Gạo không đạt VietGAP, GlobalGAP có chắc là gạo bẩn?

Cơ quan quản lí, giới chuyên gia nhận định rằng gạo không đạt VietGAP hoặc GlobalGAP thì chưa thể vội vàng kết luận là gạo bẩn.

Gạo tiêu dùng trong nước hoàn toàn an toàn

Trước những tranh cãi về phát ngôn “90% người dân Việt Nam ăn gạo bẩn” trao đổi với người viết ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) đã giải thích cho nhận định của mình. 

Theo đó, ông Bình cho biết: “Tôi nói “Bẩn” ở đây là nói theo tiêu chuẩn nông sản thực phẩm mà Việt Nam và thế giới đang nói tới và sử dụng như VietGAP hay GlobalGAP hoặc hướng hữu cơ, organic. 

Còn không đạt tiêu chuẩn tối thiểu như trên là sản phẩm không an toàn. Do đó, việc tôi nói “Bẩn” ở đây cũng không sai”.

Đại diện Công ty Trung An dẫn chứng về số liệu sản xuất gạo chuẩn VietGAP của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam trung bình mỗi năm canh tác 4,5 triệu ha đất lúa, cho ra sản lượng trung bình khoảng 45 triệu tấn lúa/năm, tương đương 25 triệu tấn gạo.

Trong đó, lượng xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn còn lại là sử dụng trong nội địa.

"Theo kinh nghiệm quan sát lâu năm trong ngành lúa gạo, tôi cho rằng diện tích đạt VietGAP chỉ khoảng 400.000 ha, có khi thực tế không tới", ông Bình nói.

Thế nhưng, nhiều người đặt ra câu hỏi “Liệu gạo không đạt tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP có chắc chắn là gạo “bẩn””?

Trao đổi với người viết, chuyên gia ngành nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định: “Gạo không đạt tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP thì chưa thể kết luận ngay là gạo bẩn. Hiện đã có qui định về ngưỡng an toàn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. 

Nếu không đạt tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP nhưng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ở mức cho phép thì không thể gọi là gạo “bẩn” được”.

Gạo không đạt VietGAP, GlobalGAP có chắc là gạo bẩn? - Ảnh 1.

Chuyên gia ngành nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy. Ảnh: Vietgiatri

Ông Thủy cho rằng việc kết luận 90% người Việt Nam ăn gạo bẩn thể hiện tình yêu đối với gạo VietGAP và GlobalGAP một cách cực đoan. 

Đồng thời, điều này làm ảnh hưởng đến gạo Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp sản xuất khác. Đồng thời, đây cũng là điểm yếu để báo chí nước ngoài khai thác, ảnh hưởng đến hình ảnh gạo Việt.

Trước đó, trao đỏi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết muốn khẳng định gạo lưu thông trên thị trường có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không, thì phải tiến hành lấy mẫu trên diện rộng, để kiểm tra, phân tích các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất.

Ông Tiệp cho hay kết quả giám sát năm 2017 với số lượng 150 mẫu; năm 2018 với số lượng 170 mẫu, lấy ở cả miền Nam, miền Trung và miền Bắc đại diện cho các vùng trồng lúa khác nhau trên cả nước cho thấy: Không phát hiện ra mẫu gạo nào có chất cấm và tồn dư kim loại nặng, chỉ có một số ít mẫu có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nhưng đều dưới ngưỡng cho phép.

“Vì vậy, có thể khẳng định gạo tiêu dùng ở nước ta là hoàn toàn an toàn”, ông Tiệp nói.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt, cho biết nhận định 90% người Việt ăn gạo bẩn là thiếu cơ sở, đậm chất cảm tính. Các thị trường khó tính đã chấp nhận gạo Việt mặc dù tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của họ rất cao.

Gạo không đạt VietGAP, GlobalGAP có chắc là gạo bẩn? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt. Ảnh: Đức Quỳnh

Ông Cường cũng cho rằng nhận "90% người dân Việt Nam ăn gạo bẩn" ảnh hưởng đến thành công vượt bậc của ngành lúa gạo nước nhà trong những năm qua, tốn hại đến uy tín ngành nông nghiệp nói chung.

Việt Nam hiện đang có bộ giống lúa rất tốt, chất lượng gạo không chỉ được cải thiện mà còn đáp ứng cả yếu tố mùa vụ. 

Các giống gạo thơm ngắn ngày chất lượng cao vừa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, vừa giúp chúng ta chủ động trong bố trí mùa vụ.

Cần có qui định chặt chẽ hơn về định nghĩa

Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nhận định: “Gạo đạt tiêu chuẩn GlobalGAP hay VietGAP là những loại gạo có chất lượng cao. 

Mà đã có gạo chất lượng cao thì đương nhiên có gạo chất lượng trung bình. Nhưng không thể qui kết gạo chất lượng trung bình đó là gạo bẩn được”, ông Thủy nhận định.

Qua đây, ông Thủy cũng cho rằng cần có những định nghĩa chặt chẽ hơn nữa về thế nào là gạo “bẩn”, gạo an toàn và gạo chất lượng cao để tránh bị lợi dụng.

Trong buổi chia sẻ người viết ông Bình - người đưa ra phát ngôn "90% người dân Việt Nam ăn gạo bẩn" nói: "Không có qui định nào về cách nói, nhưng các nước đều nói là gạo sạch thì mới nhập khẩu! Vậy gạo không sạch thì gọi là gạo bẩn hay gạo không an toàn đều đúng tùy theo cách nói và cách hiểu của người nghe".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gao-khong-dat-vietgap-globalgap-co-chac-la-gao-ban-20200907160346211.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/