Giá vàng có tái lặp kịch bản phi mã như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008?

Theo các chuyên gia có khá nhiều điều tích cực đối với vàng như lạm phát tăng và lãi suất thực âm trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thị trường thế giới. Liệu khả năng vàng sẽ tăng mạnh mẽ như đợt bùng nổ trong lịch sử đã từng ghi nhận?

Diễn biến giá vàng có khác năm khủng hoảng kinh tế 2008?

Trong thời kỳ nền kinh tế toàn cầu đang chịu thiệt hại nặng nề từ đại dịch COVID-19 như hiện nay, việc tìm ra một kênh đầu tư hiệu quả và ít rủi ro là một câu hỏi khó. Nhiều nhà đầu tư đặt kỳ vọng rất lớn vào vàng với niềm tin giá vàng tăng khi có khủng hoảng kinh tế.

Trong lịch sử đã từng ghi nhận cuộc khủng hoảng năm 2008 kéo dài 18 tháng trong suốt năm 2008 và 2009 là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử tài chính thế giới. 

Tuy nhiên, vào giai đoạn đó, vàng đã thể hiện sức mạnh to lớn của một tài sản trú ẩn lý tưởng khi giá vàng liên tục tăng vọt. Từ năm 2008-2012, vàng thỏi đã tăng từ mức khoảng 872 USD/ounce (năm 2008) lên mức 1.664 USD/ounce (năm 2012).

Giá vàng có tái lặp kịch bản phi mã như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008? - Ảnh 1.

Giá vàng thế giới tăng mạnh mẽ từ sau cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu năm 2008. (Nguồn: Kitco.com)

Đến giai đoạn 2020-2021 là thời gian khó khăn với nền kinh tế toàn cầu khi thế giới phải đương đầu với đại dịch COVID-19.

Khi dịch bệnh lan rộng, kinh tế thế giới nhanh chóng bị đình trệ do các quốc gia lần lượt ban hành các lệnh phong tỏa, kiểm soát dịch và hạn chế đi lại. Tình trạng thất nghiệp diễn ra tràn lan và số liệu GDP nhiều nước trên thế giới thấp kỷ lục đã xác định sự suy yếu của nền kinh tế. 

Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tuột dốc 9,5% trong quý II/2020, giảm gần 33% so với cùng kỳ năm trước đó. Đây là mức giảm sâu nhất của một quý, kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, xóa sạch thành quả tăng trưởng kinh tế trong 5 năm và ghi dấu mức tăng trưởng tồi tệ nhất tính từ năm 1947. 

Cùng với mức giảm gần 5% trong quý I/2020, nền kinh tế Mỹ đã chính thức rơi vào suy thoái lần đầu tiên kể từ năm 2009.

Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 14,7% vào tháng 4/2020, mức cao nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng những năm 30 thế kỷ trước cũng tạo gánh nặng lớn cho kinh tế Mỹ.

Trong giai đoạn này, sự không chắc chắn đã chi phối tâm lý thị trường. Do đó, chỉ trong thời gian ngắn, giá vàng đã phản ứng với cuộc suy thoái COVID-19 theo xu hướng tăng giá từ mức thấp của tháng 3/2020 khoảng 1.472 USD/ounce lên mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 8/2020 hơn 2.060 USD/ounce, giá vàng đã nhanh chóng tăng gần 40%.

Giá vàng có tái lặp kịch bản phi mã như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008? - Ảnh 2.

Giá vàng tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại trong năm 2020. (Nguồn: Tradingeconomics)

Bước sang năm 2021, diễn biến của giá vàng không còn sôi nổi và bất ngờ như năm trước đó. 

Trong những tuần qua, vàng đã mất đi vị thế của một tài sản trú ẩn an toàn khi giá liên tục sụt giảm do các nhà đầu tư tìm cách thu hồi tiền mặt giữa những cơn hoảng loạn và rung lắc mạnh của thị trường chứng khoán và tài chính toàn cầu. 

Tuy nhiên, đây cũng là những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nên nhiều nhà đầu tư kỳ vọng quỹ đạo giá vàng năm nay sẽ tương tự như năm lịch sử đó và đem lại lợi ích cho kim loại quý.

