Dư địa nào cho thị trường bất động sản 2023 nhìn từ triển vọng kinh tế vĩ mô?

Một chuyên gia dự báo, tháng 6/2023 là thời điểm tươi sáng để đầu tư vào mọi lĩnh vực. Riêng với bất động sản, thị trường được dự báo phục hồi nhẹ từ quý IV/2023.

Thị trường bất động sản chờ tín hiệu đảo chiều. (Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, GDP Việt Nam năm 2022 tăng 8,02%. Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%). Số liệu cho thấy nền kinh tế có sự phục hồi tích cực, vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát.

Song, chia sẻ tại một diễn đàn mới đây, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt vấn đề: “Nền kinh tế Việt Nam năm nay nằm trong thế rất nghịch lý, tình hình chung thì tốt nhưng bộ phận trong nước lại gặp khó khăn. Lạm phát giảm thấp nhưng tăng trưởng cao, tiền ở đâu ra mà tăng trưởng cao? Tại sao kinh tế tăng trưởng cao, ổn định vĩ mô tốt mà thị trường chứng khoán lại lao dốc, rồi thị trường tài chính đối mặt với nhiều rủi ro, nguy cơ vỡ trận trái phiếu doanh nghiệp? Tại sao nền kinh tế tăng trưởng tốt mà giống như bị “nghẹt thở”, máu không lưu thông được?"

Hiện nay, theo ông Thiên, "mạch chung" của nền kinh tế vẫn rất tốt. Do đó, chuyên gia cho rằng, thời gian tới, phải "bơm máu" cho nền kinh tế và phải có thái độ khác với lạm phát để giúp doanh nghiệp và giữ cho hệ thống ngân hàng ổn định.

Sang năm 2023, vị này cho biết, dự báo Việt Nam vẫn thuộc top triển vọng tích cực ở chỉ số tăng trưởng ổn định và có hạng cao hơn trong khu vực ASEAN. Đồng thời, doanh nghiệp nỗ lực cùng Chính phủ để xây dựng cấu trúc thị trường trái phiếu hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường.

 

Chia sẻ tại tọa đàm Dự báo Kinh tế - Vượt "cơn gió ngược" 2023 diễn ra mới đây, Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho biết, Việt Nam đã kiểm soát và giải quyết gốc rễ việc cung ứng vốn dưới chuẩn và đầu cơ của thị trường bất động sản, từng bước đưa thị trường bất động sản về sự thiết thực và ổn định. Điều này giúp cung ứng vốn cho nền kinh tế thực và các công ty sản xuất kinh doanh. Và đây là động lực để kinh tế nội địa.

Dự báo năm tới, chuyên gia kinh tế cho rằng lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I và trở về ổn định vào cuối quý II/2023. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý III/2023. Xuất khẩu tiếp tục suy giảm trong quý I và quý II/2023 và sẽ phục hồi vào quý III/2023. 

Ông Hiển cũng cho rằng nền kinh tế nội địa sẽ bớt khó khăn từ quý II/2023 và sẽ có sự tăng trưởng tích cực từ quý III/2023 do hiệu ứng đầu tư công và ổn định thị trường tài chính - tiền tệ.

“Đối với các nhà đầu tư, tháng 6/2023 là thời điểm tươi sáng để đầu tư vào mọi lĩnh vực. Riêng với bất động sản, thị trường được dự báo phục hồi nhẹ từ quý IV/2023, tập trung ở khu vực đô thị lân cận khu công ngiệp và khu vực hạ tầng đang đầu tư mạnh”, chuyên gia dự báo.

(Nguồn: WiChart.vn - WiGroup).

Cũng tại tọa đàm, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup nhận định, năm 2023 sẽ là năm bắt đầu chu kỳ thanh khoản mở rộng. Theo đó, tỷ giá sẽ không còn chịu áp lực trong năm tới, thậm chí Ngân hàng Nhà nước có thể quay trở lại mua dự trữ ngoại hối, tức bơm tiền vào thông qua kênh tỷ giá. Lãi suất sau khi đạt đỉnh cũng được dự báo sẽ bắt đầu giảm từ quý II/2023.

Thêm vào đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu và Việt Nam có thể sẽ bắt đầu xuất hiện dấu hiệu về một sự suy yếu trong khoảng quý I và quý II/2023. Lạm phát toàn cầu đang giảm rất nhanh, trong khi áp lực lạm phát tại Việt Nam năm tới cũng có rất nhiều lo ngại, song ông Báu cho rằng lạm phát năm 2023 sẽ không cao, đỉnh sẽ được thiết lập vào đầu năm và giảm dần vào cuối năm.

Liên quan đến vấn đề kiểm soát giá và rủi ro của thị trường bất động sản, vị này cho biết, Chính phủ đã có phương án và các nhà đầu tư cần phải quan sát.

“Khó khăn về tiền là khó khăn cấp thiết nhất cũng đã đi qua, chúng ta cùng đón một năm 2023 mà mọi thứ dễ thở hơn, cũng có thể gọi là ánh sáng cuối đường hầm”, CEO WiGroup nói.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn có nhiều tín hiệu tích cực dựa trên những triển vọng từ nội tại quốc gia và diễn biến chung của thế giới. Theo đó, khả năng kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi chậm lại trong năm 2023, nhưng vẫn tăng trưởng gần bằng mức trước dịch là từ 2,2 - 3%.

Chính phủ Việt Nam tích cực áp dụng nhiều công cụ để tạo động lực tăng trưởng cũng sẽ là lực đẩy lớn cho diễn biến phục hồi nền kinh tế, kiểm soát lạm phát cũng như đẩy mạnh đầu tư công và cơ cấu, hoàn thiện thể chế pháp lý. Những yếu tố này sẽ góp phần thúc đẩy bức tranh kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản năm 2023 nói riêng bước qua khó khăn.

“Hiện nay, Thủ Tướng đã quyết liệt chỉ đạo để đưa ra các cơ chế chính sách, giải pháp biện pháp hỗ trợ lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, cần bắt tay nhanh chóng khẩn trương để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong năm 2023, giúp thị trường có thể phục hồi trong quý III/2023”, chuyên gia nhấn mạnh.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/du-dia-nao-cho-thi-truong-bat-dong-san-2023-nhin-tu-trien-vong-kinh-te-vi-mo-202212291649684.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/