Giá phân bón tăng chóng mặt, nông dân đứng trước nguy cơ lỗ trong vụ Đông Xuân

Phân bón tăng cao khiến cho nông dân ở vùng sản xuất trọng điểm của cả nước lo lắng vì mức lợi nhuận sẽ thu hẹp, thậm chí lỗ trong vụ Đông Xuân tới, vụ lúa được xem là chính vụ trong năm.

Phân bón 'ăn' mất lãi của người nông dân

Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực sản xuất lúa gạo nhiều nhất nước, chiếm hơn 50% sản lượng gạo của quốc gia. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá vật tư đầu vào tăng chóng mặt, đặc biệt là phân bón tăng cao đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của bà con nông dân.

Chia sẻ với người viết, ông Lê Văn Cua, nông dân trồng lúa tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, không giấu nổi lo lắng khi giá phân bón tăng chưa có điểm dừng.

Theo ông Cua, hiện tại giá mua nợ phân đạm Cà Mau là 1.050.000 đồng/bao còn phân DAP là 1.375.000 đồng/bao và Kali là 1.080.000 đồng/bao. Trong khi cùng kỳ năm trước, phân đạm Cà Mau chỉ có 370.000 đồng/bao, DAP giá 580.000/bao, Kali giá chỉ 430.000/bao.

Đáng nói, Đông Xuân là vụ lúa chính của ĐBSCL nên nông dân rất trông chờ ở vụ này. Thế nhưng, từ đầu tháng 4/2021 đến nay giá phân bón liên tục tăng và với mức giá hiện nay, dự báo vụ đông xuân 2021-2022 sẽ bị giá phân bón "ăn" mất lãi. 

Theo số liệu của Bộ NNPTNT, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chiếm khoảng 38% tổng chi phí sản xuất lúa. Trong đó, chi phí phân bón chiếm 22%, chi phí thuốc BVTV chiếm khoảng 16%. 

Do đó, khi giá phân bón, thuốc BVTV tăng cao sẽ làm tăng giá thành sản xuất nông nghiệp trong khi giá lúa lại không tăng khiến người nông dân đứng trước nguy cơ lỗ.

Giá phân bón tăng chóng mặt, nông dân còng lưng bán 1 công lúa chỉ mua được 2 bao phân - Ảnh 1.

Chi phí phân bón, thuốc BVTV chiếm khoảng 38% tổng chi phí sản xuất lúa (Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Trên thực tế, có một nghịch lý là lâu nay người nông dân không quyết định được giá đầu ra của hạt lúa.

Nguyên nhân việc thu mua lúa chủ yếu do thương lái thực hiện và qua nhiều khâu trung gian từ “bạn hàng” mua lúa, đến nhà máy xay xát, nhà máy lau bóng rồi mới đến các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu.

Do đó, giá mua lúa từ nông dân thường thấp, thậm chí còn gặp tình trạng thương lái ép giá khiến người trực tiếp làm ra hạt lúa lại hưởng lợi rất ít.

Ông Nguyễn Văn Kha, Tổng Giám Đốc Công Ty TNHH Đầu Tư Phát Triển Nông Nghiệp Bốn Mùa chi nhánh Bạc Liêu, cho biết với tình hình giá phân bón tăng cao nếu giá lúa gạo giảm hoặc bằng với giá thị trường như mọi năm thì nông dân sản xuất lúa chắc chắn chịu lỗ.

Dẫn chứng một phép tính đơn giản, ông Kha phân tích năng suất lúa trung bình một công (1.000 m2) dao động từ 700 -1.000 kg.

Giá lúa trung bình hiện khoảng 5.500 đồng/kg, tương đương một công lúa nông dân bán được khoảng 3,85 - 5,5 triệu đồng. Tính ra tiền bán một công lúa, người nông dân chỉ đủ tiền mua được khoảng 3 - 4 bao phân DAP.

"Với một công lúa Nhật thường phải sử dụng 1,5-2 bao phân, thì tiền bán lúa thu được chỉ đủ trả tiền phân bón, vật tư nông nghiệp. Rõ ràng đây là bài toán thua lỗ nhưng nông dân vẫn phải làm vì chẳng lẽ phải bỏ ruộng hoang", ông Nguyễn Văn Kha chia sẻ.

