Giám đốc công ty luật phân tích nguy cơ doanh nghiệp Việt bị thâu tóm do khó khăn bởi dịch COVID-19

Điều mà giám đốc một công ty luật lo lắng nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thứ hạng cao trong ngành, nghề của họ sẽ phải bán một phần hoặc toàn bộ cổ phần cho cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Vài tháng qua, khi đại dịch viêm phổi cấp COVID-19 lây lan trên thế giới, công ty luật Basico nhận khá nhiều yêu cầu tư vấn, tìm đối tác góp vốn mua cổ phần và sáp nhập (M&A). Một trong số các yêu cầu đến từ một doanh nghiệp khá lớn trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

Luật sư Trần Minh Hải, giám đốc công ty luật Basico, nói rằng các doanh nghiệp tìm đối tác góp vốn, mua cổ phần đều gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Chẳng hạn, doanh nghiệp không thể nhập nguyên liệu do chuỗi cung ứng đa quốc gia gián đoạn.

"Giai đoạn đáng sợ trong làn sóng thâu tóm doanh nghiệp không phải là vài tháng qua, mà là vài tháng tới, khi áp lực vượt qua ngưỡng chịu đựng của các doanh nghiệp. Khi đó, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều doanh nghiệp có thứ hạng cao trong ngành của họ phải bán cổ phần, tài sản cho cá nhân, tổ chức nước ngoài", ông Hải nhận định.

Số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho thấy, từ đầu năm đến tháng 4, số vụ mua bán doanh nghiệp tăng rõ rệt. Trong số 3 hình thức đầu tư nước ngoài - gồm dự án mới, điều chỉnh vốn đầu tư,  góp vốn mua cổ phần - giá trị hình thức góp vốn mua cổ phần chiếm tỉ lệ cao nhất, lên tới hơn 1 tỉ USD.

Giám đốc công ty luật phân tích nguy cơ doanh nghiệp Việt bị thâu tóm do khó khăn bởi dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp nổi bật trong ngành, nghề của họ ở Việt Nam có thể rơi vào tay cá nhân, tổ chức nước ngoài với giá rẻ do khó khăn từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Ảnh: Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Trên phạm vi cả nước, tổng mức góp vốn, mua cổ phần cũng tăng. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho thấy trong 4 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện 3.210 lượt góp vốn mua cổ phần, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Phạm Trung Kiên, Trưởng phòng Kinh tế Đối ngoại thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, nói rằng M&A là hoạt động đầu tư đang thu hút sự quan của các cá nhân, tổ chức nước ngoài so với hình thức truyền thống là lập dự án mới.

Vốn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng vốn góp mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng, nếu như trước đây mục đích của hoạt động M&A là giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, thì bây giờ bản chất của nhiều thương vụ đã khác.

"Một số thương vụ M&A chỉ phục vụ mục đích lấy xuất xứ hàng hóa, hoặc hợp thức hóa xuất xứ hàng hóa. Đây là tín hiệu đáng lo ngại. Nếu các thị trường châu Âu hay Mỹ phát giác hành vi này, họ có thể trừng phạt cả một ngành, một lĩnh vực", ông Trần Minh Hải giải thích.

Vừa qua, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu Tư, ông Nguyễn Chí Dũng, đã cảnh báo hiện tượng M&A đang diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, dẫn đến nguy cơ các tổ chức, cá nhân nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam với giá rẻ.

Trong hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng với doanh nghiệp hôm 9/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng tình trạng gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa được khắc phục ngay, sẽ còn tiếp tục làm ảnh hưởng lớn đến nhiều doanh nghiệp.

Hiện tượng mua bán và sáp nhập (M&A) trong thời gian tới sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn và có nhiều nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể bị thâu tóm với giá rẻ.

Trước thềm hội nghị, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã gửi các kiến nghị, đề xuất giải pháp tới Chính phủ với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó đề xuất Chính phủ chỉ đạo tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.

VCCI lập luận rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp Việt gặp khó khăn, có nguy cơ phá sản, xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài đang xem xét việc mua lại các doanh nghiệp trong ngành bất động sản, bán lẻ...

"VCCI đề nghị Chính phủ có chỉ đạo tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh để hạn chế việc doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam”, báo Tiền Phong trích kiến nghị của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.

Chỉ tính riêng Trung Quốc, các nhà đầu tư từ nước này thực hiện giao dịch rót vốn đầu tư qua hình thức M&A doanh nghiệp Việt Nam lên đến 557 lượt, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói rằng hiện nay, thế giới đang rất cẩn trọng với nguồn vốn đầu tư nước ngoài và trên thực tế một loạt các nước đang giám sát kỹ về nguồn đầu tư từ nước ngoài.

Ngay cả Mỹ cũng qui định chính phủ có quyền xem xét đầu tư nước ngoài, chứ không để các thương vụ diễn ra tự do như trước đây. 

Hiện tại, theo bà Lan, Việt Nam cần tăng cường việc giám sát hoặc thậm chí thẩm tra các dự án đầu tư nước ngoài, nhất là đối với các trường hợp nghi ngờ có tình trạng đầu tư núp bóng, ẩn danh, dùng vài ba nhà đầu tư khác nhau để thâu tóm ngành hàng trong nước, chiếm thị trường.

"Cần thiết kế bộ lọc để lựa chọn được các doanh nghiệp nước ngoài chất lượng", theo bà Lan. Theo bà, chính phủ cũng cần có chính sách khuyến khích nhà đầu tư trong nước mua lại các dự án chủ chốt của doanh nghiệp trong nước để bảo vệ một số ngành "nhạy cảm", cũng như bảo vệ thị trường.



Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/giam-doc-cong-ty-luat-phan-tich-nguy-co-doanh-nghiep-viet-bi-thau-tom-do-kho-khan-boi-dich-covid-19-20200518144825196.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/