Giá heo hơi tăng vọt, NĐT lỗ lớn vì cổ phiếu doanh nghiệp nuôi heo

Giá heo hơi tăng lên mức đỉnh lịch sử, nhiều là đầu tư mua cổ phiếu doanh nghiệp chăn nuôi lợn với kì vọng đón "sóng" cổ phiếu tăng. Nhưng NĐT đã thất vọng khi giá cổ phiếu doanh nghiệp ngành này liên tục giảm sâu trong thời gian gần đây như MSN (Masan Group), MML (Masan MEATlife), DBC (Dabaco).

64907-Recovered_1576137471

2019 vẫn nghèo với những NĐT nắm giữ cổ phiếu doanh nghiệp nuôi heo. Đồ họa: Alex Chu

NĐT vỡ mộng khi đón "sóng" cổ phiếu thịt heo

Theo âm lịch, năm 2019 là năm Kỷ Hợi, tức là năm con heo. Với quan niệm dân gian, heo là con vật tượng trưng cho sự an nhàn, sung túc, hậu vận tốt đẹp. Với những nhà chăn nuôi heo, năm 2019 được đánh giá biến động mạnh khi dịch tả heo châu Phi (ASF) xuất hiện vào tháng 2 và nhanh chóng lan rộng khắp cả nước, gây thiệt hại không nhỏ.

Tưởng chừng người chăn nuôi heo tiếp tục có năm 2019 "mất mùa" sau năm 2018 khủng hoảng thừa dẫn đến giá thịt heo xuống thấp kỉ lục. 

Giá heo tăng mạnh trong hai tháng gần đây là một niềm vui lớn cho người nuôi. Có thời điểm, giá heo hơi lên đến 95.000 đồng/cp, gấp 2,5 lần so với thời điểm đầu năm.

Với việc tăng phi mã của giá heo hơi, không ít nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán kì vọng vào các cổ phiếu của các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến thịt heo. 

Trong lịch sử, TTCK Việt Nam từng chứng kiến các đợt "sóng" khi giá nhiên liệu có sự thay đổi mạnh, như sóng cổ phiếu cao su tự nhiên khi giá cao su tăng mạnh cuối năm 2016 và tạo đỉnh 9 năm vào tháng 1/2017, hoặc sóng dầu khí vào năm 2014, sóng thép 2017. Do đó, sự kì vọng về xuất hiện "sóng" cổ phiếu ngành chăn nuôi heo trên là có cơ sở.

Nhưng, NĐT dường như đã vỡ mộng với sóng "heo", hầu hết các cổ phiếu của những doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến heo đều giảm sâu trong năm 2019.

HEO

Diễn biến giá cổ phiếu doanh nghiệp về heo như MSN, DBC, VSN đều giảm trong năm nay. Nguồn: VNDirect

Theo thống kê, tính đến ngày 13/12, hiệu suất của VN-Index đạt 8,35%. Tuy nhiên, các cổ phiếu của các ông lớn ngành heo như Tập đoàn Masan, Dabaco, Visan đều đạt hiệu suất âm, mức giảm mạnh nhất hơn 26%.

NĐT và hàng loạt quĩ ngoại lỗ lớn với cổ phiếu MSN của Masan

Cụ thể, Tập đoàn Masan (Masan Group, Mã: MSN) được đánh giá là đầu ngành trong cả lĩnh vực chăn nuôi và chế biến thịt heo. Thống kê từ đầu năm đến nay, cổ phiếu MSN của mất 26,21% giá trị. Đà giảm của cổ phiếu MSN trở nên mạnh hơn vào cuối năm, đi vùng với đó là động thái bán ròng của khối ngoại với giá trị hơn 600 tỉ đồng.

Kết phiên 13/12, giá cổ phiếu MSN giảm xuống còn 58.000 đồng/cp. Với mức giá trên, cổ đông chiến lược của Masan là SK Group (Hàn Quốc) tạm ghi nhận mức lỗ 42% khi mua vào 110 triệu cổ phiếu MSN trong tháng 10/2018 với giá 100.000 đồng/cp. 

Tổng số tiền SK Group chi ra để mua cổ phần Masan Group là 470 triệu USD (tương đương 11.000 tỉ đồng). Giá trị tính theo thị giá cổ phiếu MSN tại ngày 13/12 còn gần 273 triệu USD (6.310 tỉ đồng), tạm lỗ 197 triệu USD (4.690 tỉ đồng).

Cùng tình cảnh với SK Group, Quỹ Đầu tư quốc gia của Singapore (GIC) cũng đang ôm khoản lỗ khi mua cổ phiếu của Masan. Dẫn tin từ Bloomberg vào tháng 10 năm ngoái, GIC mua hơn 50 triệu cổ phiếu MSN từ quĩ KKR với giá khoảng 89.200 đồng/cổ phiếu. Với mức giá trên, tạm tính GIC lỗ khoảng 35%.

Một quĩ ngoại khác từng thành công khi "đánh game" nâng hạng là Tundra Vietnam Fund cũng bị cổ phiếu MSN kéo tụt tài sản ròng (NAV) khi đang nắm giữ tỉ trọng lớn thứ hai trong danh mục đầu tư.

