Giải pháp nào cho doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh, sớm trở lại đường đua thời hậu COVID-19?

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự cạnh tranh của doanh nghiệp, bên cạnh các góc độ khác còn là góc độ văn hoá doanh nhân doanh nghiệp thể hiện ở đạo đức kinh doanh.

Chiều 19/8, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức “Diễn đàn: Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững” nhằm lắng nghe tiếng nói của cơ quan quản lý và doanh nghiệp về những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp Việt gặp phải trong quá trình hồi phục.

Từ đó, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, đề xuất những kiến nghị, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, nâng cao sự đột phá trong đổi mới, cạnh tranh.

 Diễn đàn: Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững . (Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp).

Doanh nghiệp Việt dè dặt cạnh tranh hậu COVID-19

Chia sẻ tại diễn đàn, Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang trong quý III, chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế với nhiều kết quả tự hào, được các bạn bè quốc tế đánh giá cao, xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam ở mức "ổn định" và "tích cực".

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, GDP tăng 7,72% trong quý 2, các cân đối lớn được đảm bảo, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh. Đóng góp vào kết quả đáng trân trọng của nền kinh tế có sự chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch VCCI, khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI cũng cho thấy sự khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. 92% doanh nghiệp (94% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 86% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) cho biết bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19.

Hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề và các địa phương đều phải đương đầu với các vấn đề do dịch COVID-19 gây ra, như khó tiếp cận khách hàng (60%), thiếu hụt nhân công (53%), mất cân đối dòng tiền (52%), đứt gãy chuỗi cung ứng (52%)…

“Cùng với những tác động tiêu cực do dịch COVID-19, khảo sát PCI cũng cho thấy các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Đồng thời ông cho biết, những khó khăn trong kinh doanh cùng với tác động của dịch COVID-19 đã khiến cho các doanh nghiệp dè dặt hơn khi xây dựng kế hoạch kinh doanh và điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

“Văn hoá” giúp doanh nghiệp sống sót và tạo lợi thế cạnh tranh

Trước những khó khăn trong cạnh tranh của doanh nghiệp mà ông Hoàng Quang Phòng đưa ra, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) cho hay việc tối ưu hóa lợi ích từ quản trị công ty, hệ thống quản trị công ty không chỉ nên dừng lại ở cấp độ sơ khởi nhất là tuân thủ pháp luật và các quy định hiện hành, đặc biệt trong một thời kỳ doanh nghiệp chuyển từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững.

Theo bà Thanh, doanh nghiệp cần định danh, định vị, định hướng văn hóa Hội đồng quản trị (HĐQT) trong xu thế mới. Dù nắm bắt xu thế mới, văn hóa vẫn là điều cần được xây dựng và bồi đắp. Bởi lẽ, văn hóa là thứ duy nhất còn thiếu khi doanh nghiệp phát triển, là thứ duy nhất còn lại khi doanh nghiệp gặp khủng hoảng, và là thứ duy nhất đối thủ cạnh tranh không thể lấy được từ doanh nghiệp.

Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD); Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD); Chuyên gia tư vấn Quản trị Công ty cao cấp – Deloitte Việt Nam. (Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp).

Trong hơn hai năm vừa qua, có rất nhiều doanh nghiệp đã ứng phó, đối phó và “sống sót” vượt qua “cơn bão” của COVID-19. Một trong những yếu tố rất quan trọng giúp họ làm được điều này, đó chính là nền tảng văn hóa doanh nghiệp. 

Ở đó, các doanh nghiệp huy động được một nguồn lực rất to lớn mà trước nay chưa được gọi tên, đó chính là nguồn lực xã hội (social capital). Khi khủng hoảng ập đến, nguồn lực tài chính (financial capital) chính là những thứ bị cuốn đi đầu tiên.

Tuy nhiên, nguồn lực con người (human capital) nằm trong nguồn lực xã hội, trong sự tương tác của nguồn lực con người trong chính doanh nghiệp, trong sự tương tác giữa doanh nghiệp với các đối tác, nguồn lực xã hội được bền vững trên nền tảng của văn hóa doanh nghiệp.

Theo bà Thanh, trong góc nhìn của năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp có văn hoá kinh doanh tốt, có sự quan tâm cụ thể, đầy đủ người lao động, thì doanh nghiệp đã có nguồn lực người lao động ngay cả khi tài chính đã mỏng đi.

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gồm năng lực về thị trường sản phẩm dịch vụ, con người gồm lãnh đạo, đội ngũ nhân viên, văn hóa doanh nghiệp và tài chính doanh nghiệp. Khi gắn quản trị công ty với năng lực cạnh tranh thì đây chính là một trong những điểm kết nối các nguồn lực và gia tăng các nguồn lực.

Kiên định với tầm nhìn

Về phía doanh nghiệp, theo bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát, từ kinh nghiệm của bản thân, để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp cần phải có chiến lược rõ ràng, nhất quán và kiên định với nguyện vọng và tầm nhìn, sứ mệnh. Những điều này là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp luôn đi đúng hướng và tiến về phía trước. 

Đặc biệt, bà Phương nhấn mạnh, để xây dựng công ty có năng lực cạnh tranh và dẫn đầu, đội ngũ lãnh đao cần là những người có hoài bão, dám nghĩ dám làm. “Tại Tân Hiệp Phát, các cấp quản lý cần là những người sẵn sàng tạo nên sự khác biệt, đầu tư, tìm kiếm những hệ thống, mô hình quản trị. Đồng thời tiên phong triển khai mô hình quản trị hướng tới phát triển bền vững”, bà Phương chia sẻ.

 Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát. (Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp).

Bên cạnh đó, công ty đặt yếu tố tiên phong để nỗ lực đạt được những bước phát triển ấn tượng. Điều này đã giúp Tân Hiệp Phát trở thành công ty đầu tiên trong ngành đạt chứng nhận ISO 9001, ISO 14001…

Đặc biệt, bà Phương cho biết, Tân Hiệp Phát là tập đoàn tiên phong trong sử dụng công nghệ mới để tạo sự thay đổi không chỉ trong chính doanh nghiệp, mà còn tạo làn sóng chuyển đổi trong lĩnh vực nước giải khát.  

Hiểu rõ về doanh nghiệp, Tân Hiệp Pháp đã chủ động đầu tư vào các hệ thống công nghệ thông tin và công nghệ quản trị để cải tiến doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng đã tận dụng cơ hội từ đại dịch để đẩy mạnh chuyển đổi số

Yếu tố con người cũng là một khía cạnh được bà Phương nhấn mạnh. Theo bà Phương, các doanh nghiệp cần khuyến khích các nhân viên phát triển bản thân, vượt qua giới hạn để từ đó tạo ra giá trị lớn hơn cho chính mình và cho cả tổ chức. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/giai-phap-nao-cho-doanh-nghiep-viet-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-som-tro-lai-duong-dua-thoi-hau-covid-19-2022819233940367.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/