Giá vàng có tái lặp kịch bản phi mã như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008? - Ảnh 3.

Diễn biến giá vàng trong những tuần gần đây tăng giảm thất thường. (Nguồn: Kitco.com)

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng so sánh với đợt khủng hoảng kinh tế 2008, đợt khủng hoảng kinh tế lần này khác nhau hoàn toàn.

Năm 2008 cuộc khủng hoảng bắt đầu từ thị trường bất động sản của Mỹ, sau đó nó bắt đầu hồi phục vào năm 2009 dưới Chính quyền mới của Tổng thống Obama, đến năm 2011-2012 sự hồi phục kinh tế của Mỹ và thế giới rõ ràng hơn.

Trong khi dịch bệnh hiện tại tác động đến các nền kinh tế từ khủng hoảng y tế. Tại các nước phương tây cơ bản đã kiểm soát được đợt dịch, nền kinh tế bắt đầu khôi phục nhưng tại các nước khác, trong đó có Việt Nam nền kinh tế đang bị lay động mạnh mẽ vì đại dịch, đến hiện tại vẫn chưa ai biết đỉnh dịch nằm ở đâu, khi mỗi ngày vẫn ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới cũng như tử vong vẫn ở mức cao.

Ở Việt Nam cũng như các nước xung quanh như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ,...đang rất lao đao vì dịch bệnh, có thể nói năm 2021 các nền kinh tế châu Á chịu tác động rất lớn. 

"Nếu kiểm soát được trong năm nay thì có thể sang năm nền kinh tế có thể hồi phục nhưng ngược lại nếu không kiểm soát được trong những tháng tới thì tác động của nó đến nền kinh tế còn mạnh mẽ hơn, từ đó, giá vàng sẽ tăng.

Tuy nhiên, thị trường vàng những năm qua ổn định nên ngay cả trong biến động lớn của nền kinh tế thì nó vẫn không tăng nhiều và mạnh mẽ", chuyên gia Trí Hiếu cho hay.

Nhận định về quỹ đạo của giá vàng hiện nay với đợt tăng giá mạnh mẽ hồi năm 2008, chuyên gia vàng Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), cũng cho rằng kịch bản hiện nay so với 13 năm trước không giống nhau.

Theo ông Hải, cuộc khủng hoảng năm 2008 xuất phát từ nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ liên tục cắt giảm lãi suất cơ bản từ trên 4% xuống gần bằng 0% và tung ra gần 4.000 tỷ USD ra thị trường đã làm cho giá vàng thế giới từ 300-400 USD/onuce tăng lên đỉnh điểm hơn 1.900 USD/ounce, đây là một tốc độ tăng kỷ lục.

"Năm nay, chúng ta cũng thấy "bóng dáng" của cuộc khủng hoảng năm đó như Fed hạn chế mua trái phiếu chính phủ nhưng mức độ của năm nay không nặng nề như đợt khủng hoảng năm 2008 mà chỉ có yếu tố bất ngờ bởi dịch COVID-19. 

Và thực tế Chính phủ Mỹ đã liên tục tung các gói hỗ trợ trong thời gian qua nhưng vàng vẫn không tăng mạnh mẽ như hồi tháng 8/2020 lên hơn 2.060 USD/ounce mà hiện nay chỉ quanh mức 1.800 USD/ounce", ông Hải nhận định.

Chỉ ra nguyên nhân giá vàng tăng kỷ lục mọi thời đại trong tháng 8 năm ngoái, ông Hải cho biết do năm ngoái có yếu tố bất ngờ trong chính trường Mỹ. 

Cụ thể ngày 3/11/2020 khi cuộc bầu cửa Mỹ diễn ra, các chính sách của đảng Dân chủ Mỹ, đại diện là ông Joe Biden và chính sách của đăng Cộng hòa là ông Donald Trump gần như trái ngược nhau nên đã tạo ra tình thế bất định và khiến giá vàng tăng cao.

Giá vàng đang trở lại "đường đua"?