Giới đầu tư OTC lỗ ngay sau khi Masan MEATlife lên UPCoM

Tương tự MSN, một cổ phiếu khác thuộc Masan Group có diễn biến giá không mấy khởi sắc ngay sau khi lên sàn. Cụ thể, ngày 9/12 vừa qua, Masan MEATlife - đơn vị sở hữu thương hiệu thịt mát MEATDeli đưa 324,3 triệu cổ phiếu MML lên giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 80.000 đồng/cp.

Trái với giao dịch sôi động trên giao dịch trên thị trường OTC trước thời điểm lên UPCoM, cổ phiếu MML giảm 12,6% ngay trong phiên khai trương giao dịch. Có thời điểm, cổ phiếu này giảm còn 61.900 đồng, tương đương mức giảm gần 23% sau hai phiên chào sàn.

Kết phiên 13/12, giá cổ phiếu MML đóng cửa ở 65.800 đồng/cp. Với mức giá này, những giá đầu tư cổ phiếu MML trên thị trường OTC tạm lỗ nếu mua vào cổ phiếu MML thời điểm lên UPCoM.

MML

Cổ phiếu MML đăng kí giao dịch trên UPCoM. Ảnh: Phan Quân

Cổ phiếu của Visan mất gần 1/4 giá trị

Không kém MSN, cổ phiếu VSN của Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cũng giảm gần 25% kể từ đầu năm, xuống còn 31.000 đồng/cp kết phiên ngày 13/12.

Được biết, Vissan là doanh nghiệp chăn nuôi, cung cấp thịt heo tươi và các sản phẩm chế biến từ thịt heo. Việc giảm giá của cổ phiếu VSN trái ngược với kết quả kinh doanh khởi sắc của Vissan trong 9 tháng đầu năm nay.

Cụ thể, doanh thu của Vissan đạt hơn 3.500 tỉ đồng tăng hơn hơn 10% so với cùng kì năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 148 tỉ đồng, tăng 41,3%. Sự tăng trưởng đến từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Trong đó, doanh thu mảng thịt tươi sống trong 9 tháng đạt 1.720 tỉ đồng, tăng 14% so với cùng kì năm ngoái nhưng lợi nhuận gộp tăng đến 66%, đạt mức 302,5 tỉ đồng. Động thái mới đây, Vissan liên tục mở rộng quầy bán, điểm bán sản phẩm thịt heo thảo mộc.

Cổ phiếu Dabaco giảm nhẹ, NĐT lãi đậm với cổ phiếu PSL

Ghi nhận mức giảm nhẹ hơn, cổ phiếu DBC của Dabaco giảm hơn 2% kể từ đầu năm xuống 23.150 đồng/cp đóng cửa phiên 13/12. Hai tuần đầu tháng 10, cổ phiếu DBC tăng giá mạnh và lọt Top10 mã tăng giá mạnh nhất trên sàn HOSE tuần (7 - 11/10). 

Tuy nhiên, lực bán mạnh sau đó khiến giá cổ phiếu này giảm sâu trở lại ngay sau khi vượt mốc 25.000 đồng/cp.

Diễn biến trái ngược với cổ phiếu MSN, MML, VSN và DBC, cổ phiếu PSL của Chăn nuôi Phú Sơn tăng mạnh hơn 40% với thời điểm đầu năm, gấp gần 5 lần hiệu suất của VN-Index. Nhưng cổ phiếu PSL giao dịch với thanh khoản thấp, khối lượng giao dịch bình quân chỉ vài nghìn đơn vị mỗi phiên.

Thông tin thêm, Chăn nuôi Phú Sơn là công con của TCT Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai (sở hữu 73,65%). Thời điểm hiện tại, kết quả kinh doanh năm 2019 của Chăn nuôi Phú Sơn vẫn còn là một ẩn số khi công ty chưa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng. 

Nhưng trong tháng 7, dẫn nguồn tin từ Báo Đồng Nai, ổ dịch ASF đã xuất hiện tại trang trại của Chăn nuôi Phú Sơn (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) có tổng đàn gần 20.000 con. Sau khi phát hiện 150 con heo của Chăn nuôi Phú Sơn dương tính với dịch ASF, lực lượng chức năng của tỉnh đã tiến hành tiêu hủy ngay toàn bộ 650 con heo gồm số heo bị bệnh và toàn bộ số heo cùng dãy chuồng với những con heo bệnh. 

Do trang trại của Chăn nuôi Phú Sơn được nuôi ở các dãy chuồng riêng biệt, ngăn cách bằng những lối đi nên số heo khỏe mạnh được giữ lại để tiếp tục theo dõi. Đến thời điểm này, chưa có con số chính thức về thiệt hại do dịch ASF được Chăn nuôi Phú Sơn công bố.

Như vậy, với những phân tích cho thấy, năm 2019 mặc dù giá heo hơi tăng mạnh, nhưng cổ đông nắm giữa cổ phiếu heo vẫn thất vọng vì giá giảm sâu. Liệu "sóng" cổ phiếu của doanh nghiệp chăn nuôi heo có đến trong năm 2020?

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gia-heo-hoi-tang-vot-ndt-lo-lon-vi-co-phieu-doanh-nghiep-nuoi-heo-20191215150744517.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/