EU thống nhất gói kích thích kinh tế 2.100 tỉ USD

Sau 4 ngày đêm căng thẳng, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã thống về ngân sách quĩ phục hồi COVID-19 trị giá kỉ lục 1.800 tỉ euro (tức 2.100 tỉ USD). Đây là một trong những hội nghị thượng đỉnh dài nhất trong lịch sử của EU.

EU cuối cùng cũng đi đến thỏa thuận quĩ 2,1 nghìn tỉ USD phục hồi COVID-19 sau 4 ngày căng thẳng - Ảnh 1.

Các nhà lãnh đạo thành viên EU thảo luận về gói kích thích kinh tế khổng lồ. Ảnh: The Associated Press.

27 nhà lãnh đạo EU đã cam kết một gói viện trợ khổng lồ này cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19, đã làm 135.000 người thiệt mạng trong khối liên minh.

Đáng ra chỉ kéo dài hai ngày và phải kết thúc vào thứ Bảy (18/7) theo giờ địa phương, nhưng hội nghị đã phải diễn ra thêm hai ngày nữa do sự xung đột để đi đến thống nhất của các quốc gia thành viên.

"Thật là một sự kiện phi thường, đại dịch đã đến với tất cả chúng ta, và nó đòi chúng ta phải có những phương pháp mới lạ thường", Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ.

Để đối mặt với suy thoái kinh tế lớn nhất trong lịch sử, EU sẽ thành lập quĩ COVID-19 trị giá 750 tỉ euro, một phần dựa trên khoản vay thông thường, được phân bổ dưới dạng cho vay và trợ cấp cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Thoả thuận về gói kích cầu kinh tế hậu dịch này nằm trong gói ngân sách chung của EU giai đoạn 2021 - 2027 trị giá khoảng 1 nghìn tỉ euro, nhằm giúp châu Âu vực dậy kinh tế hiện đang suy thoái ở mức nghiêm trọng nhất từ sau Thế chiến thứ II.

Bà Merkel cho biết, "Chúng tôi đã thiết lập nền móng tài chính cho EU trong 7 năm tiếp theo và đã nghĩ ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng được cho là lớn nhất của Liên minh châu Âu".

Mặc dù Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel đàm phán như là hai đối tác thân thiết nhất, nhưng liên minh hai nước này cũng phải mất nhiều ngày mới thuyết phục được các nước khác nghe theo. 

"Khi Đức và Pháp đứng cạnh nhau, hai nước này cũng không thể làm được mọi việc. Nhưng nếu Đức và Pháp bất đồng thì mọi việc đều là không thể", ông Macron nói.

EU cuối cùng cũng đi đến thỏa thuận quĩ 2,1 nghìn tỉ USD phục hồi COVID-19 sau 4 ngày căng thẳng - Ảnh 2.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Tổng thống Pháp Macron (trái) chuẩn bị phát biểu tại buổi họp báo vào cuối hội nghị EU tại Brussels ngày 21/7. Ảnh: The Associated Press.

27 nguyên thủ quốc gia đã ngồi lại và xoay sở để đưa ra ngân sách chung. Không một khu vực chính trị nào khác trên thế giới có thể thực hiện điều này, ông Macron nhấn mạnh.

Lúc đầu, bà Merkel và ông Macron muốn các khoản tài trợ lên tới 500 tỉ euro, nhưng 5 quốc gia giàu có ở miền Bắc do Hà Lan dẫn đầu lại muốn cắt giảm chi tiêu và giảm các điều kiện cải cách kinh tế nghiêm ngặt. Cuối cùng, con số này đã được hạ xuống còn 390 tỉ euro, nhưng vẫn đảm bảo 5 quốc gia này được cải cách.

"Không có gì gọi là hoàn hảo, nhưng chúng tôi đã cố gắng đạt được tiến bộ", ông Macron nói, có những khoảnh khắc cực kì căng thẳng.

Bất kì nhà lãnh đạo thành viên EU nào cũng có quyền phủ quyết toàn bộ gói ngân sách, vì vậy việc tất cả đều thống nhất về một cam kết chung để đầu tư và chi tiêu gói ngân sách này thật sự là một thành công.

Những ngày và đêm diễn ra cuộc họp chắc chắn sẽ để lại nhiều rạn nứt giữa các quốc gia thành viên, nhưng như lịch sử đã chứng minh, EU có năng lực siêu nhiên trong nhanh chóng chữa lành vết thương và tiếp tục tiến lên.

Theo đại diện phía Italy, Thủ tướng Conte cũng không có thời gian để sống trong mối hận thù. Với 35.000 người Italy đã chết vì COVID-19 và phải đối mặt với ước tính của EU rằng nền kinh tế sẽ giảm 11,2% trong năm nay, ông đã phải cân nhắc rất nhiều.

Vấn đề của Italy trải dài từ sử dụng gói ngân sách để giúp doanh nghiệp có được chỗ đứng vững chắc sau cách li cho đến chuyện mua thêm 3 triệu bàn ghế thay thế bàn đôi và bàn ba kiểu cũ để học sinh có thể giữ khoảng cách thích hợp sau mở cửa vào tháng 9.

Ông Conte khẳng định: "Chúng tôi sẽ có một trách nhiệm lớn. Với 209 tỉ euro, chúng ta có sức mạnh để tái khởi động Italy, để thay đổi bộ mặt của đất nước. Bây giờ chúng ta phải nhanh lên. Chúng ta phải sử dụng số tiền này để đầu tư, cho cải cách cơ cấu".

Tây Ban Nha cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự.

Mặc dù thỏa thuận đạt được vào ngày 21/7 là một bước tiến khổng lồ, nhưng thỏa thuận này vẫn phải được Nghị viện châu Âu thông qua.

Thủ tướng Hà Lan Rutte và những chính trị gia khác cũng muốn có một mối liên kết giữa việc trao các quĩ của EU và nguyên tắc đi kèm. 

Nguyên tắc này nhằm vào Ba Lan và Hungary, các quốc gia có chính phủ dân túy cánh hữu mà nhiều người ở EU nghĩ đang trượt dài khỏi sự lãnh đạo dân chủ.

Trong kết luận của mình, Hội đồng Châu Âu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tôn trọng luật lệ và cho rằng nó sẽ tạo ra một hệ thống nhằm không cho các quốc gia thành viên nhận trợ cấp từ ngân sách và quĩ phục hồi nếu họ không tuân thủ nguyên tắc đã đặt ra.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/eu-thong-nhat-goi-kich-thich-kinh-te-2100-ti-usd-20200721171018438.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/