Ghi nhận thị trường đầu phiên ngày 15/9, giá vàng thế giới vượt qua mức 1.800 USD/ounce, lên 1.804 USD/ounce, tăng 18 USD/ounce. Trong phiên giao dịch Mỹ (đêm 14/9), vàng có lúc tăng lên gần 1.810 USD/ounce.

Theo Reuters, giá vàng lên cao nhất một tuần trong phiên giao dịch ngày 14/9, vì đồng USD giảm sau khi lạm phát tháng 8 của Mỹ tăng với tốc độ chậm hơn dự kiến và dẫn đến bất ổn về khung thời gian Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thu hồi các kích thích tiền tệ.

Ông Suki Cooper, nhà phân tích kim loại quý tại Standard Chartered, cho biết vàng đang thử ngưỡng 1.800 USD/ounce sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ yếu hơn dự kiến một chút. Ông nói thêm rằng yếu tố vĩ mô này sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng cao hơn của giá vàng.

Tại thị trường trong nước, mở cửa phiên giao dịch ngày 15/9, giá vàng cũng quay đầu tăng sau các phiên liên tục giảm với mức tăng 100.000 đồng/lượng tại các hệ thống cửa hàng kinh doanh như Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, Tập đoàn Doji, PNJ nhưng chênh lệch mua bán hiện đang khá lớn, khoảng 1 triệu/lượng.

Tuy nhiên, sang phiên giao dịch sáng nay 16/9, giá vàng thế giới đã quay đầu giảm. Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống mức 1.790,7 USD/ounce vào lúc 11h40 (giờ Việt Nam). Giá vàng giao tháng 12 cũng giảm hơn 0,1% xuống 1.792 USD.

Giá vàng có tái lặp kịch bản phi mã như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008? - Ảnh 4.

Diễn biến giá vàng thế giới trong phiên giao dịch 16/9 so với các phiên trước đó. (Nguồn: Kitco.com)

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, thị trường vàng trong nước ổn định ở mức 56-57 triệu đồng/lượng do nhu cầu gom vàng như ngày xưa không còn mà thay vào đó người dân đổ tiền rất nhiều vào chứng khoán, ngoài ra do tiền đồng Việt Nam ổn định nên họ cũng không có nhu cầu đầu tư nhiều vào vàng để giữ giá trị tài sản.

Trong khi thị trường vàng thế giới những ngày qua đang giao động quanh mức thấp do giá trị đồng USD tăng. 

"Tuy nhiên, hiện nhiều Chính phủ trên thế giới có các gói hỗ trợ kinh tế, đẩy lượng tiền lớn vào lưu thông, từ đó rủi ro lạm phát tăng cao, có thể ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền của các nước và đẩy giá vàng tăng lên", ông Hiếu nhận định.

Dữ liệu liên quan đến lạm phát Mỹ vừa công bố cho biết chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (CPI) của Mỹ tăng 0,1% trong tháng 8, thấp hơn so với dự đoán tăng 0,3% và gây áp lực lên đồng USD. Đó là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 2/2021 sau khi tăng 0,3% trong tháng 7/2021.

Nhà phân tích độc lập Ross Norman cũng cho rằng: “Có khá nhiều điều tích cực đối với vàng như lạm phát tăng và lãi suất thực âm nhưng Fed đã để mắt đến chúng tôi nhiều hơn vào thời điểm mà lãi suất sẽ tăng và chúng sẽ bắt đầu giảm dần”.

Ông Norman lưu ý rằng, CPI có thể đã giảm vào tháng trước, giáng một đòn mạnh vào các nhà đầu tư coi vàng như một biện pháp bảo vệ lạm phát. 

Dữ liệu lạm phát có thể củng cố quan điểm rằng Fed có thể không cần gỡ bỏ các biện pháp hỗ trợ kinh tế ngay và giữ lãi suất ở mức thấp. Lãi suất thấp làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.

Nhà đầu tư nên quan sát kỹ để "bắt sóng vàng"

Chuyên gia Trần Thanh Hải dự báo rằng: "Năm nay mặc dù lo ngại lạm phát và dịch bệnh phức tạp trên toàn thế giới, Chính phủ Mỹ đã tung ra hàng loạt các gói hỗ trợ nhưng giá vàng chỉ vọt lên 1.830 USD/ounce rồi giảm xuống 1.800 USD/ounce.

