Giai đoạn 2021 2030: Hướng tới tăng trưởng chất lượng cao

Để hướng tới tăng trưởng chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam cần tiếp tục nâng mức đầu tư, cải thiện năng suất và có những chính sách phù hợp…

Tại Tọa đàm "Hướng tới tăng trưởng chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2030: Định hướng ưu tiên chính sách", ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - cho biết, thập kỷ sắp tới sẽ có nhiều cơ hội, nhưng cũng thấy cả những rủi ro. Việt Nam sẽ phải đối mặt với dân số già hóa nhanh chóng, nhiều động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của đất nước trước đây sẽ giảm dần.

Giai đoạn 2021 2030: Hướng tới tăng trưởng chất lượng cao - Ảnh 1.

Giám sát chặt nguồn vốn đổ vào bất động sản (ảnh minh họa)

Theo các đánh giá ban đầu, việc thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Kế hoạch 5 năm 2016-2020 đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật. Đó là, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn; cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và cải thiện; tăng trưởng kinh tế đạt khá, chất lượng được nâng lên; cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực… Tuy nhiên, do tác động không thuận của bối cảnh kinh tế thế giới và một số nguyên nhân chủ quan, kết quả phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu tính bền vững và còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, việc tạo nền tảng để đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt yêu cầu; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế không cao cao; các đột phá chiến lược chưa có những bứt phá lớn, đặc biệt về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng...

Góp ý cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, ông Sebastian Eckardt - chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam - cho rằng, thời kỳ Việt Nam hưởng lợi từ dân số "vàng" không còn nhiều. Do đó, Việt Nam cần tăng cường đầu tư và thúc đẩy tăng năng suất để tái tạo đà tăng trưởng, trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.

Ngoài ra, Việt Nam cần cải cách sâu rộng, nâng cao hiệu quả đầu tư, phát triển thị trường vốn, cải cách môi trường kinh doanh, khơi thông những điểm nghẽn cản trở khu vực kinh tế tư nhân; cần thiết đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chú trọng đến sở hữu trí tuệ, tài chính cho khởi nghiệp…

"Về chính sách, Việt Nam cần thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng thông qua 3 đột phá: Nâng cao hiệu quả trung gian tài chính; giải quyết các cản trở đối với khu vực sản xuất và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo" - ông Sebastian Eckardt nhấn mạnh.

Ông Sebastian Eckardt - chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam:
Việt Nam cần nâng cao hiệu quả trung gian tài chính, cải thiện khung pháp lý, khả năng xử lý nợ, giám sát chặt việc vốn tín dụng đổ vào bất động sản, tiêu dùng...

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/giai-doan-2021-2030-huong-toi-tang-truong-chat-luong-cao-20190614074114836.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/