Giá xăng giảm cũng có thể khiến Fed thấy đau đầu

Giá xăng giảm đồng nghĩa với việc các hộ gia đình Mỹ có thêm tiền để chi cho những mặt hàng và dịch vụ khác. Điều này có thể làm tăng áp lực giá cả và khiến cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) càng trở nên khó khăn.

Một cây xăng ở California. (Ảnh: Getty Images). 

Người tiêu dùng Mỹ đang hân hoan vì giá xăng đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm. Tuy nhiên, với các nhà hoạch định chính sách, diễn biến này lại làm nổi bật tình thế tiến thoái lưỡng nan về lạm phát mà Mỹ phải đối mặt.

Theo tờ Bloomberg, hiện tại, một hộ gia đình Mỹ đổ đầy bình xăng 16 gallon chỉ cần trả khoảng 52,2 USD, thấp hơn hẳn con số 80,2 USD hồi tháng 6. Nếu mỗi tuần phải đổ xăng một lần, mỗi tháng họ sẽ có thêm 112 USD để chi tiêu vào khoản khác.

Số liệu tính đến ngày 12/12/2022. 

Thay vì tiết kiệm, người Mỹ đang bận rộn chi tiêu số tiền dư ra cho vé ca nhạc hay đi nghỉ vào cuối tuần. Báo cáo chi tiêu cá nhân công bố vào ngày 1/12 cho thấy lạm phát hàng hóa ở Mỹ đã hạ nhiệt từ mức 8% một năm trước xuống 7,2%, còn lạm phát dịch vụ đi từ mức 5,3% lên 5,4%.

Giá xăng giảm còn khiến người tiêu dùng Mỹ trở nên tự tin hơn về triển vọng của nền kinh tế. Khảo sát tâm lý người tiêu dùng mới nhất của Đại học Michigan cho thấy kết quả tốt hơn dự kiến, chủ yếu là nhờ việc các chủ xe phải trả ít tiền hơn ở cây xăng.

Tỷ lệ người tham gia khảo sát dự đoán xăng tăng giá trong tương lai đã giảm, còn tỷ lệ người kỳ vọng giá xăng giữ nguyên thì tăng lên.

Những thay đổi trên cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang phải chật vật như thế nào để ngăn cản người tiêu dùng thổi bùng lạm phát, ít nhất là trước khi suy thoái xảy ra.

Nhờ các tấm séc trợ cấp mà chính phủ phân phát trong đại dịch, nền kinh tế Mỹ vẫn đang ngập trong tiền và người dân nhìn chung vẫn có thể tuỳ ý chi tiêu mua sắm.

Rắc rối lâu dài 

Trong bối cảnh tiền lương tiếp tục tăng, việc làm vẫn dồi dào và người tiêu dùng vẫn còn khả năng quẹt thẻ tín dụng, hầu như không gì có thể ngăn cản dự định chi tiêu của người Mỹ.

Do đó, giá một số loại sản phẩm và dịch vụ nhất định có thể bất ngờ tăng lên, dù cho áp lực lạm phát tại những bộ phận khác của nền kinh tế suy giảm.

Rắc rối là điều này có thể khiến lạm phát tăng ngược trở lại, và đây là lý do khiến rất nhiều nhà kinh tế lo ngại rằng giá cả sẽ gia tăng trong một khoảng thời gian dài. Tiền sẽ liên tục di chuyển từ khu vực này sang khu vực khác trong nền kinh tế, và tệ hơn nữa là giá xăng cũng có nguy cơ biến động liên tục.

Các nhà phân tích từ JPMorgan Chase cho đến Energy Aspects dự đoán giá dầu có thể tăng đáng kể trong tương lai do chiến sự Nga-Ukraine chưa chấm dứt và nguy cơ thời tiết ở Mỹ cũng như châu Âu trở nên lạnh giá hơn.

Trên đài CBS hôm 11/12, ông Jamie Dimon, CEO JPMorgan, cảnh báo: “Rắc rối trên thị trường dầu khí sẽ còn kéo dài trong nhiều năm. Do đó, nếu tôi là quan chức trong chính phủ hay cơ quan có thẩm quyền, tôi nghĩ tốt nhất là chúng ta phải chuẩn bị cho trường hợp xấu hơn nữa”.

Giá năng lượng đắt đỏ có thể sẽ dẫn đến kịch bản lạm phát đình trệ và khiến các quan chức ngân hàng trung ương mất ăn mất ngủ, đặc biệt là khi tiền tiết kiệm của người Mỹ đang cạn dần.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 của Mỹ tăng thấp hơn dự báo, nhưng điều này có thể sẽ làm giảm áp lực lên các hộ gia đình và khuyến khích họ chi tiêu nhiều hơn.

Các nhà kinh tế lo rằng Mỹ sẽ cần khoảng thời gian dài để quay trở về môi trường lạm phát 2%. Nền kinh tế số một thế giới có thể tránh được suy thoái tức thời nhờ năng lực chi tiêu tổng thể của người dân.

Nhưng mặc khác, nền kinh tế Mỹ lại đang trở nên dễ bị tổn thương trước những cú sốc giá hơn, đặc biệt là khi người tiêu dùng đang quen với giá xăng thấp như hiện nay.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gia-xang-giam-cung-co-the-khien-fed-thay-dau-dau-2022121482523816.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/