Giá ure thế giới diễn biến trái chiều, doanh nghiệp Việt có hưởng lợi?

Giá ure trong nước có thể sẽ cao hơn giá ure tại Trung Quốc và Ấn Độ do Trung Quốc. Nhờ mặt bằng giá bán cao, các doanh nghiệp phân bón sẽ tiếp tục hưởng lợi đến hết năm 2022, dù tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm sẽ chậm hơn đầu năm.

Giá ure tại Việt Nam cao hơn mặt bằng của Ấn Độ, Trung Quốc

Trong báo cáo ngành phân bón,Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết giá ure tại Mỹ giao dịch quanh mức 614 USD/tấn, giảm 6% so với đầu năm nhưng tăng 45% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá ure tại Mỹ, Trung Đông và Baltic đang trên đà phục hồi do khủng hoảng khí đốt tại Châu Âu khiến nguồn cung phân bón khu vực này sụt giảm. Trước đó, giá ure tại các khu vực này đã lập đỉnh vào tháng 4, sau đó tạo đáy vào tháng 6.

Ở chiều ngược lại, giá ure tại Trung Quốc và Ấn Độ có xu hướng giảm sau khi lập đỉnh vào tháng 6. Hiện, giá ure tại Trung Quốc khoảng 480 USD/tấn, giảm 43% so với đầu năm nhưng tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021.

 (Nguồn: BSC)

BSC cho rằng sự phân hoá này do Trung Quốc sử dụng than để sản xuất ure thay vì khí thiên nhiên như các quốc gia khác. Ngoài ra, trong tháng 6 vừa qua Nga không áp dụng hạn ngạch xuất khẩu phân bón, tăng cường xuất khẩu phân bón sang Trung Quốc, Ấn Độ với giá chiết khấu khoảng 30%.

Ở thị trường nội địa, giá ure biến động theo thị trường thế giới. Tuy nhiên, BSC cho rằng giá ure trong nước có thể sẽ cao hơn giá ure tại Trung Quốc và Ấn Độ do Trung Quốc là nhà xuất khẩu ure lớn vào thị trường Việt Nam, chiếm 45% lượng phân bón nhập khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn với Việt Nam trong việc xuất khẩu ure tới các thị trường trong khu vực như Campuchia, Hàn Quốc, Lào, Malaysia…

Mặt khác, Ấn Độ là nhà nhập khẩu ure lớn nên các thông tin về đợt thầu của Ấn Độ như khối lượng đặt thầu và giá trúng thầu sẽ tác động đến giá trong khu vực và trên thế giới.

Doanh nghiệp phân bón tiếp tục hưởng lợi nhờ mặt bằng giá cao

Giá ure trong nước và giá nguyên liệu đầu vào (FO Singapore) đang diễn biến theo hướng có lợi cho doanh nghiệp sản xuất đạm khí. Giá ure trung bình 8 tháng cao hơn 60% so với trung bình cả năm 2021 trong khi con số này đối với dầu FO Singapore chỉ là 38%.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ phân bón có xu hướng giảm trong năm 2022, đặc biệt sụt giảm trong quý II. Nguyên nhân là do giá gạo thấp hơn so với cùng kỳ và mùa cao điểm bón phân vụ Hè Thu giá phân bón cao khiến nông dân giảm lượng sử dụng.

BSC kỳ vọng trong nửa cuối năm, giá gạo sẽ cải thiện và thúc đẩy nhu cầu phân bón nội địa nhờ Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới cấm và hạn chế xuất khẩu một số loại gạo, đồng thời hạn hán cũng như điều kiện thời tiết xấu tại một số quốc gia trồng lúa khiến năng suất giảm.

Giá gạo tấm 5% tại Việt Nam đã tăng gần 5% thêm 20 USD/tấn ngay sau thông báo cấm xuất khẩu của Ấn Độ và được dự báo tiếp tục tăng.

Bên cạnh đó, Trung Quốc, quốc gia chiếm tỷ trọng nhập khẩu phân bón lớn nhất Việt Nam với 45%, đã nới lỏng xuất khẩu phân bón từ tháng 6 nhưng lượng xuất khẩu vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2021 và 2020.

(Nguồn: BSC) 

BSC kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát và hạn chế lượng xuất khẩu phân bón khi quốc gia này bước vào vụ gieo trồng lớn nhất trong năm tháng 10 – tháng 12 giúp hạn chế lượng cung phân bón và hỗ trợ giá ure trong nước.

Với những yếu tố trên, BSC duy trì quan điểm khả quan đối với doanh nghiệp ngành phân bón trong năm 2022 nhờ mặt bằng giá bán duy trì mức cao so với cùng kỳ dù tốc độ tăng trưởng giảm tốc so với nửa đầu năm.

Đối với năm 2023, mức nền cao là thách thức lớn nhất với tăng trưởng của doanh nghiệp phân bón. Giá ure thế giới sẽ điều chỉnh từ 2023, tuy nhiên việc sụt giảm nguồn cung phân bón ở châu Âu sẽ hỗ trợ giá ure thiết lập mặt bằng giá mới.

BSC cũng kỳ vọng giá khí tự nhiên của châu Âu sẽ thiết lập mặt bằng giá mới trong giai đoạn 2023 – 2024 do chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng lớn để thay thế cho nguồn cung từ Nga. Điều này khiến nguồn cung phân bón trên toàn cầu sụt giảm do chi phí sản xuất phân bón ở châu Âu tăng lên, một số nhà máy phân bón cắt giảm sản lượng hoặc đóng cửa vĩnh viễn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gia-ure-the-gioi-dien-bien-trai-chieu-doanh-nghiep-viet-co-huong-loi-202292483355397.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/