Sáng 2/1, CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) đã tổ chức bất thành buổi họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường.
Theo danh sách cổ đông của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tại ngày 1/12/2023, FLC có hơn 64.179 cổ đông.
Tính tới 9h sáng nay, buổi họp có sự tham gia của 94 cổ đông bao gồm 48 cổ đông tham dự trực tiếp.
Tổng số cổ phần có quyền biểu quyển tham dự đại hội là hơn 227,7 triệu cổ phần, tương đương 32,07% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty. Do đó, cuộc họp bất thường sáng 2/1 không đủ điều kiện để tiến hành theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty.
Theo Điều 145 Luật Doanh nghiệp 2020, số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết thì mới đủ điều kiện để triệu tập họp ĐHĐCĐ.
Nếu cuộc họp đầu tiên không đủ điều kiện tiến hành, công ty có thêm tối đa 2 lần triệu tập. Lần thứ hai sẽ gửi thông báo mời họp trong vòng 30 ngày kể từ ngày dự định họp lần đầu. Lúc này, yêu cầu số cổ đông dự họp đại diện từ 33% tổng số phiếu biểu quyết hoặc một tỷ lệ khác do Điều lệ công ty quy định nhưng chỉ được giao động trong khoảng từ 33-50%.
Còn lần thứ ba, công ty gửi thông báo mời họp trong vòng 20 ngày kể từ ngày dự định họp lần hai và không yêu cầu tổng số % tổng số phiếu biểu quyết.
Theo báo cáo quản trị bán niên 2023, tính tới hết quý II năm ngoái, ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC là cổ đông lớn nhất sở hữu 30,34% vốn. Ông Lê Bá Nguyên - Chủ tịch HĐQT FLC là anh vợ của ông Trịnh Văn Quyết.
Tại buổi họp hôm nay, FLC dự kiến thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Thái Sâm đồng thời miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát đối với ông Nguyễn Tri Thống.
Nếu được thông qua, HĐQT của FLC chỉ còn ông Lê Bá Nguyên - Chủ tịch HĐQT cùng hai thành viên HĐQT là bà Vũ Đặng Hải Yến và bà Trần Thị Hương.
Ngoài ra, buổi họp còn dự kiến thông qua báo cáo kết quả tái cơ cấu Tập đoàn FLC và kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2024 của công ty.
Hồi tháng 3/2023, FLC đã được ĐHĐCĐ thông qua phương án tái cơ cấu toàn diện (bao gồm tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu các khoản vay, tái cơ cấu nhân sự, tái cơ cấu các hoạt động đầu tư, kinh doanh…).
Nhiều nhóm giải pháp quan trọng trong phương án tái cơ cấu của FLC đã được thông qua như: Tái cấu trúc nguồn vốn, sử dụng tài sản của tập đoàn để xử lý các khoản vay trái phiếu, vay tại các tổ chức, cá nhân; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án, liên doanh/liên kết với các đối tác để đầu tư, triển khai dự án; linh hoạt trong phương án huy động vốn, tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mục tiêu tinh giản bộ máy, xử lý nợ xấu, giải quyết sạch về công nợ, duy trì và phát triển hoạt các hoạt động, các lĩnh vực thế mạnh của Tập đoàn…
Với các khoản cho vay, nợ phải thu, hợp tác đầu tư, ĐHĐCĐ chấp thuận đưa vào chi phí một lần và theo dõi ngoại bảng với các khoản nợ xấu khó đòi; đồng thời thực hiện trích lập dự phòng 100% với các khoản hiện đang cần xem xét, đàm phán để thu về.
Với các khoản đầu tư của tập đoàn tại các công ty con, công ty liên kết: thực hiện trích lập dự phòng theo quy định và ý kiến của đơn vị kiểm toán (nếu có).
Giải thích thêm, ông Nguyễn Chí Công, Phó Tổng Giám đốc của FLC cho biết, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế kéo dài, nhiều đối tác của FLC đang trong tình trạng khó khăn, mất khả năng thanh toán, không thể liên hệ, không còn hoạt động tại trụ sở đăng ký kinh doanh. FLC do đó phải đối mặt với tình trạng khó thu hồi một số khoản công nợ.
Tuy nhiên, nếu tiếp tục ghi nhận và theo dõi trên sổ sách kế toán sẽ không phản ánh được chính xác hoạt động của doanh nghiệp, do đó, cần hạch toán ngoại bảng và xử lý các khoản dự phòng theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
“Cần làm rõ, bản chất quyền thu hồi của FLC đối với các khoản này vẫn giữ nguyên, nhưng sẽ được thực hiện theo dõi ngoại bảng. Hiện công ty cũng đã có kế hoạch thành lập tổ thu hồi công nợ để thực hiện các biện pháp thu hồi các khoản nợ này trong tương lai. Khi thu hồi về sẽ lại được ghi nhận trở lại trên báo cáo tài chính của công ty với khoản thu nhập tương ứng”, ông Công nói.
Hiện, FLC vẫn chưa phát hành các báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, năm 2022 cùng báo cáo tài chính quý I, II, III/2023 và báo cáo tài chính bán niên 2023 đã được soát xét.
FLC cho biết báo cáo kiểm toán năm 2021 của công ty chưa được phát hành do FLC và Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn UHY chưa đạt được sự đồng thuận giữa hai bên về ý kiến kiểm toán báo cáo riêng và hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2021.
Do đó, FLC chưa thể phát hành các báo cáo tài chính kể trên. FLC cho biết đang nỗ lực phối hợp cùng UHY thực hiện các thủ tục bổ sung làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán phù hợp và công bố thông tin theo quy định.
Sau khi các BCTC năm 2021, năm 2022, quý I/2023, quý II/2023 được phát hành, FLC cho biết sẽ tiếp tục thực hiện kiểm toán BCTC bán niên 2023.
Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/flc-hop-dai-hoi-bat-thanh-cong-ty-co-hon-64000-co-dong-20241210210309.htm
In bài biếtBản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/