Giữa lúc đối thủ hụt hơi vì COVID-19, một doanh nghiệp ngành tôm Việt đang tranh thủ chớp thời cơ

Hậu COVID-19, doanh nghiệp tôm Việt Nam đang có nhiều lợi thế để gia tăng sản lượng xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Mỹ, Châu Âu. Dù vậy, cơ hội chỉ thực sự mở ra đối với những doanh nghiệp có nội lực kèm theo đó là cả một quá trình chuẩn bị.

Ngành tôm đi lên giữa đại dịch

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), việc cơ bản đẩy lùi được dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam góp phần giúp tôm Việt Nam có khả năng cạnh cao hơn so với các nguồn cung đối thủ khác như Ấn Độ, Ecuador – những nước cho tới nay vẫn còn phải đang gồng mình chống chọi với COVID-19 mà chưa thể quay lại với hoạt động sản xuất bình thường.

Chỉ tính riêng trong tháng 4, xuất khẩu tôm Việt Nam sang hầu hết các thị trường nhập khẩu chính đều tăng. Giá tôm nguyên liệu và xuất khẩu tôm của Việt Nam có phần tích cực hơn so với các tháng trước đó.

Nhu cầu tiêu thụ tôm tại các nhà hàng, khách sạn giảm nhưng tăng tại siêu thị và hệ thống bán lẻ vì xu hướng mua về nhà chế biến trong thời kì dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam tháng 4 đạt 244,2 triệu USD, tăng 5,8%. Lũy kế 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 872,8 triệu USD, tăng 2,9% so với cùng kì năm 2019.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã chứng kiến hoạt động xuất khẩu tăng lên giữa đại dịch bất chấp nhiều khó khăn vẫn đang bủa vây.

Giữa lúc đối thủ hụt hơi vì COVID-19, tôm Việt Nam chớp thời cơ tăng trưởng - Ảnh 1.

Trong khi xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn thì mặt hàng tôm lại ghi nhận sự tăng trưởng khả quan trong tháng 4/2020. Ảnh: Như Huỳnh.

Đơn cử như Công ty Thực phẩm Sao Ta (Fimex - Mã: FMC) đã ghi nhận doanh số trong tháng 4 tăng 15% so với cùng kì, trong đó EU là một trong các thị trường chủ lực của FMC với tỉ trọng khoảng 30%.

Cụ thể, thông báo về kết quả kinh doanh tháng 4, Công ty Thực phẩm Sao Ta cho biết đã chế biến được 1.196 tấn tôm đông lạnh thành phẩm trong tháng 4, tăng 10% và sản lượng tiêu thụ đạt 990 tấn, tăng 7%. Doanh số chung là 11,2 triệu USD, tăng 15% so với tháng 4/2019. 

Theo ông Hồ Quốc Lực, Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Fimex, nguyên nhân của sự tăng trưởng này là do các cường quốc nuôi tôm đều đang gặp khó khăn. 

Điển hình như tôm nuôi Trung quốc đang bị virus lạ CIV-1 tấn công, gây thiệt hại không nhỏ. Ấn Độ kéo dài phong toả qua hơn giữa tháng này, khiến chuỗi cung ứng tôm bị gãy đổ, giảm nuôi.

Ngoài ra, Ecuador bị COVID-19 tác động khá mạnh, nhà máy chế biến thiếu lao động. Indonesia, Thái Lan cũng bị tác động ít nhiều từ đại dịch khiến tôm Việt Nam tăng sức cạnh trạnh giữa lúc dịch bệnh khó khăn.

"Tín hiệu tích cực nói gọn lại là nguồn cung từ các cường quốc tôm đều có xu hướng giảm sút, thậm chí giảm sút nặng nề như ở Ấn Độ, Trung Quốc

COVID-19 tan đầu quí III là quá tốt. COVID-19 kéo dài hơn, hệ thống nhà hàng, điểm du lịch còn đóng cửa sẽ làm giảm sức cầu, nhất là tôm giá trị cao. Tuy nhiên, bù lại hệ thống siêu thị, bán lẻ sẽ có nhu cầu tăng vì xu thế mua về chế biến ở nhà", ông Lực cho biết.

Không chỉ đạt kết quả khả quan trong tháng 4, tình hình sản xuất tôm tiếp tục tăng trưởng tích cực trong tháng 5/2020.

Theo thông tin mới nhất của Fimex, trong tháng 5, công ty đã thu 39 ao, số còn lại sẽ thu trong tháng 7. Sau đó, tiến hành thả nuôi vụ kế tiếp. Tháng 5 cũng là thời điểm tôm vào mùa vụ, doanh nghiệp chế biến 1.760 tấn tôm thành phẩm, bằng 105% so năm 2019. Doanh số đạt 15,3 triệu USD tăng mạnh so tháng 4. 

Với bước chạy đà hoàn hảo, Fimex còn lạc quan với kế hoạch của cả năm 2020 dù dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến khó lượng.

Kế hoạch tài chính cho năm 2020 của Công ty thực phẩm Sao Ta cho biết năm nay doanh nghiệp này dự định chế biến khoảng 17.500 tấn tôm các loại, tăng 6,4% so với năm trước. Sản lượng tôm tiêu thụ ước khoảng 16.000 tấn, tăng 6,7% và sản lượng tiêu thụ nông sản sẽ đi ngang.