Không chỉ nông dân, nhiều đại lý vật tư nông nghiệp cũng cho hay hiện giá phân vẫn đang duy trì ở mức cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến việc thu hồi vốn khó khăn khi nông dân lời rất ít, thậm chí thua lỗ.

Cụ thể, phân Ure có giá 1.050.000/bao, tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái, DAP giá 1.350.000 đồng/bao, tăng 100% và Kali giá 1.180.000 đồng/bao, tăng 160%.

Giải pháp tạm thời để bám trụ

Để có thể bám trụ với đồng lúa, người nông dân phải cân nhắc, giảm lượng phân bón để giảm chi phí. Tuy nhiên, đây cũng không phải là giải pháp lâu dài.

"Với 100 ha đang canh tác, tôi thường sử dụng khoảng 2.000 bao phân thì mùa vụ này tôi dự tính chỉ dùng khoảng 1.500 bao vì giá phân bón tăng rất nhiều làm tăng chi phí sản xuất tăng cao, không còn lợi nhuận. Bà con nông dân như chúng tôi không biết sống sao đây chắc phải bỏ ruộng nếu giá phân bón cứ tăng thế này", ông Lê Văn Cua chia sẻ.

Liên quan đến giải pháp cân đối lại lượng phân bón cho ruộng lúa, tại Diễn đàn Kết nối nông sản 970 của Bộ NN&PTNT, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cũng đã đề xuất về việc chỉ bón 50% lượng phân theo nhu cầu, thậm chí có thể chỉ bón 30% để giảm áp lực chi phí.

Theo ông Lê Thanh Tùng, khi giảm phân thì năng suất cũng sẽ giảm, nhưng không đến mức nhà nông không còn gì để thu hoạch. Bởi nếu thấp nhất, không bón gì hết, nhà nông cũng có thể thu được từ 3,5 tấn/ha, thậm chí 4 tấn/ha.

Đồng thời, đại diện Cục Trồng trọt khuyến cáo bà con nông dân nên cân nhắc về mức độ đầu tư, lợi nhuận sẽ thu lại được để tính toán giải bài toán chi phí phân bón ở vụ Đông Xuân 2021 - 2022.

Vì sao giá phân bón tăng cao?

Giá nguyên liệu sản xuất phân bón tăng, giá cước vận tải tăng 3 - 5 lần, trong khi chi phí sản xuất như giá xăng, dầu, thuê nhân công đều tăng cao và việc đi lại khó khăn là những nguyên nhân chính khiến giá phân bón "leo thang" chưa có điểm dừng.

Theo báo cáo mới đây của Agriseco Research, tới tháng 9, giá tất cả các loại phân bón thế giới đều tăng rất mạnh kể từ đáy hồi tháng 5/2020, trong đó DAP tăng 125%, Ure tăng 121%, phân lân tăng 130%. 

Giá phân bón tăng chóng mặt, nông dân còng lưng bán 1 công lúa chỉ mua được 2 bao phân - Ảnh 1.

(Nguồn: Agriseco Research, Worldbank)

Các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất các loại phân bón như lưu huỳnh, khí thiên nhiên hay than có sự tăng giá mạnh do sự đứt gãy nguồn cung bởi tác động của dịch bệnh COVID-19. Cước vận tải biển tăng rất mạnh trong thời gian vừa qua đã đẩy chi phí sản xuất các loại phân bón tăng cao.

Theo ông Nguyễn Văn Kha, giá phân bón tăng nóng một phần là do Nga và Trung Quốc, hai quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, đã áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu đến tháng 6/2022 nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa và kìm hãm đà leo thang của giá phân bón.

Hiện giá nguyên liệu phân bón tăng cao là vấn đề toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam. Việc sản xuất phân hỗn hợp trong nước hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu nên khó thể can thiệp để giảm giá.

Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết sẽ đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT để mặt hàng phân bón được bổ sung vào danh mục chịu thuế VAT giúp cho mặt hàng này có cơ hội giảm giá và nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.

Cùng với đó, bộ sẽ phối hợp với các bộ ngành và địa phương để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm, tránh các hành động trục lợi từ việc tăng giá.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gia-phan-bon-tang-chong-mat-nong-dan-dung-truoc-nguy-co-lo-trong-vu-dong-xuan-20211123151842958.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/