Grab tìm cơ hội đầu tư ở Việt Nam và Malaysia để trở thành siêu ứng dụng

Sau khi nhận nhiều khoản đầu tư từ các tập đoàn lớn, Grab cảm thấy đã đến lúc họ đầu tư ngược cho hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương.

Ứng dụng gọi xe hàng đầu Đông Nam Á Grab đang đầu tư mạnh vào các startup nhỏ trong khu vực với mong muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của ứng dụng tất cả trong một của họ.

Tích cực đầu tư và startup địa phương, tiền không phải yếu tố quan trọng nhất

ff

Ông Chris Yeo, người đứng đầu Grab Ventures, nói đã đến lúc Grab hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đông Nam Á. (Ảnh: Kentaro Iwamoto/ Nikkei)

Chris Yeo, người đứng đầu Grab Ventures, chia sẻ trong một bài phỏng vấn với Nikkei Asian Review rằng công ty lên kế hoạch thực hiện từ hai đến bốn khoản đầu tư chiến lược vào các startup mỗi năm với đối tượng hướng tới là các công ty ở vòng gọi vốn Series B trở lên cùng lượng cổ phần không lớn.

"Đồng thời, Grab cũng sẽ tích cực tìm những cơ hội thâu tóm tiềm năng", ông nói thêm.

Yeo khẳng định lí do chính yếu để Grab đầu tư là sự hoà hợp [với các mảng kinh doanh hiện tại. "Tất nhiên, nó phải hợp lí về mặt tài chính nhưng đây không phải yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất", ông nói thêm.

Ra đời vào năm 2012, Grab hiện tại đang hoạt động tại 8 nước Đông Nam Á và đã gọi vốn được nhiều tỉ USD từ các tập đoàn lớn như SoftBank Group hay Toyota Motor.

Đầu tuần này, Grab xác nhận họ sẽ đầu tư 2 tỉ USD vào Indonesia trong vòng 5 năm tới để nắm lấy những cơ hội ở nền kinh tế lớn nhất trong khu vực.

Ở khu vực Đông Nam Á, Indonesia vẫn là thị trường quan trọng nhất của Grab, thế nhưng "kì lân gọi xe" cũng đang tìm những công ty tiềm năng ở Việt Nam và Malaysia.

Grab đã vạch ra 5 mục tiêu cho đầu tư startup, bao gồm: di chuyển, dịch vụ tài chính, đồ ăn, logistics và những công nghệ kích hoạt khác nói chung như trí tuệ nhân tạo hay máy học, Yeo tiết lộ.

Sau khi thâu tóm hoạt động của Uber tại Đông Nam Á vào đầu năm 2018, Grab đã lập Grab Ventures để đẩy mạnh hoạt động đầu tư và nuôi dưỡng các startup mới thành lập ở khu vực.

"Thời điểm đó, nhiều công ty công nghệ lớn đã hỗ trợ chúng tôi và giờ thì đến lượt chúng tôi giúp đỡ hệ sinh thái startup", Yeo chia sẻ. "Khi họ phát triển và lớn mạnh, chúng tôi cũng hưởng lợi vì là một đối tác của toàn bộ hệ sinh thái".

Xu hướng thoái vốn mới của các startup tại Đông Nam Á

hinhanh1

Nguồn: Nikkei/ CrunchBase, Việt hoá: Thái Sơn

Đến thời điểm hiện tại, Grab đã đầu tư vào các công ty như startup công nghệ Mỹ Drive.ai, startup giao thực phẩm Indonesia Happy Fresh và công ty logistic Singapore Ninja Van. Grab cũng thây tóm startup thanh toán Kudo vào năm 2017.

Mặc dù Grab đưa ra các quyết định đầu tư thông qua hội đồng nội bộ, công ty cũng lấy cảm hứng từ SoftBank.

"Điều chúng tôi học từ SoftBank là các lĩnh vực họ đầu tư vào", ông chia sẻ. "Họ cho chúng tôi ý tưởng từ danh mục các công ty toàn cầu và trong danh mục này chúng tôi chia sẻ ý tưởng và đôi khi thảo luận về những cơ hội làm việc chung. Đó là cảm hứng chúng tôi có từ họ, về lĩnh vực đầu tư mà họ hướng tới".

Các startup "kì lân" ở Đông Nam Á đang tăng cường đầu tư hoặc thâu tóm các startup khác.

Công ty dữ liệu Crunchbase nói 70 startup Đông Nam Á đã bị thâu tóm bởi các công ty khác trong khu vực trong năm 2018 trong khi đó 54 công ty khác bị thâu tóm bởi các công ty bên ngoài Đông Nam Á. Chỉ 7 trong số các startup chọn con đường IPO.

Dữ liệu cũng cho thấy một sự thay đổi vào những năm đầu thập niên 2010 khi IPO và chịu thâu tóm từ các công ty bên ngoài Đông Nam Á trở thành chiến lược thoái vốn của nhiều startup trong khu vực.

Vào tháng 6, Go-Jek, đối thủ lớn của Grab, đã thâu tóm nền tảng tuyển dụng bằng AI AirCTO, trong khi đó nền tảng thương mại điện tử Tokopedia của Indonesia mua nền tảng dịch vụ lễ cưới Bridestory.

Xu hướng này phát sinh một phần từ việc các startup lớn chịu "áp lực", Kuo-Yi Lim, giám đốc công ty đầu tư mạo hiểm Monk's Hill Ventures, bình luận. "Các công ty cần cho thấy triển vọng tăng trưởng. Họ áp lực vì kêu gọi hàng tỉ USD".

Yeo nói xu hướng thâu tóm thể hiện sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đông Nam Á.

"Nếu bạn nhìn 10 năm trước ở Đông Nam Á, bạn sẽ không thấy việc các starup địa phương đầu tư vào các startup địa phương khác và rồi chiến lược thoái vốn sẽ là IPO hoặc một vụ mua lại nhưng không được thực hiện bởi các công ty địa phương", ông chia sẻ. Yeo thừa nhận xu hướng ấy là một điều tuyệt vời cho hệ sinh thái khởi nghiệp.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/grab-tim-co-hoi-dau-tu-o-viet-nam-va-malaysia-de-tro-thanh-sieu-ung-dung-20190731222418762.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/