Giá thép Trung Quốc tiếp tục giảm, có thể tăng nhập khẩu quặng sắt từ Australia và Brazil

Do kì nghỉ Quốc tế lao động sắp tới gần, các nhà máy Trung Quốc tập trung mua quặng sắt tích trữ khiến nhu cầu vẫn ở mức cao trong khi giá thép nội địa vẫn giảm nhẹ. Lượng quặng sắt tại Australia và Brazil cũng tăng mạnh so với tuần 10 – 17/4, do đó, dự báo lượng hàng này có thể được chuyển qua Trung Quốc trong thời gian tới.

Giá thép cán nóng, thép cán nguội đồng loạt giảm

Hiện tại, thị trường thép Trung Quốc phải đối mặt với áp lực lớn. Thứ nhất, sản lượng thép tiếp tục tăng lên khi các lò cao hoạt động tích cực trong 7 tháng liên tiếp và tốc độ vận hành lò điện trở về mức bình thường. Thứ hai, lượng hàng tồn kho trên thị trường tiêu thụ chậm.

Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch của thép thanh và thép cuộn cán nóng (HRC) trong tuần 17 – 24/4 giảm so với tuần trước, cho thấy các ngành công nghiệp hạ nguồn và thương nhân giao dịch khá thận trọng. Khi ngày Quốc tế lao động đang đến gần, ngành công nghiệp hạ nguồn cần phải dự trữ các sản phẩm nhưng lượng mua sắm sẽ không lớn nếu hàng tồn kho cao.

Giá thép Trung Quốc tiếp tục giảm, có thể tăng nhập khẩu quặng sắt từ Australia và Brazil - Ảnh 1.

Giá một số loại thép Trung Quốc trong tuần 17 - 24/4. Nguồn: Tổng hợp từ SteelHome

Tại ngày 24/4, giá thép HRC Q235 2,75mm tại 28 khu vực sản xuất chính của Trung Quốc giảm 12 nhân dân tệ/tấn so với tuần trước đó, đạt 3.518 nhân dân tệ/tấn, giá HRC Q235 5,75mm giảm 11 nhân dân tệ còn 3.417 nhân dân tệ/tấn, theo dữ liệu của SteelHome.

Diễn biến cung cầu thép cán nóng không cân bằng khi sản lượng tăng gần 6% so với cùng kì năm ngoái, đạt trên 20 triệu tấn trong khi hàng tồn kho tiêu thụ chậm. Khối lượng giao dịch của HRC đạt trên 21.900 tấn trong tuần, giảm 4,5% so với tuần 10 – 17/4, tồn kho tại các thị trường và nhà máy giảm 110.000 tấn còn 4,8 triệu tấn. Thương nhân chỉ tập trung đẩy mạnh việc bán hàng. SteelHome dự báo giá HRC sẽ giảm nhẹ trong tuần 24/4 – 1/5.

Đối với thị trường thép cuộn cán nguội (CRC), nguồn cung tăng lên trong khi nhu cầu khá yếu. Giá CRC 0,5mm và 1mm cùng giảm trên 22 nhân dân tệ/tấn còn lần lượt 4.109 nhân dân tệ/tấn và 3.876 nhân dân tệ/tấn.

Đối với thị trường thép xây dựng, nguồn cung tương đối cao do tốc độ vận hành lò cao tăng nhanh. Giá thép dây cắt nhanh HPB300 8mm khoảng 3.715 nhân dân tệ/tấn và thép thanh HRB400 18-25mm đạt 3.579 nhân dân tệ/tấn. Ngược lại, nhu cầu thép tấm khá tích cực. Giá thép Q235 8mm và 20mm tăng nhẹ so với tuần trước đó.

Tăng nhập khẩu quặng sắt từ Australia và Brazil?

Tuần qua, giá quặng sắt cũng lao dốc chủ yếu do giá dầu thô giảm mạnh. Tồn kho quặng sắt tại các cảng vẫn ở mức thấp trong khi các nhà máy tích cực mua vào trước kì nghỉ Quốc tế lao động khiến giao dịch nhìn chung tương đối cao.

Tại ngày 24/4, giá quặng sắt đường biển đối với loại Fe 61,5% giảm 2,5 USD/tấn xuống còn 83 – 84 USD/tấn. Trong khi đó, giá giao ngay trong nước giảm 10 – 15 NDT/tấn còn 540 -670 nhân dân tệ/tấn. Giá tại Tangshan tăng 10 nhân dân tệ/tấn lên 815 nhân dân tệ/tấn.

Giá thép Trung Quốc tiếp tục giảm, có thể tăng nhập khẩu quặng sắt từ Australia và Brazil - Ảnh 2.

Đơn vị: Nhân dân tệ/tấn . Nguồn: Tổng hợp từ SteelHome

Cùng ngày, hợp đồng quặng sắt giao dịch nhiều nhất trên Sàn Giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa ở mức 607 nhân dân tệ/tấn, giảm 5 nhân dân tệ/tấn so với ngày 17/4. Tỉ lệ vận hành lò điện hồ quang và lò cao đều vượt 90%, tiếp tục tăng nhẹ so với tuần trước.

Tại thị trường nước ngoài, các lô hàng quặng sắt của Australia và Brazil đều tăng tương ứng 1,9 và 1,5 triệu tấn lên 17 triệu tấn và 6,2 triệu tấn. Tổng lô hàng của hai nước đạt trên 23,2 triệu tấn quặng sắt. 

Trong khi đó, lượng quặng sắt tại các cảng lớn nhất ở Trung Quốc giảm 70.000 tấn còn 850.000 tấn. Dự báo, các chuyến hàng quặng sắt từ Australia và Brazil đến Trung Quốc sẽ tăng dần trong thời gian tới.

Theo dữ liệu của SteelHome tại ngày 23/4, tồn kho quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc giảm 0,6 triệu tấn so với ngày 16/4 còn gần 118 triệu tấn.    

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gia-thep-trung-quoc-tiep-tuc-giam-co-the-tang-nhap-khau-quang-sat-tu-australia-va-brazil-20200427210001887.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/