Dự án 63.000 tỉ đồng bất định tương lai

Dự án Phước Kiển có qui mô 91 ha và tổng mức đầu tư 63.000 tỉ đồng, do Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư đến nay đã gần 10 năm vẫn chưa thành hình. Ngay cả phía chủ đầu tư cũng không thể đưa ra câu trả lời chính xác về tương lai của dự án này.

Dự án Phước Kiển có vốn đầu tư 63.000 tỉ đồng không rõ tương lai - Ảnh 1.

Khu đất làm dự án Phước Kiển 90 ha của Quốc Cường Gia Lai (Ảnh: Zing News)

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 của CTCP Quốc Cường Gia Lai (Mã: QCG) diễn ra vào ngày 30/6 vừa qua, nhiều cổ đông có cùng ý kiến liên quan đến Phước Kiển, dự án chiếm phần lớn tài sản của công ty nhưng đã gần 10 năm vẫn chưa xong việc giải phóng mặt bằng.

Phản hồi về dự án này, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Như Loan nhìn nhận, công ty đã bỏ rất nhiều tiền và công sức vào Phước Kiển, song dự án vẫn chưa đến đâu do vướng pháp lí.

Trước khi đại hội diễn ra, Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai một lần nữa đã gửi văn bản đến các cơ quan, bao gồm Thành ủy, UBND TP, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Tư pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho dự án.

Theo thông tin bà Nguyễn Thị Như Loan cung cấp tại đại hội, hiện dự án Phước Kiển đã thực hiện được 5/7 bước theo trình tự thủ tục làm dự án.

"Công ty đã đấu thầu và trúng thầu theo hình thức chỉ định thầu từ năm 2015, sau đó được công nhận chủ đầu tư và trình chấp thuận đầu tư vào cùng năm.

Đến năm 2016, dự án được duyệt qui hoạch 1/500 và năm 2017 được duyệt qui hoạch chi tiết 1/500, được chấp thuận đầu tư dự án.

Quyết định chấp thuận đầu tư dự án có thời hạn ba năm (1/7/2017-1/8/2020), tức là chúng ta chỉ còn một tháng nữa thôi.

Tháng 4/2019, dự án được chấp thuận đầu tư hạ tầng. Bởi vì dự án này lớn, tổng mức đầu tư 63.000 tỉ đồng, Quốc Cường Gia Lai phải kí quĩ 10% theo nghị định 71 (năm 2015), tương ứng với số tiền 6.300 tỉ đồng.

Số tiền này được góp từ tất cả các nguồn lực kinh doanh của công ty cộng với vay mượn. Đến bây giờ, lực bất tòng tâm.

Riêng việc trình văn bản đến Sở Tài nguyên và Môi trường xin được chấp thuận đầu tư hạ tầng dự án mất hết một năm mới được Sở trả lời", Chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan kể lại.

Có chấp thuận đầu tư nhưng chưa được giao đất

Đầu tháng 2 năm nay, UBND TP HCM đã có cuộc họp với các doanh nghiệp, trong đó có Quốc Cường Gia Lai nhằm tháo gỡ những dự án đang gặp vướng mắc, khó khăn nhưng đến nay "dự án vẫn không biết đi đâu về đâu".

Bà Loan cho biết, Sở Tài nguyên và Môi Trường cho rằng việc chấp thuận đầu tư dự án theo nghị định 71 vào thời điểm đó không có chấp thuận đầu tư hạ tầng, mà chỉ có chấp thuận đầu tư dự án. Đồng thời, việc Sở Xây dựng trình thông tin như vậy là không đúng.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi Trường cho biết không thể giao đất dự án với lí do có đất kênh rạch, phải chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ tham mưu cho UBND TP cũng cho rằng, việc chấp thuận đầu tư hạ tầng kĩ thuật không giao đất được. Trường hợp giao được, mức đầu tư 3.156 tỉ đồng đưa ra mời thầu trước đó không được khấu trừ khi tính tiền sử dụng đất.

"Hai tháng nay công ty bị rối, bởi vì Sở Xây dựng nói giao đất được, còn Sở Tài nguyên và Môi trường lại nói không giao được. Đến ngày 1/8/2020, chấp thuận đầu tư hết hạn, xem như công ty không có năng lực làm dự án.

Bất cập này không phải lỗi của doanh nghiệp, các thủ tục cũng đều có hết. Tôi cũng không dám nói lỗi do ai. Tiền đầu tư dự án đều là những dòng tiền huyết mạch của bản thân tôi, của gia đình tôi và cả 3.000 cổ đông", bà Loan chia sẻ với các cổ đông.

Mặc khác, bà Loan cũng nói rõ nếu dự án không suôn sẻ, công ty cũng gặp khó khăn với đối tác và với ngân hàng. Hiện phía đối tác đã rót vào Phước Kiển 2.882 tỉ đồng.

Chưa thể hoàn tất giải phóng mặt bằng

Cũng theo bà Loan, dự án còn vướng khó khăn ở thủ tục giải phóng mặt bằng. Năm 2010, khi dự án được chấp thuận địa điểm, Quốc Cường Gia Lai chịu trách nhiệm đền bù 80%, phần 20% còn lại Nhà nước hỗ trợ, lập ra ban bồi thường.

Theo đó, Quốc Cường Gia Lai góp tiền vào và ban bồi thường định giá thị trường để làm. "Thế nhưng cũng từ năm 2015 đến nay, từ ngày xảy ra vụ Thủ Thiêm, không có một ban ngành nào hỗ trợ.

Chưa kể, mức đền bù của người dân yêu cầu rất cao, bây giờ muốn đền bù xong dự án cần 2.000-2.500 tỉ đồng tiền mặt.

Trong khi đó, công ty vay ngân hàng không được, đối tác cũng sợ. Đất Nhà Bè có lịch sử dính kênh rạch. Cả pháp lí và công tác đền bù cũng không ai hỗ trợ", bà Loan nói.

Mong muốn một lần đạt kế hoạch kinh doanh của vị Chủ tịch

Ngoài các vấn đề liên quan đến pháp lí dự án, cổ đông cho rằng kế hoạch kinh doanh năm nay của Quốc Cường Gia Lai không tích cực và thụt lùi, trong khi năm nay công ty có nhiều dự án có thể hạch toán doanh thu.

Cụ thể theo cổ đông, năm nay công ty còn một phần dự án De Capella với mấy chục căn hộ, dự án Premium Central (quận 8) đang giao nhà và sắp giao dự án Lavida Plus (quận 7). Ngoài ra, công ty còn có thể bán giai đoạn 2 dự án Marina - Đà Nẵng.

Bà Loan cho biết, "nhiều năm liền công ty đưa ra kế hoạch đều không thực hiện được. Bản thân tôi là người đầu tàu, tôi cảm thấy rất xấu hổ.

Do vậy, năm nay tôi muốn đưa ra một kế hoạch an toàn, có thể đạt được, thậm chí vượt chứ không muốn thụt lùi hoài. Số tiền thu về 1.400 tỉ đồng đến từ nhiều dự án, có dự án năm nay giao, có dự án năm sau và năm sau nữa giao".

Theo kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thông qua, Quốc Cường Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu 900 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 100 tỉ đồng, lần lượt tăng 5% và 28% so với kết quả đạt được ở năm 2019.

Theo đó, công ty sẽ không đầu tư dàn trải mà chỉ tập trung nguồn lực vào một vài dự án đã thực hiện được 50-60% thủ tục pháp lí để bảo đảm nguồn thu.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/du-an-63000-ti-dong-bat-dinh-tuong-lai-2020070215550127.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/