Giá thép xây dựng tiến sát mốc 18,5 triệu đồng/tấn, phá đỉnh năm 2021

Giá thép xây dựng của nhiều thương hiệu như Pomina, Gang thép Thái Nguyên,... đã phá đỉnh 18 triệu đồng/tấn từng thiết lập trong năm 2021.

Đầu tháng 3, các thương hiệu thép như Hòa Phát, Việt Đức, Việt Ý, Kyoei, Pomina...  đồng loạt tăng mạnh, đẩy giá thép xây dựng lên mức 17,7 – 18,4 triệu đồng/tấn, theo số liệu của Steel Online.

Đáng chú ý, thương hiệu thép Ponima tại miền Trung có mức tăng cao nhất, dòng thép cuộn CB240 tăng 610.000 đồng/tấn, lên mức 18,2 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 660.000 đồng/tấn, hiện có giá 18,47 triệu đồng/tấn.

Giá thép xây dựng tiến sát mốc 18,5 triệu đồng/tấn, phá đỉnh năm 2021 - Ảnh 1.

(Nguồn: Steel Online)

Tương tự ở CTCP gang thép Thái Nguyên thép cuộn CB240 có giá mới là 18,1 triệu đồng/tấn, còn thép thanh vằn D10 CB300 có giá 18,2 triệu đồng/tấn.

Ngoài ra, các dòng thép của Hoà Phát đều tăng thêm hơn 700.000 đồng mỗi tấn so với đầu tháng. Chẳng hạn, thép thanh vằn CB300 D10 có giá mới là 17,8 triệu đồng mỗi tấn, CB240 là 17,7 triệu đồng...

Giá thép xây dựng tiến sát mốc 18,5 triệu đồng/tấn, phá đỉnh năm 2021 - Ảnh 2.

(Nguồn: Steel Online)

Như vậy, sau đợt tăng này, giá thép xây dựng của nhiều thương hiệu đã phá đỉnh năm 2021. Trước đó, năm 2021 có thời điểm giá thép xây dựng của Hòa Phát đạt khoảng 18 triệu đồng/tấn.

Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng xung đột giữa Ukraine và Nga có thể làm gián đoạn nguồn cung ứng thép trên thế giới, dẫn tới thiếu hụt nguồn cung và làm tăng giá thép.

Hiện, Nga là nước xuất khẩu thép lớn trên thế giới, đặc biệt tại thị trường Châu Âu (chiếm 15% thị phần xuất khẩu vào EU, cùng với hai nước có liên quan là Ukraine và Belarus thì tổng xuất khẩu thép của 3 nước này vào EU chiếm 38%).

Do đó, khi thế giới bắt đầu triển khai các biện pháp trừng phạt Nga sẽ dẫn tới việc thiếu hụt mạnh nguồn cung trong khi nhu cầu thép vẫn đang hồi phục nhanh trong 2022 sau đại dịch COVID-19.

Với diễn biến khả quan của giá thép, VCBS cho rằng các doanh nghiệp Nam Kim, Hoa Sen và Hòa Phát có thể tiếp tục duy trì được quy mô doanh thu và lợi nhuận sang năm 2022.

Tuy nhiên, VBCS nhận định: "Cần lưu ý rằng hiện EU vẫn áp thuế nhập khẩu thép dựa trên hạn mức xuất khẩu, do đó tăng trưởng về sản lượng xuất khẩu của Việt Nam trong 2022 sẽ không còn cao như 2021".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gia-thep-xay-dung-tien-sat-moc-185-trieu-dong-tan-pha-dinh-nam-2021-20220308184919276.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/