Gói phục hồi kinh tế và tương lai thị trường bất động sản

Một số chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 – 2023 được dự báo sẽ tác động tích cực đến bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở và đất nền.

Gói phục hồi kinh tế và tương lai thị trường bất động sản - Ảnh 1.

Dòng tiền từ gói hỗ trợ kinh tế dự báo sẽ tác động đến thị trường bất động sản năm 2022. (Ảnh: Ngọc Anh).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023. Đây là chương trình phục hồi kinh tế sẽ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Nếu đề án phục hồi và phát triển kinh tế này được thực hiện nhanh, hiệu quả thì Việt Nam có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2022 và đạt được mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2023. Kéo theo đó, thị trường bất động sản dự báo sẽ được hưởng lợi.

Chia sẻ về vấn đề này tại tọa đàm "Giao dịch trở lại, đất nền có sốt giá cuối năm?" do Dân trí tổ chức mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, trong quy mô gói hỗ trợ khoảng 800.000 tỷ đồng, Bộ Tài chính cũng đang đề xuất gói hỗ trợ lãi suất 20.000 - 3.000 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, cả Chính phủ và Quốc hội đều chưa chốt số liệu cuối cùng. Đây là số tiền công bố trên danh nghĩa, vì trong đó còn có các khoản giãn, giảm và hoãn thuế, phí khiến tổng gói hỗ trợ có thể lên đến 800.000 tỷ, thậm chí 900.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số tiền nhà nước thực chi để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, thông thường sẽ thấp hơn và vào khoảng 400.000 - 500.000 tỷ đồng. Trong đó, có gói hỗ trợ tài chính khoảng 20.000 - 30.000 tỷ đồng.

Còn quy mô tín dụng sẽ được lan tỏa từ gói hỗ trợ có thể chạy trong khoảng 670.000 tỷ đồng đến một triệu tỷ đồng. Đây là những khoản hỗ trợ dự kiến trong vòng hai năm.

"Rất nhiều ý kiến lo ngại, gói hỗ trợ này sẽ tạo nguy cơ "bong bóng tài sản" rồi thất thoát, lợi ích nhóm trục lợi,… như từng xảy ra trong giai đoạn 2009 - 2010. Tôi cho rằng lần này rất khác, chúng ta phải tự tin và lạc quan hơn", ông Lực nói.

Gói phục hồi kinh tế và tương lai thị trường bất động sản - Ảnh 2.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV. (Ảnh: Báo đầu tư).

Phân tích rõ hơn, vị chuyên gia này cho biết, thời điểm hiện nay rất khác so với năm 2019. Tiềm lực kinh tế và kỹ năng điều hành của Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều. Thiết kế chính sách cũng đặc biệt thận trọng hơn rất nhiều so với trước đây.

Thứ hai, việc hỗ trợ cũng có đối tượng rõ ràng, không phải đại trà và có thời gian cụ thể là tối đa hai năm. Những gói hỗ trợ trước năm 2009 của Việt Nam là đại trà. Ngoài ra, mức độ hỗ trợ lần này tương đối hợp lý, vừa phải hạn chế những rủi ro về trục lợi hay tính ỷ lại.

"Sắp tới sẽ có một bộ tiêu chí rõ ràng với các đối tượng hỗ trợ. Tôi nghĩ quá trình giám sát và thực hiện sẽ tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Đương nhiên, với cả nghìn khoản hỗ trợ như thế sẽ có một vài khoản bị sai sót. Chúng ta phải chấp nhận tỷ lệ sai sót nhất định do bối cảnh cấp bách phải đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp", vị này cho hay.

TS. Cấn Văn Lực cho biết thêm, theo dự kiến, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, sau đó Quốc hội cũng sẽ thẩm tra liên quan đến chính sách tiền tệ. Trong đó, có một số chính sách sẽ tác động đến thị trường bất động sản.

Thứ nhất, dự kiến sẽ có một chương trình hoặc gói cho vay mua nhà ở, tầm 60.000 - 65.000 tỷ đồng. Nó giống như gói 30.000 tỷ đã từng tung ra hồi 2013 trong vòng ba năm.

Thứ hai là tiếp tục có gói cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội. Hiện nay, có nhiều chủ đầu tư sẵn sàng tham gia vào kênh nhà ở xã hội vì thấy nhu cầu còn lớn và nhiều tiềm năng. Tất nhiên, các cơ quan quản lý phải giải quyết khá nhiều vấn đề liên quan đến chuyện này trong thời gian vừa qua liên quan đến pháp lý, việc dành 20% quỹ đất và các dịch vụ đi kèm,…

Ngoài ra, trong Chiến lược phát triển nhà ở trong 10 năm (2021 – 2030) cũng dành nhiều nội dung liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân, nhà ở dành cho đối tượng chính sách.

Trong Nghị định do Chính phủ đang dự thảo liên quan đến khu công nghiệp, có yêu cầu rất quan trọng là khu công nghiệp phải có nhà ở dành cho công nhân, có thể nằm trong hoặc bên ngoài khuôn viên.

"Tất cả những yếu tố này sẽ tác động tích cực đến bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở và đất nền", ông Lực nhận định.

Gói phục hồi kinh tế và tương lai thị trường bất động sản - Ảnh 3.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh. (Ảnh: CafeLand).

Cũng liên quan đến vấn đề này, tại Hội thảo "Gói kích thích kinh tế, quy hoạch và cơ hội đầu tư bất động sản năm 2022" do CafeLand tổ chức mới đây, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, nhìn vào năm tới, quá trình phục hồi kinh tế không đồng đều giữa các lĩnh vực, khu vực. 

Do đó, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các loại hình bất động sản khác nhau, từ loggistic, thương mại, du lịch nghỉ dưỡng, nhà ở,... Trong đó, bất động sản du lịch có thể sẽ hồi phục chậm hơn.

"Từ chương trình hỗ trợ này, chúng ta đánh giá rủi ro nhất nhiều khía cạnh, từ nợ công, lạm phát, thâm hụt ngân sách, rồi làm sao để hạn chế việc dòng tiền chảy vào thị trường bất động sản và chứng khoán gây đầu tư quá mức,... Nhưng vẫn phải làm gì đó để kiểm soát việc này, tránh làm hạn chế sự phát triển chung của thị trường.

Chúng ta vẫn mong muốn thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Như vậy, cơ hội đang đan chéo với thách thức", ông Thành nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/goi-phuc-hoi-kinh-te-va-tuong-lai-thi-truong-bat-dong-san-20211224073425982.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/