GTNFoods có gì để Vinamilk sẵn sàng chi hơn 1.500 tỉ đồng 'thâu tóm'?

Sữa Mộc Châu của GTNFood sở hữu ba trại chăn nuôi tập trung với quy mô hơn 3.000 con bò, số lượng bò khoán tại các hộ dân gần 20.000 con. Trong giai đoạn 2018-2020, sữa Mộc Châu đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 15-20% một năm.

Mới đây, "đại gia" bò sữa Vinamilk công bố việc chào mua gần 117 triệu cổ phiếu GTN của GTNFoods, sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu, với giá 13.000 đồng/cp. Theo đó, lô cổ phiếu Vinamilk dự định mua có giá trị lên tới hơn 1.500 tỉ đồng.

Thông qua thương vụ này, Vinamilk có thể sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu với trang trại bò sữa lớn nhất niềm bắc.

GTNFoods thành lập năm 2011 với vốn điều lệ 80 tỉ đồng, chuyên sản xuất tre công nghiệp, xây dựng hạ tầng, khoáng sản. Từ một công ty đầu tư đa ngành đa nghề trong quá khứ, năm 2014, ban lãnh đạo GTNFoods quyết định chuyển sang đầu tư thực phẩm sạch với chuỗi nông nghiệp khép kín.

Bước đầu của chiến lược là việc mua cổ phần của Tổng công ty chè Việt Nam (Vinatea) với tỷ lệ sở hữu 75% vào cuối 2015. Sau đó đến tháng 1/2017, GTNFoods tiếp tục mua 75% cổ phần Tổng công ty thức ăn Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) qua đó gián tiếp sở hữu 51% của Sữa Mộc Châu.

Sau một thời gian dài tiến hành mua bán và sáp nhập M&A, tổng tài sản của GTNFoods tính đến cuối năm 2018 đạt 4.733 tỉ đồng, tăng hơn 3.900 tỉ đồng so với đầu năm 2014. Nguồn vốn chủ sở hữu cũng tăng mạnh 3.059 tỉ đồng so với đầu kỳ, lên mức 3.767 tỉ đồng.

Năm 2018, GTNFoods đạt doanh thu năm 2018 khoảng 3.008 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 104 tỉ đồng giảm đáng kể so với con số 152 tỉ đồng của 2017 do công ty ghi nhận lỗ 11,4 tỉ đồng trong quý IV.

Tại thời điểm 31/12/2018, các cổ đông lớn của GTNFoods bao gồm CTCP Invest Tây Đại Dương với tỉ lệ sở hữu 28,02%, công ty quản lý quỹ TAEL Two Partners 22% và quỹ PENM IV 6%.

GTNFoods có gì để Vinamilk sẵn sàng chi hơn 1.500 tỉ đồng thâu tóm? - Ảnh 1.

Cơ cấu cổ đông của GTNFoods tính tại 31/12/2018. (Nguồn: GTNFoods)

Trong đó, Invest Tây Đại Dương là công ty do ông Nguyễn Trí Thiện làm Chủ tịch HĐQT, ông Thiện cũng là Chủ tịch HĐQT của GTNFoods. Từ cuối năm 2015, Invest Tây Đại Dương liên tục mua vào cổ phiếu GTN và hiện đang là cổ đông lớn nhất của GTNFoods. Vào cuối tháng 5/2016, ông Nguyễn Trí Thiện bất ngờ có đơn xin từ nhiệm, xin thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Invest Tây Đại Dương, đồng thời, ông Thiện cũng rút lui khỏi GTNFoods.

Còn TAEL Two Partners là một công ty quản lý đầu tư được thành lập năm 2007, đặt trụ sở tại Singapore. TAEL tập trung đầu tư vào các công ty tăng trưởng tại các nước khu vực châu Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam. Khoản đầu tư đầu tiên của TAEL tại Việt Nam là Vinasun thông qua việc mua riêng lẻ và mua lại trên thị trường với giá trị khoảng 290 tỉ đồng.

PENM IV là một trong bốn quỹ thuộc công ty PENM Partners - Công ty quản lý quỹ đầu tư đến từ Đan Mạch. PENM Partners hiện đang quản lý bốn quỹ với tổng số vốn đầu tư khoảng hơn 500 triệu USD.

PENM Partners ưu tiên đầu tư vốn và hỗ trợ với vai trò đối tác chiến lược cho các công ty Việt Nam chưa niêm yết, có kết quả kinh doanh tốt và tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai. Nguồn vốn đầu tư của PENM được dùng cho mục đích giúp doanh nghiệp tăng trưởng thông qua mở rộng kinh doanh hoặc qua hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp.

Về vấn đề cổ tức, sau khi phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 10:1 vào năm 2015, cho đến nay GTNFoods vẫn chưa có kế hoạch chi trả.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2017, ban lãnh đạo GTNFoods cho biết, công ty đang trong giai đoạn đầu tư, theo đó mục tiêu huy động vốn không phải để trả cổ tức, đồng thời thặng dư vốn cổ phần cho khoản mục hiện tại cũng không có. GTNFoods cho biết dự kiến phải hơn 3 năm nữa, khi công ty hoàn tất công cuộc tái cơ cấu, sẽ tính đến vấn đề cổ tức cho cổ đông.