Do đó, với bối cảnh hiện nay, giá vàng từ đây đến cuối năm có khả năng sẽ điều chỉnh tăng nhưng chỉ ở mức độ vừa phải, giới hạn ở khoảng 1.900 USD/ounce chứ khó thể vượt mức 2.000 USD/ounce như năm 2020".

Còn theo ông Nguyễn Trí Hiếu, việc giá vàng sẽ đi về đầu trong tương lai là điều khó đoán định. Trong một năm qua, giá vàng có lúc lên đến 2.200 USD/ounce rồi lại xuống đến 1.700 USD/ouce và bây giờ đang loay hoay quanh mức 1.700 - 1.800 USD/ounce.

Tuy nhiên, thời gian tới, giá vàng sẽ tiếp tục có những biến động khi tình hình kinh tế rất bất ổn do dịch bệnh. Với nền kinh tế lớn như Mỹ, Chính phủ nước này đang dự tính có thêm gói đầu tư vào hạ tầng cơ sở lên đến hàng nghìn tỷ USD. Nếu gói hỗ trợ này thực hiện được có thể dẫn đến lạm phát và đẩy giá vàng tăng lên.

Ở chiều ngược lại, nếu tình hình kiểm soát dịch bệnh tốt hơn trên thế giới thì các nền kinh tế sẽ phục hồi và vị trí là nơi trú ẩn an toàn của vàng sẽ giảm bớt.

Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh hiện nay, rất nhiều quốc gia đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có Việt Nam, có thể dự báo giá vàng sẽ tăng giá trong cuối năm nay và sang năm.

"Giá vàng có thể tăng từ nay đến cuối năm nhưng tăng bao nhiêu rất khó dự đoán, sang năm 2022 giá vàng sẽ tiếp tục tăng ở mức độ nhẹ do các nền kinh tế đi vào hồi phục. Đến năm 2023 sẽ tạo sự ổn định, nếu không có các biến chuyển lớn từ phía các vấn đề quân sự, kinh tế", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu dự đoán.

Do đó, ông Hiếu cho rằng các nhà đầu tư nên quan sát tình hình kinh tế Việt Nam và thế giới một cách chặt chẽ bởi các thị trường đầu tư như vàng, chứng khoán, bất động sản, tiền gửi ngân hàng luôn đi cùng với biến chuyển trong nền kinh tế.

Cụ thể, việc đầu tiên là nhà đầu tư nên quan sát các chỉ số kinh tế vĩ mô cũng như các chỉ số của từng lĩnh vực đầu tư. Thứ hai là nên phân bổ rủi ro, không nên tập trung quá nhiều vào một kênh đầu tư như với chứng khoán, tình hình của thị trường này biến chuyển khôn lường có lúc VN-index lên 1.400 nhưng giờ lình xình khoảng 1.300 điểm nên các nhà đầu tư nên cẩn trọng.

Thứ ba, nhà đầu tư nên tuyệt đối tránh thời điểm này là việc vay tiền để đầu tư. Đầu tư là việc lâu dài trong khi đi vay là ngắn hạn, hai động thái này trái ngược nhau nên vấn đề đi vay để đầu tư là điều quan trọng mà nhà đầu tư cần chú ý.

"Trong các thị trường đầu tư như chứng khoán dù đang biến động nhưng phát triển tương đối tốt trong năm qua, bất động sản khá tốt hồi đầu năm nhưng giờ đang trầm lắng, với ngân hàng thì đang giảm lãi suất nên nhiều người rút tiền và đầu tư vào kênh khác. Có thể thấy tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh đầu tư tốt vì đây là ngành có độ an toàn cao, phần còn lại có thể xem xét là bất động sản và chứng khoán".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gia-vang-co-tai-lap-kich-ban-phi-ma-nhu-cuoc-khung-hoang-tai-chinh-toan-cau-nam-2008-20210914161758464.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/