Dưới thời ông Tề Trí Dũng, Tân Thuận IPC vẫn 'rơi tự do' dù các công ty con làm ăn hiệu quả

Trong thời gian ông Dũng làm lãnh đạo (2015 - 2018), doanh thu của IPC liên tiếp sụt giảm, dù các công ty con hoạt động tốt, đem lại lợi nhuận cao từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng thông qua chia cổ tức.

Mới đây, ông Tề Trí Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) vừa bị bắt tạm giam, bị khởi tố bị can với 2 tội danh: Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Ngay năm đầu tiên ông Dũng giữ chức vụ Tổng Giám đốc IPC – năm 2015, hoạt động kinh doanh của công ty tăng vọt. Tổng doanh thu năm 2015 đạt 1.138 tỉ đồng, tăng gấp 18 lần so với năm trước. Kết quả này có được là nhờ IPC thu lợi tức 1.637 tỉ đồng từ Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (PMH). Đây là doanh nghiệp tiên phong trong phát triển cơ sở hạ tầng phía Nam thành phố.

Tuy nhiên sau đó, dưới thời ông Dũng làm lãnh đạo, hoạt động kinh doanh của IPC liên tục đi xuống. Phần lớn doanh thu của công ty không đến từ ngành nghề chính mà chủ yếu là doanh thu hoạt động tài chính, trong đó có một phần lớn đến từ cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty con, công ty liên doanh, liên kết hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và dân dụng.

Dưới thời ông Tề Trí Dũng, Tân Thuận IPC vẫn rơi tự do dù các công ty con làm ăn hiệu quả - Ảnh 1.

Hiện tại, IPC có 9 công ty thành viên bao gồm:

(1) Công ty TNHH Tân Thuận (TTC): IPC chiếm 31,5%

(2) Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (PMH): IPC chiếm 30% vốn điều lệ

(3) CTCP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco): IPC chiếm 28,8% vốn điều lệ

(4) CTCP Khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC): IPC chiếm 40,5% vốn điều lệ

(5) CTCP Long Hậu (LHC): IPC chiếm 48,7% vốn điều lệ

(6) Công ty Cảng container Trung tâm Sài Gòn (SPCT): IPC chiếm 20% vốn điều lệ

(7) CTCP thương mại dịch vụ Hiệp Tân (HTC): IPC chiếm 33,33% vốn điều lệ

(8) CTCP Tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL): IPC chiếm 75% vốn điều lệ. (Công ty này cổ phần hóa từ Công ty TNHH MTV Phát triển Khu Công nghiệp Sài Gòn - IPD, chính thức hoạt động theo hình thức CTCP từ ngày 18/5/2016).

(9) Công ty TNHH Sepzone – Linh Trung: IPC chiếm 50% vốn điều lệ.

Dưới thời ông Tề Trí Dũng, Tân Thuận IPC vẫn rơi tự do dù các công ty con làm ăn hiệu quả - Ảnh 2.

Tình hình đầu tư tại các công ty con do công ty mẹ (IPC) nắm cổ phần chi phối. (Nguồn: Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh 3 năm giai đoạn 2015 – 2017 của IPC)

Xét trong giai đoạn 2015 – 2018, IPC có 2 công ty con (tỉ lệ sở hữu trên 50%) là CTCP Khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC) và CTCP Tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL). Trong đó, từ năm 2016, HIPC không còn là công ty con của IPC vì tỉ lệ sở hữu đã giảm xuống còn 40,5% cho đến nay. Còn Công ty TNHH MTV Phát triển Khu công nghiệp Sài Gòn (IPD) đã cổ phần hóa và IPO vào tháng 3/2016, thành lập ESL vào tháng 4/2016.

Dưới thời ông Tề Trí Dũng, Tân Thuận IPC vẫn rơi tự do dù các công ty con làm ăn hiệu quả - Ảnh 3.

