Hà Tĩnh kiến nghị báo cáo Bộ Chính trị dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê

Theo ông Dương Tất Thắng, dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê của Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) còn rất nhiều vấn đề bất cập và đáng lo ngại.

Đây là kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh khi làm việc với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Võ Thành Thống, ngày 1/10.

Hà Tĩnh kiến nghị báo cáo Bộ Chính trị dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê - Ảnh 1.

Điều khiến tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt lo ngại là vấn đề năng năng lực tài chính của TIC và TKV không đảm bảo.

Theo ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê của Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) còn rất nhiều vấn đề bất cập và đáng lo ngại khi công nghệ, kỹ thuật khai thác chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động lớn đến môi trường; phương thức vận chuyển quặng khó khả thi, hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến hệ thống hạ tầng giao thông.

Điều khiến tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt lo ngại là vấn đề năng năng lực tài chính của TIC và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) - cổ đông chính không đảm bảo. Được biết, tổng mức đầu tư của dự án gồm 2 giai đoạn được lập tại thời điểm năm 2014 là 14.517,2 tỉ đồng (giai đoạn I: 6.777,4 tỉ đồng; giai đoạn I: 7.739,8 tỉ đồng).

Với nhiều nội dung chưa được tính toán đầy đủ và nếu cập nhật bổ sung các yếu tố trượt giá thì tổng mức đầu tư của dự án tại thời điểm hiện nay có thể lớn hơn nhiều. Theo dự án điều chỉnh, giai đoạn I, nguồn vốn đầu tư gồm 30% vốn góp cổ đông và 70% vốn vay và huy động khác. Tuy nhiên, kể từ khi triển khai tái cơ cấu đến nay các cổ đông của TIC chỉ mới góp được 1.809 tỉ đồng, còn thiếu 224,137 tỉ đồng.

Thực tế này cho thấy tiềm lực tài chính của các cổ đông đang còn là vấn đề lớn so với yêu cầu về năng lực của chủ đầu tư khi triển khai dự án; trong khi TKV - cổ đông giữ 52% tại TIC - chưa đáp ứng được các dự án đang triển khai và phải thực hiện kết luận Kết luận số 2810/KL-TTCP ngày 09/11/2017 của Thanh tra Chính phủ, dẫn đến việc góp vốn của TKV vào TIC để thực hiện dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê sẽ gặp khó khăn.

Trên cơ sở đánh giá nghiêm túc và cân nhắc nhiều mặt cả về lợi ích trước mắt và lâu dài, xét thấy dự án không khả thi, tỉnh Hà Tĩnh nhất quán quan điểm đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét cho dừng (kết thúc) dự án, đồng thời chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống cho người dân quanh vùng dự án.

Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn kiến nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư quan tâm, hỗ trợ tỉnh, sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị kết luận về chủ trương dừng tổ hợp dự án khai thác, tuyển quặng sắt Thạch Khê và dự án liên hợp luyện thép công suất 2 triệu tấn/năm.

“Đó là điều kiện để Hà Tĩnh có cơ sở vững chắc hơn trong việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, những đánh giá khách quan, chi tiết của Hà Tĩnh về dự án trong thời gian qua sẽ là cơ sở để đoàn công tác hoàn thiện báo cáo có sức thuyết phục hơn để tham mưu Chính phủ về quan điểm dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê trong thời gian tới.

"Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ nỗ lực phối hợp cùng Hà Tĩnh báo cáo và đề nghị Chính phủ sớm có quyết định chính thức về việc dừng dự án; đồng thời sẽ phối hợp xử lý các vấn đề liên quan để hạn chế tối đa những hệ lụy có thể xảy ra", ông Thống cho biết.

Được biết, Dự án "Đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh" với diện tích đất sử dụng là 3.877 ha được Chính phủ quyết định cho triển khai vào năm 2007 trên cơ sở thành lập Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (Công ty TIC) vào ngày 17/5/2007 với 9 cổ đông, vốn điều lệ 2.400 tỉ đồng, trong đó Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là cổ đông chính. 

Đầu năm 2009, Công ty TIC bắt đầu bóc đất tầng phủ bằng thiết bị cơ giới. Tháng 7/2011, sau hai năm liên tục triển khai, TIC đã bóc đất tầng phủ đạt 12,7 triệu m3, đạt độ sâu -35m, thu hồi 3 nghìn tấn quặng.

Do nhiều khó khăn mà chủ yếu là do kinh phí, công nghệ, tác động môi trường lớn, Chính phủ đã quyết định buộc phải cho Công ty TIC tạm ngừng triển khai dự án để tái cơ cấu lại doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Tính đến nay, tổng diện tích đã giải phóng mặt bằng là 830 ha, diện tích đã ký hợp đồng thuê đất là 552 ha, và thực hiện di dời 113 hộ dân. Tổng chi phí đầu tư đã thực hiện dự án là 1.983 tỉ đồng, hiện đã giải ngân 1.851 tỉ đồng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ha-tinh-kien-nghi-bao-cao-bo-chinh-tri-dung-du-an-mo-sat-thach-khe-20191002074312962.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/