Doanh số chung ước tính 176 triệu USD và lợi nhuận trước thuế tăng 5% lên khoảng 240-250 tỉ đồng. Tuy nhiên, Fimex vẫn "lường" kế hoạch có thể thay đổi theo tình hình dịch bệnh COVID-19.

Còn với toàn ngành, theo VASEP, dự báo xuất khẩu tôm năm nay có thể đạt 3,8 tỉ USD bởi nhiều cửa sáng thị trường, thay vì dự báo ban đầu chỉ 3,5 tỉ USD.

Chuẩn bị cho cú bật sau đại dịch

Theo Chủ tịch Fimex, thời gian tới là cơ hội cho người nuôi và cơ sở chế biến tôm của Việt Nam. Do vậy, người nuôi an tâm thả giống ngay bây giờ, bởi thời tiết đang có xu hướng ngày một thuận lợi hơn.

"Tháng 5, ngành tôm trở mình... như mọi năm. Tháng 5, kim ngạch tiêu thụ tôm sẽ tăng lên so các tháng trước. Tháng 5 còn là cơ hội tốt cho người nuôi tôm, đón đầu cơ hội tôm có giá cuối năm nay do COVID-19 tan, nhu cầu phục hồi trong khi các nguồn cung đang gặp khó khăn", Chủ tịch Sao Ta chia sẻ.

Giữa lúc đối thủ hụt hơi vì COVID-19, tôm Việt Nam chớp thời cơ tăng trưởng - Ảnh 2.

Không chỉ là điểm sáng giữa đại dịch, xuất khẩu tom còn được kì vọng sẽ tăng trưởng lạc quan trong thời gian tới. Ảnh: Như Huỳnh.

Trở lại với câu chuyện của Sao Ta, năm 2019, lợi nhuận của công ty tiếp tục tăng trưởng mạnh đến 27% so với năm trước, đạt 230 tỉ đồng. Đây là mức lãi cao nhất sau 23 năm hoạt động. 

Từng bước đi của Sao Ta cho thấy mặc dù không phải là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao so với các đối thủ trong ngành nhưng đây là doanh nghiệp có bước đi khá vững chắc trong ngành thuỷ sản hiện nay.

Chiến lược phát triển bền vững, không chạy đua theo tăng trưởng nhanh giúp Sao Ta luôn đứng vững trong những thời khắc toàn ngành biến động và tiếp tục đi lên. COVID-19 cũng được xem là một cơ hội lớn để doanh nghiệp như Sao Ta mở rộng thị phần.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư kí VASEP, hậu dịch COVID-19 đang mở ra những cơ hội cho ngành thủy sản nước ta. Đặc biệt, nhiều thị trường đã tăng nhập trở lại như Trung Quốc, Mỹ, ASEAN cũng tăng mua hàng thủy sản Việt Nam.

Đáng chú ý, tôm Việt đang đứng trước cơ hội ở hàng loạt các thị trường chính như Mỹ, EU. Cụ thể, thuế suất chống bán phá giá tại thị trường Mỹ đã về 0%; EU, thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam cũng dự kiến sẽ thuận lợi khi EVFTA nhiều khả năng có hiệu lực trong năm nay.

Giữa lúc đối thủ hụt hơi vì COVID-19, một doanh nghiệp ngành tôm Việt đang tranh thủ chớp thời cơ  - Ảnh 3.

Nguồn: BCTC FMC; Đơn vị: tỉ đồng

Đứng vững sau dịch, Sao Ta cũng đã lên kịch bản để tận dụng tất cả các cơ hội. 

Hiện Sao Ta đang có vùng nuôi tôm riêng rộng 190 ha, đạt chuẩn BAP, ASC, kế hoạch của Công ty là ngay trong năm 2020, doanh nghiệp sẽ hoàn thành kế hoạch tăng thêm khoảng hơn 81 ha nuôi tôm và dự kiến bắt đầu thả nuôi vào quí II. 

Đồng thời, Sao Ta cũng sẽ hoàn tất đầu tư kho lạnh 6.000 tấn tại Khu công nghiệp An Nghiệp, tỉnh Sóc Trăng có thể đi vào hoạt động ngay trong quí II năm nay, nâng tổng công suất kho lạnh của công ty lên 10.000 tấn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp dự định trong giai đoạn mới sẽ tập trung các yếu tố cơ giới hóa tiến tới tự động hóa, tiết kiệm trong việc mở rộng qui mô sản xuất, hướng đến mục tiêu tự chủ 25-30% nguyên liệu...

"Đến năm 2025, Fimex sẽ tăng gấp đôi diện tích nuôi tôm, tranh thủ mọi cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại để mở rộng qui mô kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động và nằm trong top 2 những nhà chế biến tôm lớn nhất Việt Nam", các lãnh đạo Sao Ta cho biết.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/giua-luc-doi-thu-hut-hoi-vi-covid-19-mot-doanh-nghiep-nganh-tom-viet-dang-tranh-thu-chop-thoi-co-20200529143437575.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/