Lợi nhuận trước thuế (LNTT) của HIPC vẫn tăng trưởng đều từ năm 2015 – 2017, tăng từ 70,7 tỉ đồng lên 115,6 tỉ đồng, tăng trưởng trung bình gần 18%/năm. Nhưng đến năm 2018, con số này bất ngờ bị âm (-145,6) tỉ đồng.

Năm 2018, tuy doanh thu thuần và doanh thu hoạt động tài chính của HIPC đều tăng khoảng gấp đôi so với năm 2017, nhưng chi phí tài chính năm 2018 quá lớn, lên đến (863,9) tỉ đồng khiến LNTT của doanh nghiệp bị âm.

Dù vậy, tổng tài sản của HIPC vẫn tăng đều qua các năm, đến năm 2018 đạt mức 3.291,9 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản của doanh nghiệp dao động trong khoảng từ 58 – 76%.

Dưới thời ông Tề Trí Dũng, Tân Thuận IPC vẫn rơi tự do dù các công ty con làm ăn hiệu quả - Ảnh 4.

Kết quả kinh doanh của ESL trong giai đoạn 2015 – 2017 có nhiều biến động so với các năm trước, điều này được lý giải là do tập trung vào việc thực hiện cổ phần hóa, xử lý tài chính và các tài sản theo quyết định cổ phần hóa. Chỉ số nợ trên tổng tài sản duy trì ở mức an toàn – dưới 35%.

Trước đó, theo Kết luận của Thanh tra TP HCM, trước thời điểm bị giảm tỉ lệ sở hữu, IPC sở hữu 60% vốn điều lệ của HIPC (300 tỉ đồng). IPC đã biểu quyết thống nhất phát hành 20 triệu cổ phiếu cho Công ty Tuấn Lộc với giá 15.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm tháng 12/2016, làm giảm tỉ lệ sở hữu của IPC từ hơn 60% xuống còn hơn 40,5%.

Kết luận khẳng định, việc xác định Công ty Tuấn Lộc là cổ đông chiến lược là không có cơ sở pháp lý. Giá bán chỉ định cho Công ty Tuấn Lộc thấp hơn giá trị thực tế của doanh nghiệp, có khả năng gây thiệt hại cho vốn nhà nước, cổ đông nhà nước. Theo báo cáo tài chính các quý trong năm 2016 của HIPC, giá trị sổ sách mỗi cổ phần luôn cao hơn, dao động từ 17.000 – 20.500 đồng/cổ phần.

Hoạt động của HIPC được đánh giá là có hiệu quả, cổ tức được chia hằng năm cao và dự kiến thu nhập sẽ tiếp tục tăng từ việc khai thác cho thuê hạ tầng KCN, nhưng IPC vẫn biểu quyết phát hành thêm cổ phiếu của HIPC.

Câu chuyện tương tự lặp lại với trường hợp CTCP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco). IPC nắm 44% vốn sở hữu tại Sadeco và đây cũng là công ty có hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận cao (có thời điểm có tỉ lệ chia cổ tức năm lên đến 40%).

UBND TP đã yêu cầu IPC không cần giảm thêm tỉ lệ sở hữu vốn tại Sadeco. Nhưng tháng 6/2017, IPC lại biểu quyết phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim, khiến tỉ lệ sở hữu vốn của IPC tại Sadeco bị giảm xuống còn 28,8%.

Trong khi đó, Thanh tra Thành phố còn xác định thêm, giá trị chuyển nhượng cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim là 40.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 6/2017, là thấp so với giá 57.000 đồng/cổ phiếu mà Công ty Exim chuyển nhượng cổ phần của Sadeco trước đó vào tháng 9/2016. Thương vụ chuyển nhượng 9 triệu cổ phiếu này đã khiến con số thiệt hại lên đến ít nhất là 153 tỉ đồng. Chưa kể, Sadeco đã phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ nhưng lại bán chỉ định, không qua đấu giá…

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/duoi-thoi-ong-te-tri-dung-tan-thuan-ipc-van-roi-tu-do-du-cac-cong-ty-con-lam-an-hieu-qua-20190516152548044.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/