.000 tỷ đồng trong một quý: Petrolimex vô địch doanh thu quý IV và cả năm 2022

Trong số các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính, 15 tập đoàn có doanh thu thuần trên 10.000 tỷ đồng trong quý IV/2022. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tỏ ra vượt trội hơn hẳn.

Doanh thu nhích lên, lợi nhuận sa sút nặng nề

Tính đến hết ngày 2/2, đã có 982 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý IV/2022, chỉ chiếm 61% số doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam (gồm các sàn HOSE, HNX và thị trường UPCoM) nhưng nắm tới 96% vốn hóa toàn thị trường.

Thống kê của Chứng khoán SSI cho thấy tổng doanh thu quý IV của 982 doanh nghiệp nói trên là xấp xỉ 1,1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ 2021. Các doanh nghiệp trên HOSE có doanh thu tăng 5,2%, HNX tăng 13,9% và UPCoM đi lên 7,8%.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý IV đạt 53.453 tỷ đồng, giảm 48% so với quý cuối năm 2021. Nhờ có các khoản thu nhập bất thường ngoài hoạt động cốt lõi, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp chỉ giảm gần 32%, đạt 81.755 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp thua lỗ lớn trong quý IV có thể kể đến như Vietnam Airlines, Vietjet, Viettel Global, Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, …

Một cửa hàng xăng dầu của Petrolimex tại Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc). 

Petrolimex đứng đầu về doanh thu

Ngôi đầu về doanh thu quý IV là một cái tên quen thuộc – Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – Mã: PLX). Với mạng lưới hơn 5.500 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên khắp cả nước cùng các công ty con trong lĩnh vực vận tải, nhiên liệu máy bay, ..., Petrolimex thường xuyên giành chức quán quân doanh thu hàng quý.

Trong ba tháng cuối năm 2022, Petrolimex đã đem về gần 78.400 tỷ đồng, tăng 6,4% so với quý liền trước và tăng gần 59% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận sau thuế quý IV đạt 1.414 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.

Petrolimex cho biết hoạt động kinh doanh xăng dầu quý vừa qua có lãi trong khi quý IV/2021 bị lỗ, nguyên nhân của sự thay đổi này là giá cơ sở đã được liên Bộ Công thương – Tài chính điều chỉnh kịp thời để phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và chi phí khâu tạo nguồn, khâu lưu thông thực tế.

Lợi nhuận từ lĩnh vực khác trong quý IV tăng so với cùng kỳ, trong đó một số công ty con trong mảng vận tải, nhiên liệu bay, … đã trở lại hoạt động ổn định sau giai đoạn COVID.

Ngoài ra, từ cuối tháng 11/2022, tỷ giá có xu hướng giảm dần nên Petrolimex ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá khoảng 300 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2021 phát sinh lỗ 18 tỷ.

Ngoài vô địch doanh thu quý IV, Petrolimex còn dẫn đầu toàn thị trường chứng khoán về doanh thu cả năm 2022 khi đem về hơn 304.000 tỷ đồng.

 Trong top 15 doanh thu thuần quý IV/2022 có ba đại gia thua lỗ là Vietjet (VJC), Vietnam Airlines (HVN), và Hòa Phát (HPG).

Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil – Mã: OIL), một doanh nghiệp cùng ngành bán lẻ xăng dầu với Petrolimex, xếp thứ 7 trong danh sách với doanh thu quý IV đạt 24.662 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 295 tỷ, lần lượt bằng 31,5% và 20,9% kết quả của Petrolimex.

Vị trí á quân doanh thu quý IV thuộc về Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) với 41.168 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao chưa từng thấy trong lịch sử. Đa phần doanh thu của Vingroup đến từ một công ty con là Vinhomes (Mã: VHM) – doanh nghiệp đứng thứ 4 trong top doanh thu quý IV trên thị trường chứng khoán.

Vinhomes (Mã: VHM) có lãi sau thuế 8.952 tỷ đồng trong ba tháng cuối năm 2022, đứng số 2 toàn thị trường chỉ sau Vietcombank. Biểu đồ dưới đây cho thấy lợi nhuận của Vinhomes lớn hơn cả hai ngân hàng đứng sau là VietinBank (Mã: CTG) và BIDV (Mã: BID) cộng lại.

 

Trong top 15 doanh thu quý IV có ba đại gia thua lỗ là Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), Vietnam Airlines (Mã: HVN) Vietjet (Mã: VJC).

Quý IV/2022 là quý lỗ ròng thứ hai liên tiếp của Hòa Phát trong bối cảnh nhu cầu suy yếu, giá bán giảm liên tục, chi phí lãi vay lên cao. Vietnam Airlines đã thua lỗ 12 quý liên tục kể từ đầu dịch và đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết vì lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ và âm vốn chủ sở hữu.

Khoản lỗ lớn trong quý IV khiến Vietjet thua lỗ trong cả năm 2022. Đây là năm đầu tiên trong lịch sử hãng hàng không của Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo báo lỗ.

Tuy nhiên, hoạt động của ngành hàng không có một số dấu hiệu đáng mừng khi các biện pháp phong tỏa chống dịch được gỡ bỏ, số chuyến bay quay lại giai đoạn trước COVID, thị trường lớn Trung Quốc mở cửa. Doanh thu quý IV/2022 của Vietjet cao gấp 4,2 lần cùng kỳ 2021, của Vietnam Airlines cũng gấp hơn hai lần cùng kỳ.

Petrolimex dẫn đầu cả về doanh thu quý IV lẫn doanh thu cả năm 2022.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/hang-chuc-tap-doan-dem-ve-tren-10000-ty-dong-trong-mot-quy-petrolimex-vo-dich-doanh-thu-quy-iv-va-ca-nam-2022-202323203718300.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/