Dừng hay tiếp tục xuất khẩu gạo vào lúc này?

Dự kiến kế hoạch sản xuất lúa năm 2020 đạt 43,5 triệu tấn lúa, trong đó, ước tính lượng dư cho xuất khẩu khoảng 23,5 triệu tấn. Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 và hạn, mặn diễn biến phức tạp, quyết định dừng hay tiếp tục xuất khẩu gạo càng trở nên khó khăn.

Xuất khẩu gạo tăng đột biến...

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết nhu cầu nhập khẩu gạo trong một tháng gần đây tăng mạnh ở nhiều thị trường, đặc biệt là Trung Quốc, tăng gấp 2- 3 lần trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, thị trường Philippines, Malaysia cũng tiếp tục tăng mua vào vì giá gạo Việt Nam đang rất cạnh tranh. 

Thực tế số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 900.000 tấn, với kim ngạch 410 triệu USD, tăng đến 27% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kì năm 2019.

Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc 2 tháng đầu năm 2020 bất ngờ tăng tới 595% về lượng và 724% về kim ngạch.

Tổng cục Thống kê

Riêng tại thị trường Trung Quốc, sau 2 năm trầm lắng, xuất khẩu gạo sang thị trường này 2 tháng đầu năm 2020 bất ngờ tăng tới 595% về lượng và 724% về kim ngạch.

Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng liên tục tăng cao, như gạo IR 50404 loại 5% tấm tăng từ 30 - 40 USD/tấn, đạt 380 USD/tấn, cao nhất từ tháng 12/2018 đến nay.

... rồi bất ngờ bị dừng xuất khẩu

Ngày 24/3, Tổng cục Hải quan gửi văn bản hoả tốc yêu cầu tạm dừng việc đăng kí, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0h ngày 24/3/2020.

Văn bản được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cộng với diễn biến khắc nghiệt gây hạn mặn miền Tây. Trước đó, Thủ tướng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia, nhất là trong điều kiện dịch bệnh xảy ra trên thế giới.

Thông tin này đã gây bất ngờ cho những doanh nghiệp xuất khẩu gạo và cả những người nông dân. 

Tuy nhiên ngay sau đó, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng đề nghị tạm hoãn việc dừng xuất khẩu gạo để có thời gian xác minh số liệu.

Việc "tiền hậu bất nhất" về vấn đề xuất khẩu gạo cho thấy một bài toán khó đang đặt ra cho các nhà chính sách và câu hỏi cần được giải là: Dừng hay tiếp tục xuất khẩu gạo vào lúc này?

Để giải được bài toán này, Chính Phủ đã quyết định tạm dừng kí mới các hợp đồng xuất khẩu gạo để có thời gian kiểm tra lại lượng tồn kho thực tế, sản lượng dự kiến.

Số liệu từ Bộ NN&PTNT cho biết dự kiến sản lượng lúa năm 2020 cả nước đạt 43,5 triệu tấn. Trong đó, vụ Đông Xuân sản lượng ước đạt trên 20 triệu tấn lúa và sẽ kết thúc thu hoạch trước 30/6. Trong khi nhu cầu tiêu thụ lúa cả nước ước tính khoảng 29,96 triệu tấn, do đó sẽ dư khoảng 23,5 triệu tấn cho xuất khẩu.

Dừng hay tiếp tục xuất khẩu gạo vào lúc này? - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Pháp luật TP HCM).

Các chuyên gia nói gì?

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA), cho rằng: "Không cần và không nên dừng xuất khẩu gạo. Việc Trung Quốc tăng nhập gạo Việt Nam tới 600% là có thể có thật nhưng phải xem ý nghĩa của nó".

Bà Hạnh phân tích nghe mức tăng là 600% thì quá khủng nhưng nếu xem lại, năm 2019 Trung Quốc đã giảm mức nhập gạo Việt Nam chỉ còn 8% tổng lượng nhập gạo, đến tháng 1/2020, chỉ còn 5,4% thì không có gì phải lo. Tăng nhập 600% cũng chỉ tương đương với  66.000 tấn, trị giá chừng 37 triệu USD.

Phân tích cụ thể, đại điện BSA dẫn chứng, sản lượng gạo Việt Nam hàng năm dư 6 – 7 triệu tấn để xuất khẩu. Năm nay mặc dù hạn, mặn làm giảm sản lượng lúa đông xuân nhưng ĐBSCL vào vụ Đông Xuân từ trước Tết nên tháng 2, 3 là đoạn cuối. Nhìn chung, vụ Đông Xuân 2019 - 2020 tuy thiệt hại nhưng tổng thể vẫn thu được nhiều lúa.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc CTCP Nông nghiệp Công nghệ Cao Trung An (một công ty xuất khẩu gạo) nói: “Tại sao chúng ta lại dừng xuất khẩu gạo ngay thời điểm này trong khi lượng gạo trong nước vẫn đang dư thừa? Quyết định dừng xuất khẩu gạo vì vấn đề an ninh lương thực lúc này là không xác đáng.”

TS. Nguyễn Đức Thành, thành viên Liên minh Chính sách Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng việc ban hành chính sách lần này là vội vàng, bất nhất. Ông dẫn chứng về lần ra quyết định dừng xuất khẩu gạo năm 2008. 