Sữa Mộc Châu đem lại lợi nhuận chính cho GTNFoods

Trong những năm gần đây, Sữa Mộc Châu đóng góp phần lớn doanh thu, lợi nhuận của GTNFoods.

GTNFoods có gì để Vinamilk sẵn sàng chi hơn 1.500 tỉ đồng thâu tóm? - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo thường niên 2017 của GTNFoods.

Năm 2018, doanh thu mảng sữa chiếm tới 80% tỷ trọng doanh thu của GTNFoods, cũng chính là mảng đem về lợi nhuận chủ yếu cho công ty này. 

Khác với chiến lược của doanh nghiệp sữa lớn hiện nay, sản phẩm Sữa Mộc Châu tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn Miền Bắc, nắm khoảng 30% thị phần sữa nước tính đến cuối 2018.

Sau khi về tay GTNFood, sữa Mộc Châu đã tái cơ cấu các hoạt động bán hàng và marketing để tăng thị phần. Hiện tại, công ty có 76 nhà phân phối và 70.000 điểm bán hàng tại 45 tỉnh miền Bắc và một số tỉnh miền Trung.

Trong giai đoạn 2018-2020, Sữa Mộc Châu đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 15-20% một năm, nâng quy mô đàn bò sữa lên 100.000 con. Theo báo cáo thường niên 2017 GTNFoods, Sữa Mộc Châu sở hữu ba trại chăn nuôi tập trung với quy mô hơn 3.000 con bò, số lượng bò khoán tại các hộ dân là gần 20.000 con, 1.000 ha đất nông nghiệp tập trung với sản lượng khoảng 100.000 tấn sữa tươi/năm.

Công ty còn có kế hoạch giới thiệu thêm các sản phẩm sữa như phô mai, bơ và sữa hữu cơ cao cấp. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ dự kiến vẫn còn thấp và do đó chưa có tác động đến doanh thu chung.

Công ty cũng chuẩn bị tiến quân sang thị trường phía Nam, thị trường sữa có quy mô lớn hơn nhiều so với miền Bắc. Để thực hiện kế hoạch, công ty cũng đang tích cực mở rộng đàn bò, từ hơn 23.000 con hiện tại lên 32.000 – 35.000 con trong 2 năm tới, theo đó tăng sản xuất sữa lên tới 125.000 tấn/năm, tương đương tăng 160% sản lượng so với hiện tại.

Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC), tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu hiện tại của Sữa Mộc Châu ở mức khiêm tốn khoảng 10,5%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 23% của Vinamilk, công ty sữa lớn nhất Việt Nam. Do đó, rủi ro ở đây là lợi thế này có thể suy giảm hoặc không còn do chí phí marketing nhiều khả năng sẽ tăng lên trong vài năm tới.

Vinamilk đang cần gì?

Mặc dù Vinamilk vẫn dẫn đầu phân khúc ngành sữa nước với thị phần 55% nhưng với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt thì việc mua bán sáp nhập với doanh nghiệp cùng ngành có thể tạo một vị thế vững chắc hơn trong tương lai.

Ngoài ra,  Vinamilk đang có kế hoạch mở rộng trang trại. Hiện tại, các trang trại của công ty sữa lớn nhất Việt Nam đóng góp 12-15% tổng nguồn cung sữa. Trong vòng 5 năm tới, Vinamilk muốn nâng con số này lên 20%.

Theo Vinamilk, chi phí sản xuất trung bình hiện tại của trang trại của công ty đạt khoảng 11.000- 12.000 đồng/lít, so với 13.000-14.000 đồng/lít của sữa thu mua từ nông dân. Do đó, việc phát triển trang trại riêng sẽ không chỉ giúp gia tăng nguồn cung sữa tươi mà còn hỗ trợ cho lợi nhuận gộp của sản phẩm sữa tươi.

Với lợi thế trang trại lớn nhất miền bắc, Sữa Mộc Châu sở hữu hơn 3.000 con bò với sản lượng khoảng 100.000 tấn sữa tươi/năm có thể mang lại lợi nhuận đáng kể cho Vinamilk nếu thương vụ này thành công.

GTN đang GTN đang 'sống' bằng sữa Mộc Châu Bất chấp lợi nhuận sụt giảm, Công ty mẹ của sữa Mộc Châu giữ nguyên mức cổ tức 6,5% bằng tiền mặtBất chấp lợi nhuận sụt giảm, Công ty mẹ của sữa Mộc Châu giữ nguyên mức cổ tức 6,5% bằng tiền mặt Thương hiệu 60 năm Mộc Châu Milk và bài toán định vị trong thị trường sữaThương hiệu 60 năm Mộc Châu Milk và bài toán định vị trong thị trường sữa

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gtnfoods-co-gi-de-vinamilk-san-sang-chi-hon-1500-ti-dong-thau-tom-20190313152838282.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/