Cụ thể, năm 2008, giá gạo thế giới tăng dữ dội từ đầu năm đến khoảng tháng 4 -5. Theo số liệu thống kê của GSO, chỉ trong 1 tháng, tức từ tháng 4 sang tháng 5, giá gạo trong nước đã tăng thêm 36%. Giá gạo thế giới cũng tăng chóng mặt và nguy cơ thiếu hụt gạo hiện hữu toàn cầu. 

Tại thời điểm đó, Việt Nam đã vội vã đóng cửa thị trường xuất khẩu gạo để bảo vệ thị trường trong nước. Sau đó, cơn sốt gạo qua đi, mọi việc trở lại bình thường, thậm chí giá gạo lại xuống thấp theo các chu kì lên xuống của ngành hàng nông nghiệp. 

Thực tế chứng minh rằng giới kinh doanh đánh giá Việt Nam đã đánh mất một cơ hội xuất khẩu gạo với khối lượng lớn và giá rất tốt, ông Thành đánh giá.

Dừng hay tiếp tục xuất khẩu gạo vào lúc này? - Ảnh 3.

TS. Nguyễn Đức Thành, thành viên Liên minh Chính sách Nông nghiệp Việt Nam (Nguồn: VEPR).

Đánh giá về nguy cơ tăng giá gạo có thể đẩy lạm phát lên cao, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng tình hình hiện tại khác với những gì xảy ra ở năm 2008, lạm phát phi mã của năm 2008 thực chất bắt nguồn từ chính sách tiền tệ chứ không phải giá gạo cao.

"Năm nay, nếu giả sử giá gạo tăng 30% liên tục trong nửa năm thì đóng góp của nó vào mức tăng CPI có lẽ chỉ khoảng 1,5%, hoàn toàn chấp nhận được trong bối cảnh lạm phát của Việt Nam được kiểm soát tương đối tốt trong những năm qua (chủ yếu do chính sách tiền tệ chặt chẽ)", ông Thành nhận định.

Ngoài ra vì gạo là mặt hàng Việt Nam có thể chủ động nguồn cung trong những chu trình ngắn hạn khoảng 3-4 tháng nên khi nhu cầu lúa gạo thế giới đột ngột tăng cao, Việt Nam nên tranh thủ đón ít nhất là sóng đầu tiên.

"Việt Nam nên bình tĩnh, chủ động với đợt sóng tăng giá, tăng lượng mua này và xuất khẩu gạo theo làn sóng đó để thu lợi nhuận. Giá cả và nhu cầu có thể tăng dần, thậm chí tăng mạnh, trong các tháng 4-5, chúng ta vẫn nên chủ động đi theo con sóng đó", ông Thành khuyến nghị.

Đây là một cơ hội tốt cho không chỉ nông nghiệp Việt Nam phục hồi trong mùa dịch, mà còn cải thiện vị thế của VIệt Nam như một nước luôn xuất khẩu ròng lúa gạo.

TS. Nguyễn Đức Thành

Tất nhiên khi giá xuất khẩu tăng, giá gạo trong nước cũng có khuynh hướng tăng theo. Nhưng ông Thành cho rằng việc tăng giá gạo nội địa cơ bản là lợi nhiều hơn hại, vì tầng lớp được hưởng lợi căn bản vẫn là nông dân và ngành nông nghiệp. Các nhóm khác có thể bị thiệt vì giá gạo tăng lên, nhưng gạo chỉ chiếm một tỉ trọng tương đối nhỏ trong ngân sách của họ.

TS Thành chia sẻ thêm nếu đến mùa sau, khi việc cung ứng gạo trong nước có dấu hiệu mất cân đối trầm trọng, đặc biệt với tình hình sản lượng giảm do điều kiện thời tiết thì lúc đó mới cần cân nhắc điều tiết xuất khẩu.

"Tôi muốn nhấn mạnh là điều tiết xuất khẩu thôi, còn việc đóng cửa thị trường xuất khẩu là một tình huống cực đoan. Vì về nguyên tắc, do sản lượng gạo của nước ta luôn vượt quá cầu trong nước, nên việc đóng cửa thị trường xuất khẩu thực chất sẽ chắc chắn bảo đảm an ninh lương thực và bình ổn giá gạo nhưng sẽ phải đối phó với vấn nạn xuất khẩu lậu hết sức mãnh liệt", ông Thành cho hay.

Theo ông, Chính phủ cần tiếp tục quan sát, theo dõi thị trường và ra những quyết định theo lộ trình, có bài bản, bình tĩnh, sáng suốt và thực dụng. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu về việc xuất khẩu gạo

Chiều 25/3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xuất khẩu gạo.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính và các cơ quan liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt. Qua đó, rà soát, kiểm tra, đánh giá về nguồn cung lúa gạo, tình hình xuất khẩu gạo và thực hiện dự trữ lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu báo cáo để xem xét, quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo theo đúng qui định của Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 107 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các quy định pháp luật khác có liên quan, báo cáo trước ngày 28/3.

Trong khi chờ báo cáo đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng kí hợp đồng xuất khẩu gạo mới. Đối với hợp đồng xuất khẩu gạo đã được kí kết theo đúng quy định của pháp luật sẽ được xử lí cụ thể sau khi nghe đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ, ngành cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu vừa qua. Yêu cầu Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài chính, Công Thương chịu trách nhiệm bảo đảm cung ứng gạo cho nhân dân trong nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh hiện nay.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dung-hay-tiep-tuc-xuat-khau-gao-vao-luc-nay-20200326155827449.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/